Kinh tế thế giới nổi bật (3-9/11): Thương mại Nga-Trung Quốc ngược xu hướng, tiền Mỹ viện trợ Ukraine đang cạn, giá khí đốt châu Âu giảm

GDP Nga vẫn tăng bất chấp lệnh trừng phạt, Ukraine đã xây dựng 'phương án B' nếu không có viện trợ từ phương Tây, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về đơn đăng ký bằng sáng chế toàn cầu, giá khí đốt tại châu Âu giảm mạnh… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Nga trong tháng 10/2023 tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 8,69 tỷ USD.

Kinh tế thế giới

Trung Quốc, Mỹ, Nhật dẫn đầu về đơn đăng ký bằng sáng chế toàn cầu

Số đơn đăng ký bằng sáng chế toàn cầu trong năm 2022 đã tăng 1,7% lên 3,45 triệu, và đạt kỷ lục năm thứ hai liên tiếp nhờ các hoạt động sáng tạo ở Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ.

Theo báo cáo hằng năm do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vừa công bố, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu với 1,58 triệu đơn đăng ký bằng sáng chế, tăng 3,1% so với năm 2021, Mỹ đứng thứ hai với 505.000 triệu đơn đăng ký bằng sáng chế, tăng 1,1%.

Số đơn đăng ký bằng sáng chế của Ấn Độ đã tăng 31,6% lên 55.000, đưa quốc gia này từ vị trí thứ 9 lên thứ 7 trong danh sách khi vượt Vương quốc Anh.

Nhật Bản vẫn ở vị trí thứ ba nhưng số đơn đăng ký bằng sáng chế giảm 1,6% xuống 405.000. Còn số đơn đăng ký bằng sáng chế của Đức cũng giảm 4,8% xuống 155.000.

Tuy số liệu ứng dụng theo ngành và số liệu của từng công ty không được công bố, nhưng châu Á là nơi có những công ty công nghệ năng động nhất thế giới.

Trong báo cáo tháng 2/2023 của WIPO về đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế vào năm 2022, "gã khổng lồ" viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies có nhiều đơn đăng ký bằng sáng chế nhất, tiếp theo là Samsung Electronics của Hàn Quốc.

Mặc dù số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế đạt kỷ lục trong năm 2022, nhưng Tổng giám đốc WIPO Daren Tang vẫn cảnh báo về những rủi ro do bất ổn địa chính trị và triển vọng kinh tế không chắc chắn, đồng thời cho rằng, sự bất ổn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái sáng tạo toàn cầu.

Kinh tế Mỹ

* Bà Michelle Bowman, một thống đốc của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ngày 7/11 cho rằng, cơ quan này sẽ cần thêm một đợt nâng lãi suất nữa để kéo lạm phát xuống thấp hơn.

Dù lạm phát tại Mỹ đã rời khỏi mức đỉnh ghi nhận hồi năm ngoái, nhưng bà Bowman lưu ý rằng, các số liệu gần đây có sự không đồng đều. Quan chức này nhận thấy, lạm phát lõi, không tính giá thực phẩm và năng lượng hay biến động, tiếp tục có khả năng vẫn ở mức cao dai dẳng.

* Các cơ quan quản lý của Mỹ ngày 3/11 đã bỏ phiếu nhất trí giảm bớt các quy định gây cản trở đối với việc thắt chặt giám sát các tổ chức tài chính phi ngân hàng.

Quyết định nói trên được đưa ra tại cuộc họp của Hội đồng giám sát sự ổn định tài chính (FSOC). Cơ quan được thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hiện do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đứng đầu.

FSOC cho biết động thái mới nhất này là nhằm “loại bỏ những trở ngại không hợp lý” đã được áp dụng từ năm 2019 đối với việc xác định các tổ chức tài chính phi ngân hàng có nguy cơ bất ổn.

Kinh tế Trung Quốc

* Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 7/11 cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga vẫn tăng trưởng trong tháng 10/2023, đi ngược lại xu hướng nhu cầu suy yếu đối với hàng hóa sản xuất của Trung Quốc ở những khu vực khác.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Nga trong tháng 10 vừa qua đã tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 8,69 tỷ USD. Mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại so với mức tăng 21% của tháng 9, nhưng kết quả này vẫn lạc quan so với mức giảm 6,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào tháng 10.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Nga của Trung Quốc cũng tăng 9% trong tháng trước, lên 11,11 tỷ USD.

Trung Quốc đã nổi lên như một “huyết mạch” kinh tế quan trọng đối với Nga, quốc gia đang bị phương Tây trừng phạt trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn.

* Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 7/11 đã nâng dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2023 của Trung Quốc lên 5,4%, từ mức 5% trước đó.

IMF dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể giảm xuống 4,6% trong năm 2024, do lĩnh vực bất động sản tiếp tục gặp khó khăn và nhu cầu bên ngoài giảm sút. Dự báo này lạc quan hơn so với mức 4,2% được IMF đưa ra hồi tháng 10 trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO).

Kinh tế châu Âu

* Phát biểu tại chương trình “Marathon Kiến thức” trong khuôn khổ triển lãm - diễn đàn quốc tế “Nước Nga" diễn ra ở thủ đô Moscow ngày 4/11, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm 2023 sau khi giảm khoảng 2% năm 2022.

Theo dự báo của Ngân hàng trung ương Nga (BoR), tốc độ tăng trưởng GDP của nước này trong kịch bản cơ sở năm nay sẽ từ 2,2-2,7%. Theo dự báo phát triển kinh tế-xã hội do Bộ Phát triển kinh tế công bố, tăng trưởng GDP của Nga năm 2023 dự kiến là 2,8%.

* Lượng tồn kho khí đốt cao kỷ lục của châu Âu tiếp tục gia tăng do thời tiết ấm áp đầu mùa Thu làm giảm nhu cầu sưởi ấm, trong khi giá nhiên liệu cao đã hạn chế phần nào nhu cầu sử dụng trong ngành công nghiệp. Tuy vậy, giá khí đốt kỳ hạn giao vào thời kỳ cao điểm của mùa Đông (tháng 1/2024) đã bắt đầu giảm do lượng tồn kho kỷ lục.

Cụ thể, giá khí đốt giao tháng 1/2024 tại châu Âu đã giảm xuống dưới 47 Euro/megawatt giờ vào ngày 6/11, từ mức trung bình hơn 57 Euro/megawatt giờ của 10 ngày giao dịch trước đó. Nguyên nhân là do các nhà phân tích dự đoán thời tiết mùa Đông năm nay ấm hơn.

Lượng khí đốt trong kho trên khắp Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh đã đạt kỷ lục 1.146 terawatt giờ (TWh) vào ngày 5/11. Mức tồn kho này cao hơn 189 TWh (tương đương 20%) so với mức trung bình của cùng kỳ 10 năm liên tiếp trước đó.

* Theo số liệu của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), trong thời gian từ tháng 1-9/2023, số lượt du khách nước ngoài đến nước này đạt 429.100 lượt du khách, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn trong số đó là du khách Trung Quốc (105.800 lượt khách), tiếp theo là Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Turkmenistan.

* Phái đoàn giám sát của IMF ngày 6/11 đã bắt đầu xem xét một chương trình trị giá hàng tỷ USD của Ukraine khi Kiev đang tìm kiếm khoản viện trợ quốc tế 41 tỷ USD để bù đắp thâm hụt ngân sách trong năm tới.

Phái đoàn IMF bắt đầu đàm phán chính sách với các quan chức Ukraine về khoản vay 15,6 tỷ USD từ Quy Mở rộng (EF). Chương trình này là một phần của gói toàn cầu trị giá 115 tỷ USD nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế quốc gia Đông Âu ứng phó căng thẳng với Nga.

* Chủ tịch Ủy ban Tài chính Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine, Nghị sĩ Daniil Getmantsev, ngày 3/11 xác nhận, chính phủ nước này đã xây dựng “Phương án B” trong trường hợp Ukraine không còn nhận được viện trợ từ các nước phương Tây.

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Nghị sĩ Getmantsev nhấn mạnh, “tình hình tài chính khá khó khăn” vì không có gì đảm bảo rằng Ukraine sẽ nhận được hỗ trợ tài chính của phương Tây “với số lượng cần thiết”.

Về vấn đề này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 3/11 thừa nhận, Mỹ đang giảm dần các gói viện trợ dành cho Ukraine do nguồn ngân sách mà Quốc hội nước này phân bổ đang dần cạn kiệt.

Mỹ đang giảm dần các gói viện trợ dành cho Ukraine do nguồn ngân sách mà Quốc hội nước này phân bổ đang dần cạn kiệt. (Nguồn: Spiderum)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Các công ty Nhật Bản tham gia Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE) tại Thượng Hải tuyên bố hôm 6/11 rằng, họ sẽ tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc bất chấp những thách thức mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt.

Ông Tetsuro Homma, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc, chia sẻ với phóng viên rằng các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại nước này “rất được khuyến khích mở rộng hoạt động kinh doanh hơn nữa”.

