Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Năm 2023, 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc phấn đấu đạt mục tiêu đề ra; các địa phương mong muốn những khó khăn về nguồn lực, kinh phí, cơ sở hạ tầng, chính sách… sẽ sớm được tháo gỡ.

Vốn ít nhưng động lực lớn

Bên cạnh những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh Nguyễn Thị Hiền cho biết, Sở luôn chú trọng việc khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp - công nghiệp nông thôn; đồng thời, tập trung áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, lao động ở các địa phương.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn phấn đấu đạt mục tiêu đề ra trong năm 2023

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn phấn đấu đạt mục tiêu đề ra trong năm 2023

Thông qua triển khai hiệu quả chính sách khuyến công, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có hướng đầu tư đúng, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương một cách bền vững. Từ đó, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa công nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Tiếp nối những kết quả tích cực đã đạt được, năm 2023, Sở Công thương Quảng Ninh triển khai thực hiện 20 đề án, nhiệm vụ khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ là 6,599 tỷ đồng. Thu hút trên 5,043 tỷ đồng vốn đối ứng từ các cơ sở công nghiệp nông thôn để đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào phát triển sản xuất. Trong đó có 4 đề án khuyến công; thực hiện 230 đề án/nhiệm vụ khuyến công quốc gia, kinh phí hỗ trợ 3,9 tỷ đồng; 16 đề án, nhiệm vụ khuyến công địa phương, kinh phí hỗ trợ 2,699 tỷ đồng.

Đại diện Sở Công thương Bắc Ninh chia sẻ, trong suốt 10 năm thực hiện chương trình khuyến công (2012 - 2022), dù nguồn kinh phí hỗ trợ không nhiều so với tổng mức đầu tư của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn nhưng chương trình khuyến công đã phát huy tốt vai trò là nguồn vốn ban đầu, khuyến khích các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư vốn đối ứng, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh...

Việc triển khai hiệu quả chính sách khuyến công đã động viên và huy động được các nguồn lực trong nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Từ đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa công nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Các nội dung của hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có hướng đầu tư đúng, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Nỗ lực đạt mục tiêu đề ra

Năm 2023, 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra. Phó Giám đốc Sở Công thương Sơn La Nguyễn Đình Phong nhấn mạnh, chính sách về khuyến công cần tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung; bên cạnh đó mong muốn những hạn chế về nguồn lực, kinh phí, cơ sở hạ tầng sớm được tháo gỡ.

Cụ thể, Sở Công thương tỉnh Ninh Bình đề xuất, các đơn vị xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm bảo đảm đúng tiến độ nguồn kinh phí mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hoàn thành đề án khuyến công theo đúng nội dung, tiến độ và sử dụng kinh phí đúng mục đích, chế độ chính sách cũng như các quy định khác về quản lý hoạt động khuyến công.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tại địa phương, chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định về xây dựng, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công của tỉnh cho phù hợp với các văn bản pháp luật của Nhà nước. Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác khuyến công theo hướng tăng cường công tác quản lý nhưng cũng giảm bớt thủ tục hành chính cho các cơ sở được lựa chọn tham gia hoạt động khuyến công.

Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công.

Để sớm hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2023, đại diện Sở Công thương Nghệ An đề nghị Bộ Công thương xem xét, điều chỉnh nâng mức hỗ trợ một số nội dung khuyến công nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất. Trong đó, xem xét, điều chỉnh thời gian hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện 21 đề án chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến trong thời gian 2 năm (24 tháng) tính từ thời điểm đầu tư (hiện nay chỉ hỗ trợ thực hiện trong năm kế hoạch). Bổ sung hướng dẫn quy định cụ thể một số nội dung hỗ trợ như: chuyển đổi số, xây dựng mô hình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp...

Ngoài ra, nghiên cứu trình Quốc hội xây dựng luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật thuế trong đó có đề xuất bổ sung quy định các khoản hỗ trợ khuyến công cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn là khoản thu nhập được miễn thuế. Hiện nay, nguồn kinh phí khuyến công sau khi các cơ sở thụ hưởng được hỗ trợ phải kê khai đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nghệ An cũng đang tập trung cao cho việc thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp ở các huyện, thị xã còn ít so với yêu cầu, kính đề nghị Bộ Công thương quan tâm hỗ trợ các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp cho tỉnh để tạo điều kiện phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nông thôn trên địa bàn.

H.Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/kip-thoi-thao-go-kho-khan-vuong-mac-i338342/