Kon Tum: Làm rõ trách nhiệm về những bất cập trong xây dựng hạ tầng công nghiệp

UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương làm rõ trách nhiệm về những tồn tại, bất cập tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Ngày 24/2, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, Ban Quản lý khu kinh tế và các địa phương liên quan tìm các giải pháp khắc phục những tồn tại, bất cập tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, trong đó yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Tồn tại nhiều bất cập

Cụ thể, theo kết quả của Đoàn giám sát Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum, công tác lập, thẩm định để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập các cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế như: Có 6 cụm công nghiệp đã được thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động; trong khi đó, Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp làng nghề thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) đang hoạt động nhưng lại chưa có quyết định thành lập.

Cụm công nghiệp Đăk La, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn hạn chế như: Khu công nghiệp Sao Mai, Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Thanh Trung, Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phường Ngô Mây và xã Đăk Cấm, Cụm công nghiệp Đăk La, Cụm công nghiệp Kon Plông,..

Cụm công nghiệp Đăk La chưa thu hút được nhà đầu tư

Đặc biệt, đối với quỹ đất lớn diện tích 100 ha tại Khu công nghiệp Đăk Tô (huyện Đăk Tô) chưa thể thu hút đầu tư, gây lãng phí nguồn lực về đất đai; Cụm công nghiệp Kon Plông đầu tư hạ tầng hơn 4 tỷ đồng nhưng chưa hoạt động, gây lãng phí ngân sách…

Việc sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh phân cấp hỗ trợ có mục tiêu phát triển hạ tầng Cụm công nghiệp cho huyện Đăk Hà, Đăk Tô và TP. Kon Tum chưa đảm bảo nguyên tắc, thứ tự ưu tiên, đối tượng theo quy định, chưa phát huy hiệu quả.

Có 6/8 cụm công nghiệp đang hoạt động chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. 2 cụm còn lại thì Cụm công nghiệp Đăk La đã được đầu tư hơn 20 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng hoạt động chưa hiệu quả, trong khi đó chi phí duy trì cho công trình này khoảng gần 20 triệu đồng/tháng.

Riêng Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp làng nghề thị trấn Đăk Hà được đầu tư hệ thống xử lý nước thải khu giết mổ tập trung nhưng đã xuống cấp, hoạt động không hiệu quả, xả thải trực tiếp ra môi trường.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm

Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở Công Thương, Ban Quản lý khu kinh tế, Ủy ban nhân dân các huyện rà soát, có giải pháp nhằm sớm khắc phục các hạn chế, bất cập đã được đoàn giám sát chỉ ra.

Cụ thể, cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đồng thời nghiên cứu rà soát quỹ đất đổi cho các hộ dân bị ảnh hưởng để giảm chi phí bồi thường. Bên cạnh đó, tập trung công tác thu hút đầu tư, từng bước lấp đầy diện tích cho thuê tại khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có các cụm công nghiệp đang hoạt động tiến hành xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát, xác định lộ trình, giải pháp cụ thể, căn cơ để thu hồi đối với các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích thuê, từ đó giao cho các tổ chức, cá nhân khác đủ điều kiện và có nhu cầu.

Từng bước xử lý tình trạng người dân sinh sống trong các cụm công nghiệp theo đúng quy định, đảm bảo không làm xáo trộn tình hình xã hội; thực hiện nghiêm việc chấp hành quy định của pháp luật về thuế, tiền thuê đất, xử lý triệt để đối với các trường hợp nợ đọng kéo dài.

Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn các địa phương về trình tự, thủ tục thành lập các cụm công nghiệp theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong việc triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp tại các huyện Đăk Hà, Đăk Tô và thành phố Kon Tum chưa đảm bảo các tiêu chí ưu tiên theo quy định; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý đối với các trường hợp thực hiện không đúng quy định.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá lại hiệu quả đầu tư của hệ thống xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp Đăk La, trong đó làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan để xảy ra nhiều sai phạm, lãng phí,…

Lê Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kon-tum-lam-ro-trach-nhiem-ve-nhung-bat-cap-trong-xay-dung-ha-tang-cong-nghiep-305006.html