Có khoảng 350 công ty Nhật Bản tham gia CIIE. Con số này tương đương hơn 10% tổng số doanh nghiệp tham gia sự kiện, đưa doanh nghiệp Nhật Bản đã trở thành nhóm doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất tham gia CIIE.

* Chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản trong tháng 9/2023 đã giảm sâu hơn và kéo dài chuỗi giảm sang tháng thứ bảy liên tiếp. Người dân nước này đã hạn chế chi tiêu cho thực phẩm và các mặt hàng khác, khi giá cả tăng cao còn tiền lương thực tế tiếp tục giảm.

Theo báo cáo từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố ngày 7/11, các hộ gia đình có từ hai người trở lên đã chi tiêu trung bình 282.969 Yen (1.890 USD) trong tháng 9/2023, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ giảm cũng tăng so với mức 2,5% của tháng 8 trước đó.

* LG Uplus Corp., nhà cung cấp dịch vụ di động lớn thứ 3 của Hàn Quốc, công bố lợi nhuận ròng trong quý III/2023 giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước dù tổng doanh thu tăng do chi phí tăng, nhất là giá điện.

Tổng thu nhập ròng của công ty đạt 156,7 tỷ Won (120,8 triệu USD) trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2023, so với 170,8 tỷ Won cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập hoạt động của công ty đạt 254,3 tỷ Won, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh thu tăng 2,3% lên 3.580 tỷ Won.

* Theo số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Hàn Quốc công bố ngày 5/11, trong 10 tháng đầu năm nay, giá thực phẩm và đồ uống không cồn đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là lần đầu tiên kể từ giai đoạn 2009-2011, tỷ lệ lạm phát của các mặt hàng này vượt 5% trong 3 năm liên tiếp.

Nguyên nhân khiến giá thực phẩm và đồ uống không cồn không giảm được cho chủ yếu là do giá thực phẩm chế biến và các sản phẩm khác tăng do giá nguyên liệu thô quốc tế, bao gồm dầu thô và ngũ cốc, tăng.

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Ngày 7/11, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ và người đồng cấp Malaysia Zambry Abdul Kadir đã đồng chủ trì Cuộc họp ủy ban hỗ hợp (JCM) song phương tại thủ đô New Delhi. Tại đây, hai bên đã khám phá các lĩnh vực hợp tác mới như kỹ thuật số, công nghệ tài chính và chất bán dẫn.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Jaishankar cho rằng sau JCM đóng vai trò rất quan trọng trong đánh giá mối quan hệ song phương. JCM gần nhất được tổ chức tại Kuala Lumpur vào năm 2011. Ông nhấn mạnh, Malaysia ngày nay là đối tác chiến lược rất quan trọng đối với Ấn Độ. Đối với Malaysia, Ấn Độ nằm trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu. Về phía Ấn Độ, Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ ba của nước này tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

* Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp sắt thép Indonesia (IISIA) Purwono Widodo ngày 7/11 cho biết, nhu cầu thép của nước này tăng đột biến vào năm 2023 để phục vụ hoạt động xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.

Mức tiêu thụ thép của Indonesia năm 2023 đạt 17,9 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2022. Trong khi đó, năng lực ngành sản xuất thép dự báo chỉ đạt khoảng 14,4 triệu tấn trong năm nay. Do đó, nhu cầu cần phải nhập khẩu khoảng 14% đối với các sản phẩm thép HS72.

* Chủ tịch Cơ quan bảo vệ tiền gửi Thái Lan (DPA) Songpol Chevapanyaroj cho biết, giá trị tiền gửi của DPA đã giảm 1,32% so với cùng kỳ năm ngoái do nền kinh tế mong manh và căng thẳng ở Trung Đông.

Tính đến ngày 31/8, tổng số tiền gửi là 16.000 tỷ Baht (khoảng 440 tỷ USD), giảm 212 tỷ Baht (5,9 tỷ USD) so với cuối năm 2022. Đây là lần đầu tiên tiền gửi giảm trong một thập niên qua.

Các yếu tố dẫn đến sự thay đổi này bao gồm điều kiện kinh tế không đồng đều, chi phí sinh hoạt tăng cao và việc nhiều người chuyển sang tìm kiếm các khoản đầu tư thay thế với lợi nhuận cao hơn lãi suất tiền gửi, chẳng hạn như vàng.

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-3-911-thuong-mai-nga-trung-quoc-nguoc-xu-huong-tien-my-vien-tro-ukraine-dang-can-gia-khi-dot-chau-au-giam-249302.html