Kinh tế Trung Quốc đang tốt hơn mong đợi, Bắc Kinh quyết tìm lại vị thế dẫn đầu bằng chiến lược mới

Kinh tế Trung Quốc đang nổi lên nhiều yếu tố tích cực, không chỉ là các chỉ số kinh tế tốt hơn mong đợi, mà những nỗ lực chính sách từ Bắc Kinh đã ngày càng rõ ràng hơn, cho thấy quyết tâm lấy lại đà tăng trưởng bền vững của nền kinh tế dẫn đầu châu Á.

Kinh tế Trung Quốc đang nổi lên nhiều yếu tố tích cực, trong đó Bắc Kinh dường như đã có sách lược mới để lấy lại vị thế của nền kinh tế hàng đầu thế giới. (Nguồn: Globaltimes)

Giới quan sát Trung Quốc kỳ vọng, tại Hội nghị Công tác kinh tế trung ương rất được mong đợi sắp tới, nhằm hoạch định chính sách kinh tế và đặt ra xu hướng phát triển trong thời gian tới, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu Trung Quốc có thể sẽ đưa ra các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả hơn, để giải quyết rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng cho năm 2024. Điều đó sẽ thúc đẩy niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong bối cảnh rủi ro suy thoái toàn cầu kéo dài.

Không chỉ là sự ổn định

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế Trung Quốc tin tưởng, những tín hiệu tươi sáng sẽ kết thúc năm phục hồi đầu tiên hậu đại dịch Covid-19 tại nền kinh tế này - báo hiệu một sự hồi phục vững chắc và khởi động một năm mới - 2024 tăng trưởng còn mạnh mẽ hơn nữa.

Ngày chính thức diễn ra Hội nghị năm nay dù chưa được công bố, nhưng theo thông lệ, thường vào khoảng giữa tháng 12. Các phương tiện truyền thông chính thức sẽ công bố nội dung của hội nghị kín sau khi sự kiện kết thúc.

Dù báo cáo thường không bao gồm bất kỳ mục tiêu cụ thể nào, nhưng như thường lệ, thị trường toàn cầu vẫn theo dõi chặt chẽ mọi manh mối về chương trình nghị sự kinh tế của Trung Quốc cho năm 2024.

Nhà kinh tế học Tian Yun ở Bắc Kinh cho rằng, sau cuộc họp của Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 8/12, định hướng chung về phát triển kinh tế nước này trong năm tới đã khá rõ ràng. “Chính sách năm 2024 sẽ tập trung vào việc tìm kiếm tiến bộ để giúp đảm bảo sự ổn định, thay vì chỉ tập trung vào việc duy trì sự ổn định. Điểm nhấn sẽ là sự tiến bộ thông qua những nỗ lực chủ động, thay vì phản ứng thụ động để đảm bảo sự ổn định".

Chuyên gia Tian Yun đánh giá, cuộc họp của Bộ Chính trị thường là màn dạo đầu của Hội nghị Công tác kinh tế trung ương, nhấn mạnh điều quan trọng là thúc đẩy sức sống kinh tế, ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro, cải thiện kỳ vọng xã hội, củng cố và thúc đẩy đà phục hồi kinh tế, nâng cao hiệu quả chất lượng nền kinh tế Trung Quốc và thúc đẩy sự tăng trưởng trong một phạm vi hợp lý.

Nhà kinh tế này cũng cho rằng, các chính sách tài khóa chủ động cần được tăng cường và cải thiện một cách thích hợp cả về chất lượng và hiệu quả, đồng thời, chính sách tiền tệ thận trọng cần linh hoạt, phù hợp, chính xác và hiệu quả.

“Tôi nghĩ điều này cho thấy công tác kinh tế năm tới sẽ tích cực và chủ động hơn năm nay”, chuyên gia Tian đánh giá. Ông lưu ý, có nền tảng vững chắc để nền kinh tế Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng lên tới 5% vào năm 2024. "Trung Quốc sẽ vẫn là đầu tàu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đầu máy đó không hề bị đình trệ".

