Kinh tế thế giới nổi bật (19-25/4): Nga mạnh mẽ, cơn sốt vàng lan sang giới trẻ Hàn Quốc, hoạt động kinh doanh của Mỹ chậm lại

Nga tăng trưởng mạnh mẽ, Trung Quốc mua khí đốt của Moscow với giá thấp, châu Âu khởi động điều tra ứng dụng Lite của TikTok, tâm lý kinh doanh tại Đức tăng tháng thứ ba liên tiếp… là những tin kinh tế thế giới nổi bật.

Giá khí đốt Nga bán cho Trung Quốc sẽ thấp hơn 28% so với giá bán cho người tiêu dùng châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Kinh tế thế giới

Vấn đề đau đầu của các ngân hàng trung ương lớn

Theo Giám đốc điều hành (CEO) của quỹ tài sản lớn nhất thế giới Norges Bank Investment Management (NBIM) Nicolai Tangen, thị trường tài chính thế giới còn nhiều biến động và “mối lo ngại lớn” của các nhà đầu tư hiện nay là sự hồi phục của giá hàng hóa sẽ ảnh hưởng đến triển vọng lạm phát.

Phát biểu với kênh truyền hình CNBC (Mỹ) hôm 23/4, chuyên gia Tangen cho biết giá năng lượng và nguyên liệu thô tăng vọt có thể là một vấn đề đau đầu của các ngân hàng trung ương lớn khi các cơ quan này đang nỗ lực chống lạm phát.

Tính đến chiều ngày 23/4, chỉ số S&P GSCI, chỉ số chuẩn theo dõi hoạt động của thị trường hàng hóa toàn cầu, đã tăng 9% tính từ đầu năm, vượt xa mức tăng của chỉ số S&P 500 trên sàn chứng khoán Mỹ. Cụ thể, giá dầu và kim loại đồng tăng lần lượt khoảng 13%, trong khi giá vàng liên tục lập kỷ lục mới trong những tháng gần đây.

Xu hướng hàng hóa tăng giá đã đem đến nỗi lo về lạm phát. Chuyên gia Tangen phân tích, nếu giá năng lượng và nguyên liệu thô tiếp tục bị đẩy lên cao, điều đó sẽ tác động đến giá sản phẩm cuối cùng và nguy cơ lạm phát, đang trên đà giảm, sẽ bật tăng trở lại.

Tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Christine Lagarde, đã phát đi tín hiệu về tác động của giá hàng hóa đối với triển vọng lạm phát, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét các bước đi tiếp theo của lãi suất.

CEO Tangen cho biết NBIM dự báo sẽ rất khó khăn để các ngân hàng trung ương có thể đưa lãi suất trở lại mức mục tiêu 2% và các quyết định lãi suất sẽ được thực hiện tùy thuộc vào áp lực lạm phát tại từng quốc gia.

Mỹ

* Theo báo cáo do tổ chức tài chính tư nhân Freddie Mac công bố ngày 18/4, lãi suất trung bình cho khoản vay mua nhà thời hạn 30 năm đã tăng lên mức 7,1% trong tuần này, ngưỡng cao nhất kể từ tháng 11/2023. Mức 7% được coi là ngưỡng tâm lý quan ngại, đe dọa đẩy hàng triệu khách hàng và người bán tiềm năng ra khỏi thị trường.

* Theo kết quả khảo sát được tổ chức S&P Global công bố ngày 23/4, hoạt động kinh doanh của Mỹ đã chậm lại trong tháng 4/2024, xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng, do nhu cầu yếu hơn, trong khi giá đầu vào vẫn tăng mạnh.

S&P Global cho biết chỉ số PMI tổng hợp theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Mỹ, đã giảm xuống mức 50,9 trong tháng 4/2024, từ mức 52,1 của tháng 3.

