Kinh tế Thái Nguyên trong kháng chiến chống thực dân Pháp

Người dân Thái Nguyên sớm có tinh thần cách mạng, lại thêm địa hình của tỉnh hết sức thuận tiện để xây dựng căn cứ địa cách mạng, nên trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế kháng chiến lớn của cả nước.

Người dân Thái Nguyên sớm có tinh thần cách mạng, lại thêm địa hình của tỉnh hết sức thuận tiện để xây dựng căn cứ địa cách mạng, nên trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế kháng chiến lớn của cả nước.

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới. Các cơ quan, đoàn thể, các cơ sở kinh tế của ta rút về căn cứ địa.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thái Nguyên triệt để “tiêu thổ kháng chiến”, phá đường, phá cầu… chặn đường tiến quân của địch. Nhân dân Thái Nguyên còn tự nguyện phá nhà riêng, phá vườn tược, quyết không để địch chiếm đoạt, sử dụng.

Nhiều cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp Trung ương được thành lập và đóng trụ sở tại Thái Nguyên: Cục Quân nhu, Cục Quân y, Ngân hàng Nhà nước, Nhà in Báo Sự thật…

Trong nông nghiệp, toàn quân, toàn dân Thái Nguyên tích cực hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, tự túc lương thực theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Với những chỉ tiêu tăng gia, sản xuất cụ thể được giao đến từng đơn vị, cá nhân, Thái Nguyên đã sản xuất đủ lương thực, thực phẩm cho các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn.

Đời sống nhân dân, cán bộ được cải thiện đáng kể. Thủy lợi, đặc biệt là thủy nông được phát triển phù hợp với địa thế núi non, đồi gò của Thái Nguyên nên đã đáp ứng việc tưới tiêu cho đồng ruộng, góp phần tăng năng suất cây trồng. Nơi nào không trồng được lúa thì chuyển sang trồng ngô, trồng sắn, trồng đậu; nhiều giống rau mới được đưa lên trồng ở Thái Nguyên như: Xà lách, rau muống, đỗ tương.

Thời kỳ này ở Thái Nguyên đã có hoạt động ngoại thương mức đơn giản. Các mặt hàng nông sản như: Măng, mộc nhĩ, nấm hương được bán sang Trung Quốc thông qua biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang (gọi là cửa khẩu Bắc-Bắc) và cũng qua đường này nhập trở lại Thái Nguyên các sản phẩm: Xà phòng, bút máy, mực, dao cạo râu…

Năm 1950, biên giới Việt Trung được giải phóng, nối liền nước ta với Trung Quốc, giao lưu thương mại của ta với nước bạn được phát triển từ đó. Có thể nói Thái Nguyên là một trong những nơi khởi đầu của ngoại thương Việt Nam với Trung Quốc.

Từ khi trở thành Thủ đô kháng chiến, thị trường Thái Nguyên trở nên tấp nập, sầm uất hơn trước rất nhiều. Chợ phát triển nhanh, người mua kẻ bán tấp nập. Vùng kháng chiến nào cũng có những trung tâm kinh tế, văn hóa mang tính đô thị, đó là các thị trấn, phố huyện. Năm 1951, mô hình mậu dịch quốc doanh ra đời, tại trung tâm thị xã Thái Nguyên một “cửa hàng mậu dịch” được thành lập, bán muối, dầu tây, vải vóc… và đây cũng là nơi mua hàng hóa để xuất ra ngoài tỉnh.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202312/kinh-te-thai-nguyen-trong-khang-chien-chong-thuc-dan-phap-f7511ab/