Kinh tế Xây dựng - Giao thông Tăng quỹ đất phát triển giao thông đô thị Huế

TTH - Để giảm tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng giao thông tại đô thị, TP. Huế cần có các giải pháp đột phá tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông.

Sau khi hoàn thành hệ thống đường vành đai sẽ góp phần chống ùn tắc và giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến qua trung tâm thành phố Huế. Ảnh: Bá Toán

Thêm quỹ đất phát triển giao thông

Thực tế, không riêng hạ tầng giao thông đô thị Huế mà nhiều nơi hiện nay đã quá tải. Thực trạng này là do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh nhưng việc quy hoạch quỹ đất, nguồn vốn bố trí để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông tại các đô thị lại chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị đang diễn ra ngày một căng thẳng.

TP. Huế là đô thị loại 1 có quy mô khá lớn khi mới đây đã điều chỉnh mở rộng tăng gần gấp 4 lần so với hiện tại, với diện tích 265,99km2 và quy mô dân số 652.572 người, gồm 29 phường,7 xã. TP. Huế cũng là một trong những đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhất là vùng lõi các khu vực bắc, nam sông Hương...

Thực tế, hệ thống hạ tầng giao thông tại TP. Huế đang ngày càng "hụt hơi" so với tốc độ gia tăng dân số, cũng như đô thị hóa. Hàng ngày vào giờ cao điểm trên các trục giao thông, giao lộ giữa đường bộ, đường sắt, khu vực các cổng trường học... xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nguy cơ mất an toàn giao thông.

Ông Lê Tiến Vĩnh, Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị Huế cho rằng, dù thời gian gần đây hạ tầng giao thông TP. Huế được nâng cấp mở rộng nhiều, nhưng hiện nay phần lớn đường sá ở TP. Huế nhỏ hẹp không đảm bảo cho lưu lượng các phương tiện lưu thông, nhất là khu vực nội thành, các cửa ngõ ra vào thành phố; khu vực bờ nam sông Hương, dọc hai bên sông An Cựu...

Đường Lý Thường Kiệt, TP. Huế bị ùn tắc vào giờ cao điểm. Ảnh: MC

Đường Lý Thường Kiệt, TP. Huế bị ùn tắc vào giờ cao điểm. Ảnh: MC

Nguyên nhân trên được nhận diện từ việc quỹ đất phục vụ nhu cầu giao thông lâu nay còn hạn chế. Đây là thực trạng không riêng ở đô thị TP. Huế mà hiện nay tỷ lệ đất giao thông dành cho vùng đô thị đều đang ở mức dưới chuẩn.

Chính vì vậy, tại Nghị quyết số 06-NQ/TW (ngày 24-1-2022) của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định một số chỉ tiêu cụ thể về phát triển đô thị trong thời gian tới. Trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11-16%. Con số này sẽ tăng lên mức 16-26% vào năm 2030.

Triển khai xây cầu vượt sông Hương. Ảnh: M. Văn

Triển khai xây cầu vượt sông Hương. Ảnh: M. Văn

Ưu tiên các dự án hạ tầng giao thông

Mật độ dân số đông, phương tiện cá nhân tham gia gia thông ngày càng lớn, nhưng việc mở rộng các tuyến đường hiện hữu và đường mới ở TP. Huế hiện nay là bài toán khó, do chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) rất cao; đơn cử như hiện nay TP. Huế đang gặp khó khăn trong việc GPMB mở rộng đường Bà Triệu.

Tuy nhiên, để giải bài toán giao thông đô thị, việc mở rộng các tuyến đường cũ, xây dựng thêm các tuyến đường mới là rất cấp bách. Thời gian gần đây, nhiều DA hạ tầng giao thông đã, đang đầu tư, nâng cấp mở rộng bước đầu tạo ra hiệu quả trong việc giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông ở TP. Huế, như mở rộng cầu Lòn - Bùi Thị Xuân, đường Hà Nội, đường Hai Bà Trưng, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương... Thế nhưng so với nhu cầu thực tế, số lượng các DA hạ tầng giao thông đã, đang được đầu tư còn khá hạn chế.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, trong các hội nghị góp ý Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới đây đã chú trọng việc điều chỉnh quy hoạch chung cho TP. Huế nằm trong mô hình của thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 đã tính toán, bố trí quỹ đất để xây dựng thêm các tuyến đường mới "gánh vác" lưu lượng phương tiện giao thông cho các tuyến đường hiện hữu. Giữa phương án mở rộng các tuyến đường cũ và mở thêm các tuyến đường mới đã tính toán rõ bài toán kinh tế để đưa vào quy hoạch thực hiện để kết nối liên vùng.

"Trong quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 đã định hướng phát triển toàn diện hệ thống giao thông đối ngoại, đối nội, trên tất cả các lĩnh vực (đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không...), đáp ứng nhu cầu phát triển giai đoạn hiện nay và trong thời gian sắp tới" - lãnh đạo Sở Xây dựng nói.

Cùng với việc tăng tỷ lệ đất giao thông, việc đa dạng hóa các hình thức giao thông cũng là phương án để giải quyết tình trạng quá tải về hạ tầng giao thông đối với đô thị Huế hiện nay và trong thời gian đến.

Lãnh đạo Phòng Quản lý Đô thị TP. Huế cho rằng, là một đô thị lớn trong thời gian đến, nếu không tính toán kỹ TP. Huế sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt quỹ đất để phát triển công trình hạ tầng giao thông. Hiện nay đô thị Huế đã hội đủ các loại hình giao thông, như đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không... thì cũng cần tính đến việc quy hoạch và khai thác không gian ngầm phục vụ giao thông ở địa phương. Đây cũng là giải pháp khi đất chật, người đông mà lâu nay TP. Huế chưa được khai thác.

"Việc khai thác không gian ngầm là xu hướng tương đối phổ biến và hiệu quả trong phát triển đô thị ở nhiều nước trên thế giới, bởi nó không gây hao tổn diện tích đất nên rất phù hợp với các đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh, quỹ đất phát triển đô thị ngày càng hạn hẹp" - lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP. Huế chia sẻ.

SONG MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tang-quy-dat-phat-trien-giao-thong-do-thi-hue-a124428.html