Ông Chu Khắc Lực, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thông tin Trung Quốc, Viện trưởng sáng lập Viện Nghiên cứu kinh tế mới quốc gia cho rằng, điều này có nghĩa là trong việc xây dựng các chính sách kinh tế, cần phải duy trì sự ổn định, nhưng cũng phải dám nghĩ dám làm, không ngừng thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong quá trình thực hiện chính sách, cần phá bỏ cái cũ trước rồi thiết lập cái mới, đảm bảo tính nhất quán và bền vững của chính sách.

Kinh tế Trung Quốc còn tiếp tục được củng cố

Một số chỉ số gần đây cũng cho thấy, tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang tăng nhanh và có khả năng sẽ củng cố hơn nữa vào năm 2024.

Dữ liệu chính thức mới nhất đã chứng minh, tháng 11 vừa qua, xuất khẩu của nền kinh tế số 2 thế giới tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2022, mức tăng đầu tiên kể từ tháng 4 và vượt các dự báo.

Theo Tập đoàn truyền thông Trung Quốc, trích dẫn dữ liệu từ các nền tảng đặt vé du lịch trực tuyến, du lịch nội địa của nền kinh tế này cũng đang tăng tốc hơn nữa, với lượng đặt chỗ cho các chuyến đi trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước và lượng đặt phòng khách sạn tăng gấp 5 lần.

Giữa những dấu hiệu tích cực như vậy, nhiều tổ chức và quan sát quốc tế kỳ vọng, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ dễ dàng đạt mục tiêu chính thức của năm 2023 và duy trì tốc độ tương đối cao hơn vào năm tiếp theo.

“Rất có thể, mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2023 của kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ đạt được khá dễ dàng, giả sử tăng trưởng GDP trong quý 4 đạt 4,5%, đây không hẳn là một mức cao”, Nhà kinh tế trưởng và đối tác tại Deloitte Trung Quốc - Xu Sitao tin tưởng.

Chuyên gia Xu chỉ rõ: “Năm 2024, chúng tôi dự báo mức tăng trưởng là 4,5% - một con số theo quan điểm thận trọng, chủ yếu là do sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản có thể sẽ kéo dài hơn một vài tháng”.

Dù vẫn chỉ ra những lo ngại về thị trường bất động sản, vị chuyên gia này cũng lưu ý rằng, không giống như hầu hết các nền kinh tế thị trường mới nổi, cán cân thanh toán của Trung Quốc đang ở vị thế vững mạnh và đòn bẩy của người tiêu dùng vẫn ở mức thấp.

“Khi lãi suất toàn cầu đạt đỉnh, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn có nhiều dư địa để cắt giảm lãi suất vào năm 2024. Quan trọng hơn, chính sách tài khóa sẽ mở rộng hơn vào năm tới”, nhà kinh tế Deloitte cho biết.

Theo phân tích của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng 11, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 do chính phủ đặt ra, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Định chế tài chính quốc tế này cũng đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc vào năm 2023, từ 5% trong tháng 10 lên 5,4% và từ 4,2% lên 4,6% cho cả năm 2024.

Các nhà kinh tế cho rằng, khi sự phục hồi của Trung Quốc tiếp tục được củng cố vào năm 2024, bởi các biện pháp chính sách, kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở quốc gia Đông Bắc Á sẽ tiếp tục tăng lên. Niềm tin toàn cầu vào triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2024 sẽ còn lớn hơn, khi kế hoạch phát triển kinh tế năm tới của Bắc Kinh trở nên rõ ràng sau Hội nghị Công tác kinh tế trung ương sắp tới.

Nhà kinh tế trưởng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chứng khoán Quảng Đông La Chí Hằng cho rằng, việc tăng cường tính thống nhất của định hướng chính sách kinh tế vĩ mô và đẩy mạnh tuyên truyền kinh tế, cũng như định hướng dư luận nhằm tránh những sai lầm lớn, có lợi cho việc hình thành các kỳ vọng ổn định trong tương lai.

(theo Globaltimes)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-trung-quoc-dang-tot-hon-mong-doi-bac-kinh-quyet-tim-lai-vi-the-dan-dau-bang-chien-luoc-moi-253510.html