Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,5% trong quý đầu 2023

Với đà hồi phục thần tốc này, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được cho là có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 5% cả năm.

Theo trang tin CNBC, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBC) mới đây đã công bố dữ liệu cho thấy GDP nước này tăng trưởng 4,5% trong 3 tháng đầu 2023 - cao hơn nhiều so với dự báo 4% mà các chuyên gia đưa ra trong một cuộc khảo sát do Reuters thực hiện.

Đồng thời, đây cũng là mức tăng cao nhất của một quý trong vòng 3 năm trở lại đây, nhất là khi GDP Trung Quốc trong quý IV/2022 chỉ tăng 2,9%.

 GDP quý I/2023 tăng trưởng 4,5% - nhanh nhất kể từ 2021.

GDP quý I/2023 tăng trưởng 4,5% - nhanh nhất kể từ 2021.

Trên đường đến mục tiêu

Giữa lúc các nền kinh tế khác giảm tốc do ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lạm phát, Trung Quốc trở thành một điểm sáng khi tăng trưởng thần tốc.

Tuy nhiên, các số liệu bên trong cho thấy sự phục hồi diễn ra chưa được đồng đều. Tổng doanh thu bán lẻ 3 tháng tăng 10,6% - vượt mức dự báo 7,4% - và gấp 3 lần mức tăng 3,9% của sản lượng công nghiệp. Đầu tư tài sản cố định quý I tăng 5,1% - thấp hơn một chút so với dự báo 5,7%. Trong khi đó, đầu tư bất động sản vẫn tiếp tục giảm.

Lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc trong quý vừa qua cũng tăng 5,4%, đồng thời chỉ số sản xuất dịch vụ cũng tăng 9,2%, dẫn đầu là dịch vụ lưu trú, ăn uống và công nghệ thông tin.

Năm 2022, kinh tế Trung Quốc tăng 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% mà Bắc Kinh đề ra. Do đó, Chính phủ Trung Quốc năm nay hạ mục tiêu tăng trưởng về ngưỡng 5%.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc có thể đòi hỏi nhiều thời gian hơn dự kiến. Chẳng hạn, Citi đã đẩy lùi 3 tháng thời hạn mà ngân hàng Mỹ cho rằng chỉ số chứng khoán Hang Seng có thể đạt tới mục tiêu.

Phần lớn các chuyên gia kinh tế được Reuters khảo sát đều cho rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ không thay đổi lãi suất tham chiếu. Tuy nhiên, một số cho rằng PBOC có thể giảm nhẹ lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm nếu lạm phát tại đây tiếp tục suy yếu.

Tuần trước, PBOC tuyên bố sẽ tiếp tục đảm bảo thanh khoản đầy đủ, ổn định tăng trưởng và việc làm, đồng thời tập trung đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng trong nước. Ngày 17/4, PBOC bơm thêm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng qua cơ chế cho vay trung hạn và giữ nguyên lãi suất của các khoản vay này - một dấu hiệu cho thấy nhà chức trách không quá lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế trước mắt.

 Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc qua các năm.

Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc qua các năm.

Cần nhiều biện pháp kích thích hơn

Nói trong chương trình "Street Signs Asia" của CNBC, giám đốc điều hành của NF Trinity - bà Helen Zhu - cho biết nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ chứng kiến nhiều biện pháp kích thích từ chính phủ vào cuối năm nay.

"Tôi nghĩ rằng, mức tăng trưởng trong quý II sẽ cao hơn 5%, còn vào quý thứ III thì nhiều chính sách kích thích kinh tế sẽ được thực hiện", bà cho hay.

Theo bà, con số mới công bố đã đẩy lùi những hoài nghi về khả năng tăng trưởng năm 2023 của kinh tế Trung Quốc và sắp tới có thể có những điều chỉnh tăng trong dự báo GDP cho phù hợp.

"Những con số này mạnh hơn nhiều so với dự đoán và tôi nghĩ đó là khởi đầu tốt cho năm nay", bà Zhu nói thêm.

Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng tại thị trường Trung Quốc của ING - bà Iris Pang - cho biết mình cũng kỳ vọng chính phủ sẽ tung ra thêm nhiều biện pháp kích thích để thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và tiêu dùng.

"Để giữ mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2023, chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là xây dựng các tuyến tàu điện ngầm và tăng số lượng tháp 5G. Chúng tôi kỳ vọng GDP sẽ tăng trưởng nhanh hơn ở mức 6% trong quý II. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ dự báo GDP cả năm ở mức 5% vì nhu cầu bên ngoài mới là vấn đề đáng lo ngại trong năm nay", bà Pang cho biết.

Trong khi đó, các chuyên gia được Reuters khảo sát dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,4% trong năm nay.

Số liệu lạm phát mới nhất của Trung Quốc cho thấy tốc độ tăng giá ở nước này đã về mức thấp nhất trong vòng 18 tháng.

“Mối lo của thị trường hiện nay về giảm lạm phát ở Trung Quốc chủ yếu phản ánh sức khỏe và độ bền của nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế trưởng Wen Bin của China Mingsheng Bank nhận xét. “Sau giai đoạn lạc quan về việc được bỏ phong tỏa, hoạt động sản xuất đã hồi về mức trước đại dịch nhưng nhu cầu vẫn còn yếu”.

Hằng Nga

Ảnh: CNBC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kinh-te-trung-quoc-tang-truong-4-5-trong-quy-dau-2023-post1423045.html