Koh Tao - 'lời nguyền đảo chết'

Là thiên đường nghỉ dưỡng ở Thái Lan, đảo Koh Tao (hay còn gọi là Ko Tao, nghĩa là Rùa biển) nằm ở vịnh Thái Lan, hàng năm đón khoảng nửa triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên 10 năm trở lại đây đã có ít nhất 11 du khách, chủ yếu là người phương Tây thiệt mạng một cách bí ẩn khiến Koh Tao trở thành 'lời nguyền đảo chết'…

Những cái chết bí ẩn

Hai du khách đầu tiên chết ở Koh Tao nhưng không phải vì tai nạn hay bệnh tật là Hannah Witheridge, 23 tuổi và David Miller, 24 tuổi, người Anh, xảy ra ngày 15/9/2014. Thi thể bán khỏa thân của họ được phát hiện lúc 5 giờ sáng trên bãi biển Sairee. Theo Đại sứ quán Anh ở Thái Lan, Miller là kỹ sư xây dựng ngành kết cấu, làm việc cho một công ty ở Jersey còn Witheridge là sinh viên Đại học Essex.

Kết quả trích xuất từ camera an ninh và việc khám nghiệm tử thi cho thấy trên đường về khách sạn sau chuyến dạo chơi đêm, cả hai bị đánh chết bằng cuốc làm vườn nhưng trước khi chết, Witheridge đã bị cưỡng hiếp.

Koh Tao, một trong những thiên đường nghỉ dưỡng nay đã thành “lời nguyền đảo chết”.

Theo cảnh sát Koh Tao, cũng qua trích xuất camera, họ tạm giữ một khách du lịch người Anh quen biết với Witheridge và Miller khi ông này được cho là “đã bỏ trốn trên một chiếc phà đến Bangkok vào ngày xảy ra vụ việc”. Bên cạnh đó, cảnh sát cũng truy lùng một người đàn ông Thái Lan cùng 6 người Myanmar, 3 người Anh nhưng các mẫu DNA thu thập tại hiện trường không trùng khớp với DNA của những kẻ nghi vấn.

Và trong khi cái chết của cặp đôi Witheridge, Miller vẫn chưa được làm sáng tỏ thì Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-O-Cha đưa ra một bình luận gây tranh cãi. Ông nói: “Các cô gái mặc bikini ở đảo Koh Tao có an toàn không? Ồ, có chứ nếu họ không đẹp!”.

Trước những phản ứng của dư luận, Thủ tướng Prayuth Chan-O-Cha đã xin lỗi gia đình nạn nhân cùng các du khách đồng thời đính chính rằng tuyên bố của ông chỉ nhằm mục đích nhắc nhở mọi người nên cẩn thận hơn mà thôi.

Ngày 18/11, hai tháng sau cái chết của Witheridge và Miller, người dân phát hiện thi thể của du khách Thụy Sĩ là Hans Peter Suter, 44 tuổi, trôi dạt vào bãi biển Talay Ngam, huyện Lang Suan, tỉnh Chumphon. Lần cuối cùng Hans được nhìn thấy là ngày 8/11 khi đi lặn biển một mình ở Koh Tao. Cảnh sát cho biết Hans vừa hoàn thành khóa học lặn biển và nguyên nhân dẫn đến tử vong là “chết đuối”. Tuy nhiên gia đình và bạn bè ông đều không đồng ý với kết luận này bởi theo họ, Hans nổi tiếng là bợi lặn giỏi và “không lý do gì khiến ông lại bỏ ra 750 bảng Anh để theo học cái mà ông đã biết rất rành”.

Đầu tháng 10/2014, cảnh sát bắt 2 người đàn ông Myanmar là Zaw Lin và Win Zaw Htun vì nghi ngờ đã hãm hiếp Witheridge rồi sau đó giết cả cô này lẫn Miller. Đến tháng 12, Zaw Lin và Win Zaw Htun bị cáo buộc 5 tội danh, gồm giết người có chủ ý, giết người để che giấu tội phạm, hãm hiếp, nhập cảnh Thái Lan và ở lại nước này mà không được phép. Tháng 3/2015, cả hai bị tòa tuyên án tử hình.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận thắc mắc là ban đầu cảnh sát cho rằng các mẫu DNA thu thập tại hiện trường hoàn toàn không trùng khớp với DNA của những kẻ tình nghi, trong đó có Zaw Lin và Win Zaw Htun. Thế nhưng tại tòa, cảnh sát lại khẳng định “DNA của hai người này được phát hiện trên tàn thuốc lá cách nơi tìm thấy xác của Miller 50m còn trên thi thể của Witheridge, cũng tìm thấy DNA của họ…”.

Zaw Lin và Win Zaw Htun vẫn tiếp tục gửi đơn kêu oan.

Tháng 12/2014, hai tháng sau khi Zaw Lin và Win Zaw Htun bị bắt, Nick Pearson, 25 tuổi, đến từ Derby, Anh quốc, được phát hiện chết trôi ngoài khơi đảo Koh Tao khi đi nghỉ cùng gia đình. Theo cảnh sát, trong lúc leo lên một tảng đá, Nick trượt chân rơi xuống biển ở độ cao 16m nhưng theo cha mẹ Nick, anh đã bị giết nhưng cảnh sát cố tình che giấu nhằm bảo vệ ngành du lịch.

