Kinh tế Ukraine lao dốc, thiếu hơn 400 tỷ USD hoặc hơn nữa, Tổng thống Zelensky 'ủ mưu' với tài sản của Nga

Trong cuộc họp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi thế giới sử dụng các tài sản bị tịch thu của Nga để trang trải cho cho việc tái thiết đất nước.

Nhà lãnh đạo Ukraine kêu gọi các quốc gia phương Tây, yêu cầu các quan chức tài chính hàng đầu thế giới mở rộng hỗ trợ cho nền kinh tế của đất nước đang lao dốc và chưa biết bao giờ mới kết thúc.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi thế giới sử dụng các tài sản bị tịch thu của Nga để trang trải việc tái thiết Ukraine. Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

“Phương Tây sẽ làm điều gì đó đúng đắn?”

Ngày 12/4, Cơ quan Thống kê quốc gia Ukraine công bố các số liệu mới nhất cho thấy GDP của đất nước Đông Âu này đã giảm tới 29,1% trong năm 2022, ít hơn so với dự báo của Chính phủ trước đó là 30%.

Kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2/2002, Ukraine đã chịu nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng, trong khi ngành sản xuất nông nghiệp của nước này đã bị ảnh hưởng nghiệm trọng. Vốn đóng vai trò lớn trong nền kinh tế Ukraine, xuất khẩu ngũ cốc và kim loại qua các cảng ở biển Đen gặp nhiều hạn chế.

Hồi đầu năm, Bộ Kinh tế Ukraine cho biết, xuất khẩu của nền kinh tế này năm 2022 giảm 35% so với năm trước đó. Sản lượng ngũ cốc giảm xuống mức 53 triệu tấn năm 2022 sau khi ghi nhận kỷ lục 86 triệu tấn năm 2021. Đáng chú ý, ngành sản xuất kim loại, một trong các trụ cột của nền kinh tế Ukraine, cũng giảm sút, trong đó sản lượng thép giảm 71% so với năm 2021.

Chính phủ Ukraine tính toán rằng, GDP của nước này năm 2023 có thể tăng 1% khi tình hình các lĩnh vực giao thông, bán lẻ và xây dựng được cải thiện.

Tuy nhiên, chưa có cơ sở để đạt được mục tiêu 1% trên, khi WB cho biết, hơn 50% cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine hư hại nghiêm trọng, vùng phía Đông bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Bà Anna Bjerde, Giám đốc cấp cao của WB, cho biết, cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine thiệt hại 11 tỷ USD trong năm 2022 và đây là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất cần hỗ trợ khẩn cấp.

WB huy động được hơn 23 tỷ USD tiền tài trợ cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này. Gần đây, IMF đã phê duyệt gói cho vay trị giá 15,6 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế Ukraine củng cố và tái thiết.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu gần đây của WB, Liên hợp quốc, Ủy ban châu Âu và Ukraine, nước này cần 411 tỷ USD trong 10 năm tới, để phục hồi và tái thiết, tăng so với mức 349 tỷ USD ước tính hồi tháng 9/2022. Ngay trong năm nay, Ukraine thiếu 11 tỷ USD cho các “chi phí vốn và mục tiêu kinh tế quan trọng”. Con số có thể tăng hơn nữa vì xung đột vẫn tiếp diễn.

Lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine được đưa ra tại cuộc họp mùa Xuân của WB và IMF, tại Washington, Mỹ. Tại “cuộc hẹn” năm nay, các thành viên của Nhóm các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới (G7) tập trung thảo luận về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt đối với Nga và củng cố ủng hộ đối với Ukraine khi cuộc xung đột Nga-Ukraine đã bước sang năm thứ hai.

Xuất hiện và phát biểu qua màn hình hội nghị, ông Zelensky ám chỉ những bất ổn "không chỉ là tương lai của Ukraine". Đồng thời ông kêu gọi, “giới chức phương Tây sẽ làm điều gì đó đúng đắn chứ?”.

Mặc dù vậy, chính quyền Tổng thống Biden không ngần ngại bày tỏ nghi ngờ về tính khả thi trong việc tái sử dụng các tài sản của Nga mà họ đã tịch thu hoặc phong tỏa.

Mới đây khi đề cập tài sản đóng băng của Nga khi xảy ra cuộc xung đột với Ukraine, tờ Die Welt của Đức cũng trích dẫn một tài liệu chưa được công bố của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, các luật sư của ủy ban đã kết luận "những tài sản đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga sẽ phải được trả lại cho nước này sau khi kết thúc xung đột, chứ không thể đơn giản chuyển cho Ukraine".

