Kinh tế Việt Nam phục hồi tăng trưởng

Kinh tế Việt Nam tiếp đà hồi phục, với tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất cùng quý kể từ năm 2020 đến nay. Dù phía trước còn khó khăn, nhưng nếu biết nắm bắt thời cơ và nỗ lực, nền kinh tế có thể tiếp tục tăng tốc.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn đóng vai trò trụ cột, bệ đỡ của nền kinh tế

Kết quả tích cực

Nhờ những quyết sách kịp thời, kinh tế quý I/2024 đạt kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương từng bước phát huy hiệu quả.

Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất của quý I trong 4 năm trở lại đây. Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng khởi sắc với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 6,28%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98% (trong khi cùng kỳ ngoái giảm 0,37% so với cùng kỳ năm trước), ngành xây dựng tăng 6,83% đã lấy lại vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực dịch vụ vẫn giữ được vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng đạt 6,12%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục vẫn đóng vai trò trụ cột, bệ đỡ của nền kinh tế với mức tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch.

Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 6,17 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt trên 4,77 tỉ USD, tăng gần 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Đã có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại 42 tỉnh, thành phố trên cả nước trong quý I.

Trong quý I, đánh dấu sự bứt phá về xuất nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước khi năm 2023 tăng trưởng âm thì quý này đạt mức tăng trưởng 15,5%. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I đạt 178,04 tỉ USD; trong đó xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỉ USD, tăng 17%, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 84,98 tỉ USD, tăng 13,9%.

Đáng chú ý, về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 82,02 tỉ USD, chiếm 88,1%. Về nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 79,9 tỉ USD, chiếm 94%. Nhập khẩu tư liệu sản xuất đã tăng cao trở lại đạt mức 14,5%, phản ánh sản xuất của nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi.

Trong quý đầu năm ghi nhận sự gia nhập và quay trở lại hoạt động của 60 nghìn doanh nghiệp. Tuy vậy, trong quý này có 74 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, hoàn tất thủ tục giải thể; bình quân 1 tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này cho thấy khu vực doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Kinh tế Việt Nam phục hồi tăng trưởng

Cần nhiều quyết tâm

Theo các chuyên gia, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ có cả những thuận lợi và đối mặt với những thách thức.

Cụ thể, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Nhu cầu thị trường thế giới cũng từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm từ cuối năm 2023 và có khả năng tiệm cận mức mục tiêu các Ngân hàng Trung ương đề ra cho năm 2024.

Việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn mở ra nhiều cơ hội mới đối với Việt Nam...

Thế nhưng, kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức và khó đoán định; tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu - châu Mỹ trong năm 2024 được dự báo thấp hơn so với năm 2023. Hơn nữa, xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác; xu hướng phi toàn cầu hóa đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vẫn là động lực quan trọng, vì vậy, Chính phủ cần khẩn trương nắm bắt các ngành, lĩnh vực nào sẽ trở thành xu hướng, kịp thời sửa đổi và bổ sung Chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu để đưa kinh tế Việt Nam hòa vào dòng chảy, thuộc nhóm đi tiên phong trên một số lĩnh vực của kinh tế thế giới.

Ngoài ra, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng chiến lược, với các giải pháp toàn diện, đồng bộ, kế hoạch và lộ trình thực hiện chi tiết, cụ thể để tạo dựng và phát triển một số ngành, lĩnh vực sẽ đóng vai trò là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế như: công nghệ cao, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; kinh tế tuần hoàn; năng lượng tái tạo.

Đại diện Tổng cục Thống kê đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần chủ động bảo đảm cung ứng điện phục vụ nhu cầu điện tiêu dùng và sản xuất đặc biệt trong những tháng cao điểm trong quý II, III. Đồng thời thực hiện các phương án ổn định giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nguyên vật liệu xây dựng bảo đảm cân đối cung cầu. Cùng với đó, phát triển mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, đó là cầu nối hiệu quả trong việc lưu thông hàng hóa, thúc đẩy mạnh mẽ xuất, nhập khẩu.

Đối với doanh nghiệp, cần tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu; bảo đảm phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chủ động tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh.

Về các động lực tăng trưởng mới, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhiều địa phương đã sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút các nhà đầu tư lớn thế giới trong ngành điện tử bán dẫn. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư; trong đó dự kiến sẽ có những hỗ trợ thích đáng đối với lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn.

Với những biến động khó đoán định của tình hình thế giới; trong nước tiếp tục khó khăn về nguồn vốn, đơn hàng, thủ tục hành chính chưa hoàn toàn thuận lợi, 3/4 chặng đường của năm đòi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024.

Kết quả quý I/2024 khẳng định mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đứng trước giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn như Nghị quyết 01/NQ-CP về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 đề ra.

Nguyễn Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/kinh-te-viet-nam-phuc-hoi-tang-truong-709023.html