Bà Tracy, mẹ Nick nói: “Con tôi bơi giỏi. Cho dù nó có trượt chân chăng nữa thì ở độ cao ấy, nếu rơi xuống theo tư thế đứng thì không thể nào chết được. Còn nếu rơi ở tư thế nằm thì ngực, bụng hoặc lưng phải có dấu va đập giữa thân mình và mặt nước. Tuy nhiên khi vớt con tôi lên, trên người nó có nhiều vết thương ở đầu, tay chân và mặt, chứng tỏ nó đã bị tấn công rồi đẩy xuống nước”.

Một lần nữa, cái chết của Nick Pearson vẫn không có câu trả lời thỏa đáng. Đến ngày 24/1/2015, Christina Annesley, 23 tuổi, ở Orpington, Nam London trong chuyến du lịch kéo dài 4 tháng xuyên Đông Nam Á thì qua đời ở đảo Koh Tao. Vài ngày trước khi chết, Christina viết trong tài khoản của cô trên mạng Internet: “Quỷ tha ma bắt! Tôi phải trả 60 bảng để mua thuốc kháng sinh vì tôi bị viêm phổi”.

Theo cảnh sát Thái Lan, nguyên nhân dẫn đến tử vong là do Christina uống kháng sinh chung với rượu nên bị phản ứng nhưng cha cô là ông Boyne khẳng định rằng con ông chưa bao giờ biết uống rượu: “Cảnh sát cũng chẳng hề xét nghiệm tử thi để tìm độc chất. Kết quả trích xuất camera an ninh cho thấy có một thanh niên rời khỏi căn phòng con tôi thuê mướn vài giờ trước khi phát hiện con tôi chết nhưng cảnh sát cũng không hề thẩm vấn người thanh niên này”.

Quyết tìm ra sự thật, bằng nhiều cách ông Boyne có được địa chỉ Facebook của người thanh niên kia. Trong cuộc nói chuyện, anh ta giải thích “quen Christina trong một dịp tình cờ và chỉ đến thăm Christina chốc lát”. Ông Boyne cũng cho biết khi thi thể con gái ông được đưa về Anh, các chuyên gia pháp y Anh quốc kết luận rằng “không có bằng chứng chứng tỏ Christina chết vì dùng kháng sinh với rượu”.

Cũng tháng 1/2015, Dmitri Povse, 29 tuổi, người Pháp được phát hiện treo cổ trên trần nhà ở ban công phòng anh tại Ta Chin Bungalow, đảo Koh Tao. Cảnh sát cho biết Dmitri Povse chết do tự tử mặc dù lúc tìm thấy xác, hai tay Dmitri Povse bị trói ở sau lưng. Vẫn theo cảnh sát, không có dấu hiệu nào của sự xô xát bạo lực mà chỉ có một lá thư tuyệt mệnh viết bằng tiếng Pháp đặt trên giường: “Iris, anh yêu em. Tự tử tưởng dễ nhưng thực ra lại khó”. Bạn bè của Dmitri cho biết đêm trước khi chết, họ đã cùng đến quán bar trên đảo là Next Door rồi sau đó, họ ra về lúc 5 giờ sáng, chỉ còn mình Dmitri ở lại. Câu hỏi của họ đặt ra là “Nếu Dmitri quyết tâm tìm đến cái chết thì anh ta cứ việc chui đầu vào thòng lọng chứ việc gì lại phải tự trói tay mình ra sau lưng?”.

Hơn 1 tháng sau cái chết của Dmitri, Valentina Novozhyonova, du khách người Nga 23 tuổi biến mất khỏi nhà nghỉ của cô ở Koh Tao. Cô nhận phòng ngày 11/2, dự kiến trả phòng ngày 16/2 nhưng đến ngày ấy cô không xuất hiện. Tiến hành kiểm tra, nhân viên nhà nghỉ thấy điện thoại, hộ chiếu và máy ảnh của cô ở trên bàn. Truy xuất camera an ninh, cảnh sát cho biết Valentina đi bộ về hướng vịnh Chaloke Hin Kao và đó cũng là hình ảnh cuối cùng của cô còn ghi nhận được.

Thủ phạm hay vật tế thần?

Những cái chết bí ẩn nói trên nhanh chóng lan truyền trên mạng Internet khiến nhiều du khách trở nên dè dặt trước việc có nên đến Koh Tao hay không, thậm chí có người còn cho rằng Koh Tao là “lời nguyền của đảo chết”. Một số khác đã ở Koh Tao thì mỗi lần đi chơi, họ đi thành từng nhóm đồng thời thông báo cho nhau biết là sẽ đi đâu, thời gian như thế nào. Ấy vậy mà ngày 8/1/2016, Luke Miller, du khách người Anh đến từ đảo Wight, Anh quốc, được phát hiện đã chết trong một bể bơi ở Sunset Bar mà theo cảnh sát, Luke “chết đuối”.