Chủ tịch WB David Malpass nhấn mạnh điều quan trọng là cần phải tập trung vào những thứ Ukraine cần hiện nay. Nhưng trớ trêu là, khi họ vẫn tranh luận về cách hỗ trợ nền kinh tế đầy rẫy khó khăn và còn tiếp tục chìm trong cuộc xung đột quân sự chưa nhìn thấy hồi kết thì kinh tế toàn cầu cũng đang phải đối mặt với hàng loạt "cơn gió ngược" tồi tệ và lạm phát rất cao.

Thông điệp từ ông Zelensky tới các quan chức ở Washington là tiếp tục vận động thế giới để xin thêm viện trợ dù mọi việc không đơn giản như lời nói.

Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Emine Dzhaparova là quan chức cấp cao nhất của Ukraine đến thăm Ấn Độ (ngày 12/4) kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bắt đầu vào tháng Hai năm ngoái.

Bà Dzhaparova kêu gọi Ấn Độ đứng về “phía bên phải của cuộc chiến” và yêu cầu cung cấp thuốc men và thiết bị y tế để giúp xây dựng lại cơ sở hạ tầng y tế cho đất nước mình, bày tỏ mong muốn của Kiev xây dựng mối quan hệ bền chặt với New Delhi - một đồng minh lịch sử của Moscow.

Sự khởi đầu của một hành trình dài

Hôm 12/4, các thành viên của Nghị viện châu Âu gặp nhau trong một cuộc họp trực tuyến với các thành viên của Verkhovna Rada - cơ quan lập pháp của Ukraine, để thảo luận về tiến trình trở thành thành viên EU của Kiev, khi nước này cố gắng làm sâu sắc thêm mối quan hệ với khối.

Để phản ứng Moscow, EU đã đưa Ukraine trở thành ứng cử viên thành viên vào mùa Hè năm ngoái. Dù không được mong đợi sẽ gia nhập khối trong tương lai gần, nhưng động thái này gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về sự đoàn kết và ủng hộ đối với Kiev. Tuy nhiên, theo bình luận của giới quan sát, đó chỉ là khởi đầu của một hành trình dài đàm phán chi tiết và tỉ mỉ.

Ukraine đã giăng ra một mạng lưới rộng lớn hơn khi tìm cách củng cố nguồn cung cấp vũ khí cho mình. Chính phủ nước này đưa ra cho Brazil một danh sách dài vũ khí, bao gồm xe bọc thép, máy bay, hệ thống phòng không, đạn súng cối, súng bắn tỉa, vũ khí tự động và đạn dược.

Thông tin trên được cho là đã thông qua theo luật hồ sơ công khai của Brazil. Tuy vậy, Brazil là quốc gia phụ thuộc vào Nga về phân bón và nhiên liệu, đã nói rõ rằng, họ sẽ không gửi bất kỳ loại vũ khí nào và thay vào đó họ thúc đẩy hòa giải bằng các cuộc đàm phán hòa bình.

Giới phân tích nhận định, những thách thức trong việc hỗ trợ Ukraine đã gây thêm áp lực lên chính quyền Tổng thống Biden vốn đã và đang dẫn đầu nỗ lực quốc tế trong duy trì ủng hộ dành cho Ukraine, nỗ lực đẩy lùi Nga như một nguy cơ về kinh tế và an ninh quốc gia đối với Mỹ và thế giới.

“Chúng tôi hoan nghênh những hỗ trợ đáng kể của các đồng minh và đối tác, đồng thời kêu gọi tất cả chúng ta tiếp tục làm như vậy”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen phát biểu trong cuộc thảo luận về Ukraine, do WB tổ chức. “Mỹ sẽ làm những gì cần thiết để hỗ trợ Ukraine”.

Các bộ trưởng tài chính của Nhóm G7 đã họp riêng và thảo luận về cách ngăn Nga né các lệnh trừng phạt của phương Tây và khả năng áp dụng các biện pháp mới nhằm gây áp lực lên nền kinh tế xứ bạch dương. Họ cho biết sẽ làm việc để tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine từ các quốc gia khác và khu vực tư nhân.

Sau cuộc họp, trong tuyến bố chung, các bộ trưởng xác nhận rằng “Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của mình đối với Ukraine và thống nhất trong việc đối đầu với Nga”.

(theo New York Times, AFP)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-ukraine-lao-doc-thieu-hon-400-ty-usd-hoac-hon-nua-tong-thong-zelensky-u-muu-voi-tai-san-cua-nga-223469.html