Kịp thời khắc phục bất cập, hạn chế

Hệ thống các công trình văn hóa, thể thao còn thiếu; công tác quản lý, khai thác còn chưa hiệu quả... là những bất cập, hạn chế căn bản được HĐND thành phố Hà Nội chỉ rõ tại thông báo kết luận phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn. Theo đó, Thường trực HĐND thành phố yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị nghiêm túc xây dựng các giải pháp để kịp thời khắc phục...

Quang cảnh phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Quang cảnh phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Vẫn còn “trắng” trung tâm văn hóa cấp xã

Thống kê cho thấy, toàn thành phố Hà Nội mới có 136/579 xã, phường, thị trấn có công trình trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, đạt tỷ lệ 24%; 9 quận, huyện “trắng” trung tâm văn hóa xã, phường. Ngoài ra, trong tổng số hơn 4.200 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố, chỉ có hơn 1.900 nhà văn hóa đáp ứng tiêu chí cơ bản về quy mô, diện tích xây dựng, trang thiết bị, còn lại chưa đáp ứng các tiêu chí cơ bản. Đặc biệt, có 18 nhà văn hóa nằm trong khuôn viên di tích; 187 nhà văn hóa xuống cấp, không bảo đảm điều kiện hoạt động.

Bà Đào Thị Mùi (phường Khâm Thiên, quận Đống Đa) cho biết, 4/8 khu dân cư trên địa bàn phường có nhà văn hóa với cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ… Trong khi đó, chị Dương Thu Hiền (phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình) chia sẻ, hiện tại 7 tổ dân phố của phường phải sinh hoạt chung tại nhà văn hóa số 8 phố Hàng Bún, diện tích 52m2; bàn ghế, phông bạt hỏng, loa đài cũ kỹ.

Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Hoàng Thị Tú Anh cho biết, qua khảo sát, nhiều nhà văn hóa nằm trong khuôn viên di tích đình, chùa là thực trạng ở nhiều địa phương, khiến cho việc sinh hoạt văn hóa xung đột với sinh hoạt tín ngưỡng.

Không chỉ có vậy, nhiều thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố đang bị sử dụng sai mục đích. Cụ thể, Nhà văn hóa phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) bị biến thành nơi trông giữ xe; nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư 21, 22 phường Ô Chợ Dừa “được” UBND quận Đống Đa chấp thuận chủ trương thí điểm mở cửa hàng an toàn thực phẩm. Không ít công viên, vườn hoa đang phải nhường nhiều vị trí “vàng” cho nhà hàng, quán cà phê, điểm trông giữ xe trái phép...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho rằng, những bất cập, hạn chế trên là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền đối với việc hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao chưa thực sự quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức. Thời gian tới, UBND thành phố sẽ tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa…

Khẩn trương có giải pháp khắc phục

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, trên cơ sở chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trên, ngày 5-5, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Thông báo kết luận về phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, Thường trực HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo rà soát tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Thủ đô; xây dựng phương án quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, thống nhất, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là không điều chỉnh quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa sang mục đích khác. Quỹ đất sau khi di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch thì ưu tiên bố trí xây dựng các công trình văn hóa, thể thao.

Ngoài ra, UBND thành phố cần tăng cường đầu tư nguồn vốn ngân sách; quan tâm đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ thiếu nhi, người cao tuổi, người lao động tại các khu công nghiệp. Trước mắt tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công Cung Thiếu nhi Hà Nội, Cung Văn hóa thể thao thanh niên, các công viên, khu vui chơi, giải trí phục vụ cộng đồng. Cùng với đó là rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn quy chế quản lý, khai thác, tổ chức hoạt động của các trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố...

Đối với các quận, huyện, thị xã, Thường trực HĐND thành phố đề nghị tập trung bố trí nguồn vốn, quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu; đáp ứng nhu cầu trước mắt và trong dài hạn có kế hoạch cải tạo, nâng cấp, đầu tư trang thiết bị. Các quận, huyện, thị xã cũng cần rà soát công tác quản lý, khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao; nâng cao hiệu quả sử dụng, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp sử dụng sai mục đích, không đúng quy định.

“HĐND các cấp thành phố Hà Nội sẽ tăng cường giám sát, khảo sát việc thực hiện của UBND thành phố, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trong việc tổ chức khắc phục các hạn chế được nêu tại phiên giải trình để thông báo rộng rãi đến cử tri, nhân dân”, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

Việt Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1031473/kip-thoi-khac-phuc-bat-cap-han-che