Những người bạn của Luke cho biết 1 đêm trước đó, đã xảy ra xích mích giữa Luke và một nhóm thanh niên địa phương. Việc khám nghiệm tử thi cho thấy Luke “có một số bầm tím trên mặt, chân và vết thương ở đầu”. Một nhân chứng khai với cảnh sát rằng anh ta nhìn thấy một người đàn ông đã đập vào đầu một người khác ở bể bơi nhưng không xác định người bị đập đầu có phải là Luke hay không.

Từ đó đến năm 2023, lại có thêm 6 cái chết khác trên đảo Koh Tao, tất cả nạn nhân đều là khách du lịch nước ngoài: Elise Dallemagne, người Bỉ, 30 tuổi, được tìm thấy ngày 27/4/2017 trong tư thế treo cổ trên cây, một nửa thân trên bị thằn lằn gặm nham nhở. German Bernd Grotsch, 47 tuổi, người Đức được phát hiện chết tại nhà riêng nằm sâu trong rừng ở khu vực Mae Haad, Koh Tao. Một số khách du lịch cho biết German làm nghề cho thuê xe gắn máy ở Koh Tao đã hơn 2 năm nên rất có thể sự cạnh tranh với người bản xứ là nguyên nhân khiến ông phải chết.

Witheridge trước ngày bị hãm hiếp rồi bị giết.

Ngày 4/6/2021, thi thể của ông Rakeshwar, 59 tuổi cùng vợ là Anshoo Sachathamakul, 55 tuổi nổi lên trong hồ bơi khách sạn Novotel, nguyên nhân được cho là “chết đuối”. Cả hai ông bà đều là người Ấn Độ, chủ sở hữu Công ty Wireform AN tại Thái Lan, chuyên sản xuất khuôn đúc nhựa cho nghành công nghiệp ôtô. Điều đáng ngạc nhiên là khách sạn Novotel lại thuộc quyền sở hữu của ông Rakeshwar và ngày vợ chồng ông chết, camera an ninh không hoạt động vì “đang bảo trì”!

Người chết gần đây nhất là Neil Giblin, 48 tuổi, đến từ Birmingham, Anh quốc, được phát hiện tử vong ngày 18/1/2023 trong tư thế ngồi trên ghế sofa, trên mình chỉ có chiếc quần lót. Cũng như German, Neil làm nghề dạy lái xe và sáng hôm ấy, khi không thấy Neil đến bãi tập, hai cô gái học lái đã đến nhà riêng của Neil để tìm ông. Cả hai cô đều cho biết Neil “rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn và đầy sức sống. Một người như thế thì làm sao lại có thể đột tử được”.

1 tháng sau cái chết của Neil, Florentina Retka, 24 tuổi, người Đức bị cưỡng hiếp khi đang cùng một hướng dẫn viên Thái Lan là Kasama Apichaisompon, 55 tuổi, đi thuyền quanh đảo. Cô nói: “Khi tôi nhảy xuống bơi thì bất ngờ Kasama cũng nhảy xuống. Anh ta nắm lấy áo tôi rồi lôi tôi lên bờ, cưỡng hiếp tôi. Tôi không thể chống cự và cũng chẳng biết kêu ai vì đó là nơi hoang vắng. Khi mọi việc đã xong, anh ta đưa tôi về và miệng thì luôn hăm dọa: Nếu mày hé môi, mày sẽ chẳng bao giờ còn được nhìn thấy ánh sáng mặt trời” nhưng ngay khi vào bờ, Florntina đến gặp cảnh sát để trình báo.

Ngày 17/2, Kasama đầu thú. Đến ngày 30/11, một phiên tòa xử kín diễn ra chóng vánh, Kasama nhận mức án 2 năm 8 tháng tù. Florentina nói: “Có lẽ tôi là người may mắn nhất trong số những nạn nhân ở Koh Tao vì tôi còn sống nhưng thật không thể tưởng tượng được! Tội hiếp dâm mà hình phạt chỉ có thế thôi à?”.

Với Zaw Lin và Win Zaw Htun, cả hai đều là người Myanmar, bị tòa tuyên phạt tử hình vì “đã hãm hiếp Witheridge rồi sau đó giết cả cô này lẫn Miller”. Sau đó họ kháng án rồi năm 2016, được giảm xuống còn tù chung thân.

Ngày 2/4/2024, Zaw Lin và Win Zaw Htun tiếp tục gửi đơn kêu oan, yêu cầu tòa án xem xét lại bản án vì họ khẳng định mình vô tội. Nói chuyện với luật sư, họ cho biết họ “bị ép buộc phải nhận tội, là vật tế thần nhằm bảo vệ danh tiếng cho ngành du lịch đảo Koh Tao”. Zaw Lin nói: “Nếu chúng tôi không phải là người Myanmar mà là người Thái, bản án đối với chúng tôi có lẽ sẽ khác…”.

Vũ Cao (Theo Traveller)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/koh-tao-loi-nguyen-dao-chet-i729490/