Mặc dù chỉ số trên 50 cho thấy sự tăng trưởng, song sự suy giảm này phản ánh tốc độ tăng trưởng yếu hơn ở cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, với sự suy giảm lần lượt xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng và 5 tháng.

Trung Quốc

* Bắc Kinh ngày 24/4 từ chối trả lời các câu hỏi về đạo luật vừa được Thượng viện Mỹ thông qua, yêu cầu công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc thoái vốn khỏi ứng dụng mạng xã hội đình đám TikTok, nếu không ứng dụng này sẽ phải rút khỏi thị trường Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc He Yadong cho biết: "Trung Quốc sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình".

* Làn sóng xuất khẩu thép lớn nhất của Trung Quốc đang gia tăng kể từ khi xảy ra tình trạng dư thừa toàn cầu vào giữa những năm 2010 đang gây ra căng thẳng thương mại trên toàn thế giới.

Nước sản xuất thép lớn nhất thế giới này đã xuất khẩu gần 26 triệu tấn thép trong quý I/2024 - tăng 28% so với cùng kỳ năm trước đó - do cuộc khủng hoảng bất động sản làm giảm nhu cầu trong nước.

Đông Á vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của thép Trung Quốc, nhưng xuất khẩu thép của nước này sang Ấn Độ, Trung Đông và Mỹ Latinh cũng đang tăng lên.

Châu Âu

* EU ngày 22/4 đã khởi động điều tra ứng dụng Lite của TikTok và cho biết có thể dừng tính năng gây nghiện dành cho những người dùng xem và thích các video, khi có những lo ngại về vấn đề an toàn đối với trẻ em.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), có những lo ngại về rủi ro gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của người dùng. EC cho biết, TikTok tuần trước đã không cung cấp được đánh giá rủi ro của TikTok Lite trước hạn chót là ngày 18/4, yêu cầu ứng dụng này thực hiện vào ngày 23/4.

EC tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp tạm thời như dừng chương trình tặng thưởng ở EU, tùy thuộc vào đánh giá về độ an toàn.

* Giám đốc tại châu Âu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Alfred Kammer cho rằng, việc tăng cường hội nhập thị trường nội khối của EU có thể đóng vai trò quyết định để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vốn đang ảm đạm và giúp tăng năng suất tại khối này.

Theo báo cáo Triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực công bố ngày 19/4, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Âu sẽ tăng nhẹ lên 1,6% trong năm nay, và đạt 2% trong năm tới.

IMF ước tính việc giảm bớt 10% các rào cản trên thị trường chung châu Âu sẽ bổ sung 7% vào tăng trưởng GDP của EU.

* Bloomberg dẫn một dự báo vĩ mô do Bộ Phát triển Kinh tế Nga soạn thảo cho thấy, giá khí đốt nước này bán cho Trung Quốc sẽ thấp hơn 28% so với giá bán cho người tiêu dùng châu Âu, ít nhất cho đến năm 2027.

Theo kịch bản cơ sở của bộ trên, trong năm 2024, giá xuất khẩu khí đốt Nga sang Trung Quốc sẽ là 257 USD/1.000 m3 so với mức 320,30 USD/1.000 m3 bán cho thị trường châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ (chênh lệch 19,76%). Dự báo vĩ mô cũng cho biết, năm 2023 giá khí đốt bán cho Trung Quốc là 286,9 USD/1.000 m3 và các nước châu Âu là 461,3 USD/1.000 m3 (chênh lệch 37,81%).

Năm 2025, giá khí đốt bán cho Trung Quốc và châu Âu được dự báo lần lượt là 243,7 USD/1.000 m3 và 320,1 USD/1.000 m3.

* Ngày 19/4, Giám đốc Bộ phận châu Âu của IMF ông Alfred Kammer cho hay, IMF ghi nhận sự tăng trưởng khá mạnh mẽ của nền kinh tế Nga.

