Kinh tế - xã hội vùng biên tiếp tục phát triển

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hồng Ngự xây dựng Kế hoạch số 64 ngày 25/1/2022 thực hiện Kết luận số 245 của Tỉnh ủy khóa XI về phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện (viết tắt là Kế hoạch số 64) mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là hợp tác biên giới tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao đời sống người dân và giữ vững quốc phòng, an ninh tại vùng biên.

Nuôi cá tra xuất khẩu là một trong những thế mạnh về phát triển kinh tế của huyện Hồng Ngự

Nuôi cá tra xuất khẩu là một trong những thế mạnh về phát triển kinh tế của huyện Hồng Ngự

Nhằm cụ thể hóa Kế hoạch số 64, các cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt nghị quyết, chủ trương của tỉnh, huyện về phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới thông qua các chương trình đối thoại với Nhân dân, sinh hoạt chi, tổ, hội. Qua đó, từng bước tạo tập quán sản xuất theo hướng “hợp tác liên kết” gắn với bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, an ninh Quốc gia. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp của huyện Hồng Ngự phát triển dần đi vào chiều sâu, khai thác tiềm năng, lợi thế từng địa phương gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Địa phương tiếp tục duy trì và phát triển 5 ngành hàng chủ lực: lúa - gạo; hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày; rau an toàn; cá tra giống; bò sinh sản, bò vỗ béo và ngành hàng vịt. Đối với ngành hàng lúa - gạo giai đoạn 2021 - 2023, diện tích sản xuất, năng suất, hợp đồng liên kết tiêu thụ hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.

Người dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, giúp giảm giá thành từ 150 đồng - 500 đồng/kg, tăng thêm lợi nhuận từ 1,5 triệu - 3 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống. Các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao được duy trì và nhân rộng. Nổi bật, mô hình sinh kế mùa lũ 2 vụ lúa - 1 vụ cá (cá tự nhiên, cá đồng) thích ứng với biến đổi khí hậu từ Dự án WB9 được triển khai tại 3 xã biên giới của huyện. Hay ngành hàng sản xuất cá tra giống có tổng diện tích gần 300ha với hơn 790 hộ, cơ sở sản xuất, ương nuôi cá tra giống, cung cấp cho thị trường khoảng 242 triệu con cá giống, giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện Hồng Ngự thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh trên địa bàn huyện gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) theo Bộ tiêu chí về xã NTM và xã NTM nâng cao của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, huyện có 9/9 xã đạt chuẩn NTM, trong đó xã Thường Phước 1 đạt chuẩn NTM nâng cao và phấn đấu đến năm 2025 Hồng Ngự đạt chuẩn huyện NTM.

Theo UBND huyện Hồng Ngự, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, địa phương chú trọng phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ theo hướng đa dạng, hiện đại và từng bước phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu. Theo đó, đầu tư xây dựng hệ thống đô thị khu vực biên giới giai đoạn 2021 - 2022, huyện đã hoàn thành và đưa vào triển khai Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Thường Thới Tiền; Khu cửa khẩu quốc tế Thường Phước được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại V. Nhìn chung, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư khá đồng bộ, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư: Dự án Công viên Văn hóa - Quảng trường Nguyễn Tất Thành, đường tỉnh lộ 841 kết nối từ trung tâm TP Hồng Ngự với Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Thường Phước... Đồng thời tăng cường xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới theo tinh thần Chỉ thị số 07 ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thu hút các nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới đất liền, trên biển và hải đảo gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền Quốc gia và nâng cao đời sống Nhân dân. Ngoài ra, huyện Hồng Ngự đẩy mạnh giới thiệu quảng bá hình ảnh, tiềm năng kinh tế, sản phẩm chủ lực, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các doanh nghiệp triển khai dự án trên địa bàn. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống đô thị khu vực biên giới nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, nhất là chú trọng phát huy tiềm năng kinh tế, huy động nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện khu vực biên giới. Quan tâm kết nối với các vùng lân cận và nước bạn Campuchia để tạo động lực cho cả khu vực biên giới, trong đó có việc quy hoạch, kế hoạch thu hút đầu tư và danh mục các dự án kêu gọi đầu tư. Khuyến khích người dân đẩy mạnh giao thương, trao đổi hàng hóa trong khuôn khổ tuân thủ pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biên.

DŨNG CHINH

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/kinh-te-xa-hoi-vung-bien-tiep-tuc-phat-trien-115446.aspx