Kịp thời phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên lúa mùa

Từ đầu tháng 8 đến nay, trời mưa lớn kéo dài đã tạo điều kiện thuận lợi để sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện, gây hại rải rác trên diện tích lúa mùa tại một số huyện vùng thấp của tỉnh.

 Gần 500 ha lúa mùa vùng thấp xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ gây hại.

Gần 500 ha lúa mùa vùng thấp xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ gây hại.

Thời điểm hiện tại, đa số diện tích lúa vùng thấp đang ở giai đoạn đẻ nhánh, phát triển thân lá mạnh. Do thời tiết liên tục có mưa, nắng đan xen, kéo dài, tại nhiều cánh đồng, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 đã xuất hiện với mật độ cao (bình quân từ 50 – 100 con/m2), cá biệt có nơi có mật độ sâu khoảng 200 con/m2. Tổng diện tích lây nhiễm gần 500 ha trên địa bàn toàn tỉnh.

Ngay sau khi phát hiện sâu bệnh, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra thực tế, ban hành các văn bản khuyến cáo phòng trừ đối tượng sâu cuốn lá nhỏ, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nông dân.

 Cán bộ khuyến nông và nông dân kiểm tra mật độ sâu cuốn lá nhỏ gây hại tại xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng.

Cán bộ khuyến nông và nông dân kiểm tra mật độ sâu cuốn lá nhỏ gây hại tại xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng.

Bà Bùi Thị Hương, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Diện tích lúa nhiễm sâu cuốn lá nhỏ chủ yếu là lúa vùng thấp. Sau khi tổng hợp từ các địa phương, kết hợp đi kiểm tra điểm, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh ra văn bản chỉ đạo, hướng dẫn người dân theo dõi và tiến hành phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ.

 Nông dân thôn Đồng Tâm xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ.

Nông dân thôn Đồng Tâm xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ.

Tại cánh đồng thôn Đồng Tâm, xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng, ngay sau khi phát hiện sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên lúa, ông Lê Văn Vinh đã đến cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật mua thuốc về phun để bảo vệ diện tích lúa của gia đình. Ông Vinh cho biết: Sâu cuốn lá nhỏ nếu phát hiện sớm, có thể phòng trừ hiệu quả, không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của lúa. Chúng tôi thường phun thuốc vào những ngày thời tiết không mưa, phun vào chiều tối để đạt hiệu quả cao nhất.

Tương tự, tại cánh đồng thôn Nhuần 4, xã Phú Nhuận, thời điểm này, hầu hết đối tượng sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 đã qua giai đoạn trưởng thành, hóa bướm. Nông dân phải theo dõi sát sao diễn biến thời tiết và tình hình sâu bệnh để thực hiện các biện pháp phòng trừ ngay khi thời tiết ngừng mưa. Ngoài việc tổ chức phun thuốc phòng trừ đối tượng sâu cuốn lá nhỏ, nhiều hộ dân còn đặt đèn để bẫy bướm và rầy nâu vào ban đêm.

Ông Vũ Văn Tài, Trưởng thôn Nhuần 4, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng cho biết: Sau khi thăm ruộng phát hiện sâu bệnh, tôi đã dùng loa thông báo cho bà con khẩn trương phòng trừ sâu bệnh. Tôi và cán bộ khuyến nông cũng xuống kiểm tra và khuyến cáo bà con các biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả.

Ngoài huyện Bảo Thắng, nông dân các vùng trồng lúa mùa vùng thấp với diện tích lớn như huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Bát Xát cũng thường xuyên thăm đồng để phát hiện các đối tượng sâu bệnh và áp dụng các biện pháp phòng, trừ kịp thời, không để sâu bệnh lây lan trên diện rộng.

Hà Khương Duy, thôn Chiềng 3, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn chia sẻ: Không chỉ sâu cuốn lá nhỏ mà bất kỳ loại sâu bệnh nào đều có thể phòng trừ rất hiệu quả khi phát hiện sớm. Vì vậy, giai đoạn lúa có nguy cơ nhiễm sâu bệnh cao, ngày nào chúng tôi cũng phải thăm đồng, kiểm tra sự phát triển của lúa để áp dụng các biện pháp kịp thời.

Với sự chủ động của ngành nông nghiệp và nông dân các địa phương, đến nay, cơ bản đối tượng sâu cuốn lá đã bị khống chế, không bị bùng phát, lây lan rộng.

Tuy nhiên, theo cảnh báo của ngành nông nghiệp: Thời gian tới, thời tiết nắng mưa xen kẽ, độ ẩm không khí cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại mạnh. Trong đó sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 sẽ xuất hiện, có nguy cơ gây hại đặc biệt, đe dọa đến năng suất và sản lượng lúa mùa ở các địa phương vùng thấp. Lứa sâu cuốn lá nhỏ này sẽ nở rộ và gây hại từ khoảng 20/8 nên nông dân cần tập trung phun phòng, trừ từ 20 – 27/8.

Theo bà Bùi Thị Hương, Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo Vệ thực vật tỉnh khuyến cáo: Việc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 phát sinh vào khoảng cuối tháng 8 rất quan trọng. Vì đây là thời điểm lúa ở giai đoạn đứng cái, làm đòng, quyết định đến năng suất, sản lượng lúa. Do đó, nông dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Cũng theo dự báo của cơ quan chuyên môn, ngoài đối tượng sâu cuốn lá nhỏ, trên cây lúa mùa vùng thấp, bà con cần chú ý theo dõi bệnh lùn sọc đen, bệnh đạo ôn, sâu đục thân 2 chấm, bệnh bạc lá và các sâu bệnh hại khác và chủ động phòng trừ khi đến ngưỡng. Đối với cây lúa mùa vùng cao, cần chú ý theo dõi bệnh đạo ôn cổ bông. Nông dân cần tranh thủ ngày nắng ráo khẩn trương thu hoạch ngay sau khi lúa chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, tránh thiệt hại do mưa bão gây ra.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/kip-thoi-phong-tru-sau-cuon-la-nho-gay-hai-tren-lua-mua-post371967.html