Ông Kammer nói: "Chúng tôi dự báo nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng trong năm nay. Năm 2023 chúng tôi cũng chứng kiến mức tăng trưởng khá mạnh. Điều này là nhờ hoạt động kinh tế tích cực do xuất khẩu dầu vẫn mạnh trong bối cảnh giá cao. Chúng tôi thấy tiêu dùng phục hồi, thị trường lao động ổn định và tiền lương thực tế đang tăng lên”.

* Theo kết quả khảo sát được công bố ngày 24/4 của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo, tâm lý kinh doanh tại Đức tăng tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 4/2024, giữa lúc thị trường ngày càng kỳ vọng nền kinh tế hàng đầu châu Âu này đang trên đà phục hồi.

Chỉ số niềm tin của Viện Ifo, dựa trên kết quả khảo sát khoảng 9.000 công ty, đã tăng từ 87,9 điểm trong tháng 3 lên 89,4 điểm trong tháng 4, cao hơn đôi chút so với dự đoán của các nhà phân tích được công ty dữ liệu tài chính FactSet khảo sát.

Với kết quả này, Chủ tịch Ifo Clemens Fuest nhận định: “Nền kinh tế đang dần ổn định”.

Trung Đông - châu Phi

* Hãng phát thanh và truyền hình SABC của Nam Phi ngày 22/4 dẫn nguồn dữ liệu do IMF công bố nhận định, Nam Phi sắp vượt qua Nigeria và Ai Cập để trở thành nền kinh tế lớn nhất lục địa.

IMF ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nigeria năm nay là 253 tỷ USD theo giá hiện hành, của Ai Cập là 348 tỷ USD và của Nam Phi là 373 tỷ USD. Quỹ này dự đoán Nam Phi có thể duy trì vị trí dẫn đầu cho đến năm 2027.

* Một báo cáo mới nhất về độ giàu có của các nước châu Phi cho thấy, thành phố Johannesburg, trung tâm kinh tế lớn nhất Nam Phi, vẫn là nơi có nhiều triệu phú nhất trên lục địa. Tuy vậy, thành phố Cape Town cũng của Nam Phi được dự báo sẽ vượt lên giành ngôi vị vào cuối thập niên này.

Báo cáo African Wealth Report 2024 của Henley & Partners và New World Wealth mới đây nhấn mạnh lợi thế của Cape Town từ hiện tượng giới “nhà giàu” tại Nam Phi đang di cư đến thành phố này, đặc biệt là từ Johannesburg và Pretoria.

Báo cáo cũng nhấn mạnh Cape Town là nơi nghỉ hưu được nhiều người di cư giàu có từ châu Âu và các khu vực khác của châu Phi săn đón.

* IMF ngày 18/4 cho biết, cuộc xung đột ở Dải Gaza, sự gián đoạn hoạt động vận tải hàng hải ở Biển Đỏ và việc cắt giảm sản lượng dầu đã làm trầm trọng thêm các khoản nợ và chi phí đi vay cao ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA).

IMF dự kiến tăng trưởng GDP thực tế của MENA sẽ vẫn ở mức thấp, cải thiện vừa phải lên 2,7% trong năm 2024 từ mức 1,9% của năm 2023, trước khi phục hồi lên 4,2% nếu những diễn biến căng thẳng hiện nay trong khu vực bắt đầu được giảm bớt.

Nhật Bản và Hàn Quốc

* Ngày 24/4, nhính phủ Nhật Bản cho biết sẽ yêu cầu các công ty tư nhân đang tìm cách xuất khẩu các công nghệ tiên tiến như khoa học lượng tử phải có thông báo trước với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) về vấn đề này. Đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn những công nghệ đó bị chuyển hướng sang mục đích quân sự ở các nước như Nga và Trung Quốc.

METI cũng sẽ yêu cầu các công ty điều tra khả năng các công nghệ bị chuyển hướng sử dụng. Một sắc lệnh của METI theo luật ngoại hối và ngoại thương sẽ được sửa đổi để bao gồm các hình phạt đối với hành vi vi phạm.

