Kịp thời tháo gỡ khó khăn để giảm nghèo bền vững

Để đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo bền vững, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân yêu cầu toàn hệ thống chính trị phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và nỗ lực hành động. Đặc biệt, cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường kiểm tra, giám sát, gần dân hơn nữa để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...

Tỷ lệ hộ nghèo còn cao

Những năm qua, Quảng Ngãi xác định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hết sức quan trọng và cần thiết nhằm hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Trong đó, tỉnh chú trọng hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo bằng kinh phí, xây dựng các dự án trọng điểm để phát triển kinh tế vượt lên mức sống tối thiểu, như Chương trình giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Nhiều mô hình để xóa đói, giảm nghèo đã được triển khai có hiệu quả

Đặc biệt, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: xây dựng hệ thống kênh mương, giếng nước; sửa chữa đường giao thông, nâng cấp nhà văn hóa; sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường học có học sinh bán trú... đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Một số dự án, tiểu dự án liên quan đến sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được các đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện, từng bước tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Dù vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn hơn 29.200 hộ nghèo, chiếm 7,8%; hơn 23.800 hộ cận nghèo, chiếm 6,36%. Đáng chú ý, kết quả rà soát cho thấy, tại vùng cao có nhiều hộ gia đình thiếu nhiều chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phổ biến là thiếu hụt về BHYT, nước sinh hoạt, nhà ở, việc làm…

Nguyên nhân của tình trạng trên, báo cáo giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn chỉ rõ: do tỷ lệ giải ngân các dự án, chương trình còn thấp, các địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, việc lựa chọn danh mục công trình còn manh mún, nhỏ lẻ; một số địa phương chưa xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình cho cả giai đoạn 2021-2025 và từng năm, cũng như chưa xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần, làm cơ sở để triển khai thực hiện, quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả nhằm nâng cao hiệu quả Chương trình trên địa bàn...

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Theo kế hoạch, mục tiêu đến cuối năm 2023, Quảng Ngãi phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 1,13%, riêng tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm 4,5% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; giảm 4.107 hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3,24%. Đồng thời, phấn đấu hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 20 mô hình giảm nghèo, xây dựng và phê duyệt trên 200 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; phấn đấu tối thiểu 1.450 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, bảo đảm có nhà ở an toàn, ổn định…

Thời gian qua, cùng với các chương trình, chính sách của Trung ương, Quảng Ngãi đã ban hành nhiều chương trình, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương như hỗ trợ, biểu dương, khen thưởng đối với hộ gia đình, thôn, xã, huyện thoát nghèo ở vùng miền núi; hỗ trợ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu số thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Quảng Ngãi; thí điểm chính sách khuyến khích hộ nghèo tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững trên địa bàn các huyện Sơn Tây, Trà Bồng…

Phát huy vai trò của cơ quan dân cử trong công tác giảm nghèo, tại Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh Khóa XIII đã quyết nghị quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và vốn đối ứng của ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Cùng với đó, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, qua đó đã phát hiện những vướng mắc trong thực hiện các dự án, tiểu dự án. Chẳng hạn, liên quan đến việc đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, theo đề xuất của các huyện có 16 danh mục xây dựng chợ, gồm 11 danh mục chợ xây dựng mới và 5 danh mục chợ nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Công thương thì Quảng Ngãi chỉ được phân bổ đầu tư xây mới 1 chợ và nâng cấp, cải tạo 4 chợ...

Từ kết quả giám sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát những vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình; đồng thời kiến nghị bộ, ngành Trung ương có giải đáp kịp thời làm cơ sở triển khai hiệu quả chương trình trên địa bàn.

Tại cuộc đối thoại với chính quyền, Nhân dân huyện Trà Bồng mới đây, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh: toàn hệ thống chính trị phải xem công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và luôn nỗ lực hành động. Theo đó, cần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao dân trí, đổi mới tư duy cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về kiến thức, kỹ năng sản xuất và tổ chức đời sống; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Đặc biệt, cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam, cùng với các cơ quan liên quan tăng cường hoạt động giám sát, gần dân hơn để vừa động viên, hướng dẫn Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo ở địa phương, vừa sớm nắm bắt, phát hiện, có kiến nghị, bổ sung, tháo gỡ vướng mắc kịp thời.

Minh An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/kip-thoi-thao-go-kho-khan-de-giam-ngheo-ben-vung-i340990/