Kính viễn vọng Không gian Hubble phát hiện ngôi sao 'chết' 5 lần

Thông qua Kính viễn vọng Không gian Hubble, các chuyên gia thiên văn chụp được hình ảnh về một ngôi sao 'chết' 5 lần từ năm 1990 - 2016. Ngôi sao xấu số đó là siêu tân tinh có tên gọi Refsdal.

Bí mật về một ngôi sao "chết" 5 lần được các nhà khoa học mới công bố. Vào năm 2014, các nhà quan sát lần đầu tiên phát hiện hình ảnh của siêu tân tinh Refsdal thông qua Kính viễn vọng Không gian Hubble. Refsdal là một siêu tân tinh, tức cái chết rực rỡ của một ngôi sao khi nó cạn năng lượng và nổ tung. Điều khiến họ bất ngờ là ngôi sao này đã phát ra ánh sáng rực rỡ tại 5 vị trí và thời điểm khác nhau.

Năm lần đó gồm: 1 lần cuối những năm 1990, 2 lần vào cuối năm 2014, 1 lần vào cuối năm 2015 và 1 lần vào đầu năm 2016.

Điều thú vị là mỗi lần ngôi sao phát sáng là một lần nó phát nổ thành tro bụi và vĩnh viễn không thể hồi phục. Điều này có nghĩa chúng ta đã quan sát thấy được một ngôi sao xấu số "chết" tới 5 lần.

Trước sự việc này, các nhà khoa học đã nghiên cứu và tìm ra lời giải. Họ cho hay ánh sáng từ siêu tân tinh phát ra từ mọi hướng. Tuy nhiên, trong quá trình ánh sáng truyền qua không gian, nó đã bị bẻ cong bởi trường hấp dẫn khổng lồ của một cụm thiên hà khổng lồ.

Hậu quả là ánh sáng của siêu tân tinh đến Trái đất qua nhiều tuyến đường khác nhau. Nói cách khác, mỗi lần xuất hiện của siêu tân tinh được chúng ta quan sát thấy theo một con đường khác nhau trong vũ trụ.

Thông qua cách quan sát sự xuất hiện của các siêu tân tinh nhìn từ Trái Đất, các nhà khoa học có thể đo lường khoảng thời gian mà chúng di chuyển. Từ đó, chúng ta có thể tính toán được độ giãn nở của vũ trụ trong quá trình tia sáng di chuyển (gọi là hằng số Hubble).

Các nhà khoa học có một số phương pháp khác để đo hằng số Hubble, bao gồm căn cứ theo nền vi sóng vũ trụ, bao gồm các ánh sáng tàn dư, hoặc bức xạ được truyền qua vũ trụ ngay sau Vụ nổ lớn.

Với 5 lần xuất hiện ở 5 vị trí và thời điểm khác nhau, các nhà khoa học đã có thể tính toán ra tốc độ mà siêu tân tinh Refsdal bị đẩy đi. Tiếp đến, họ tính toán ra tốc độ giãn nở của vũ trụ: 66,6 km/giây trên mỗi 3,2 triệu năm ánh sáng (1 megaparsec).

Mời độc giả xem video: Ngắm Trái đất đẹp mê hồn từ Trạm Vũ trụ quốc tế.

Tâm Anh (theo LS)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/kinh-vien-vong-khong-gian-hubble-phat-hien-ngoi-sao-chet-5-lan-1857154.html