* Nhật Bản đang cân nhắc thiết lập một khuôn khổ đối thoại mới giữa các quốc gia có ý tưởng tương đồng về các quy định quốc tế đối với việc sử dụng phù hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh.

Thủ tướng Kishida Fumio dự kiến sẽ công bố kế hoạch triển khai hội nghị "Những người bạn" về các vấn đề AI tại một cuộc họp của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự kiến diễn ra vào ngày 2-3/5 tới tại Paris.

Nguồn tin trên cho biết Nhật Bản đặt mục tiêu đóng vai trò dẫn đầu trong việc xây dựng các quy tắc quốc tế về AI, qua đó thúc đẩy cả việc phát triển công nghệ và quy định liên quan đến AI.

* Cơn sốt vàng ở Hàn Quốc đang lan sang giới trẻ, những người có ngân sách hạn chế nhưng có thể dễ dàng mua các miếng vàng nhỏ từ máy bán vàng tự động.

Theo Tổng công ty In ấn và Bảo mật tiền tệ Hàn Quốc (KOMSCO0), doanh số bán các miếng vàng nhỏ có trọng lượng từ 1 gram trở xuống đã tăng 68% trong quý I/2024 so với cùng kỳ năm ngoái.

Người phát ngôn của chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 cho biết hầu hết khách hàng sử dụng máy bán vàng tự động đều ở độ tuổi 20 hoặc 30. Họ chiếm 52% tổng số khách hàng.

ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Chính phủ Indonesia tiếp tục tăng cường hợp tác với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) trong việc đối mặt với những thách thức kinh tế toàn cầu.

Phát biểu sau cuộc gặp với Giám đốc điều hành IFC Makhtar Diop bên lề Hội nghị mùa Xuân năm 2024 của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington, D.C., Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati ngày 22/4 cho hay, cuộc gặp song phương là cơ hội tốt để tăng cường hợp tác giữa Indonesia và IFC.

Cuộc họp đã thảo luận về một số chủ đề, bao gồm bối cảnh hiện tại của nền kinh tế trong nước và toàn cầu cũng như mối quan hệ hợp tác sẽ được thúc đẩy giữa Indonesia và IFC.

* Số liệu từ Ủy ban Doanh thu nội địa (IRB) cho biết, số lượng triệu phú trẻ tại Malaysia đã tăng 75% vào năm 2022.

Theo đó, số người dưới 30 tuổi khai báo thu nhập trên 1 triệu Ringgit (khoảng 209.000 USD) đã tăng từ 20 người trong năm 2021 lên 35 người vào năm 2022. Con số thống kê của năm 2023 vẫn chưa hoàn tất.

IRB cho biết, trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021, 94% số triệu phú trẻ chưa ghi nhận bất kỳ khoản nợ thuế nào.

* Ngày 24/4, Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Sudawan Wangsupakitkosol nhấn mạnh, lễ hội Songkran kéo dài 21 ngày (từ 1-21/4) đã tạo ra doanh thu 140,335 tỷ Baht, cao hơn con số dự kiến là 132 tỷ Baht. Trong 21 ngày đã có tổng số gần 2 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm Thái Lan, tăng 37,54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường khách du lịch hàng đầu của Thái Lan trong thời điểm diễn ra lễ hội là Trung Quốc với 395.830 lượt du khách, tăng 89,16% so với năm ngoái, tiếp đến là Malaysia với 298.263 lượt khách, tăng 41,62%.

Trong khi đó, đối với thị trường khách nội địa, tổng cộng có gần 13,9 triệu lượt du khách Thái Lan đi du lịch trong thời gian diễn ra lễ hội, tạo ra doanh thu 50,12 tỷ Baht.

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-19-254-nga-manh-me-con-sot-vang-lan-sang-gioi-tre-han-quoc-hoat-dong-kinh-doanh-cua-my-cham-lai-269037.html