Kinh tế tập thể và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đã và đang đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương. Vì vậy, thúc đẩy chuỗi liên kết trong sản xuất được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm bền vững.

Nhiều sản phẩm của HTX Minh Anh (TP. Bắc Kạn) đã đạt 3 sao OCOP.

Chuyển đổi theo Luật HTX 2012, các HTX trên địa bàn thành phố Bắc Kạn đang dần phát huy được thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Nhờ hoạt động chuyên sâu trong từng lĩnh vực, phù hợp với điều kiện thực tế, các HTX đã khai thác được lợi thế của địa phương trong quá trình đầu tư, tìm nguồn vốn, đầu ra cho sản phẩm, nâng cao mức thu nhập, từ đó thu hút được nhiều thành viên, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Đối với các HTX kiểu mới, vấn đề xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm được chú trọng, từ đó đầu ra của sản phẩm dễ dàng hơn, tăng hiệu quả hoạt động.

Chị Nông Thị Biệt- Giám đốc HTX Minh Anh, phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn) cho biết: "Để có đầu ra ổn định thì chất lượng sẽ là thước đo giá trị của sản phẩm để đưa ra thị trường. Từ thực hiện mô hình HTX kiểu mới và sản xuất theo chuỗi giá trị các loại nấm ăn, nấm dược liệu đã nâng đáng kể hiệu quả kinh tế cho HTX, giải quyết việc làm cho thành viên và nhiều lao động địa phương. Nhờ đầu tư công nghệ hiện đại từ khâu chế biến đến đóng gói, bảo quản, sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận. Hiện nay, HTX đã có 06 sản phẩm (nấm linh chi nguyên tai; nấm mộc nhĩ thái chỉ; mộc nhĩ khô; nấm sò tươi; trà túi lọc linh chi; bonsai linh chi) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2021, HTX tập trung nâng cấp các sản phẩm để nâng hạng sao OCOP và thực hiện hoạt động theo chuỗi giá trị".

Thông qua việc chuyển giao KHCN của HTX Minh Anh, hiện nay một số hộ dân ở xã Cốc Đán (Ngân Sơn) đã có thu nhập từ trồng nấm.

Giám đốc HTX Minh Anh cho biết thêm: Liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị, nâng hạng sao cho sản phẩm là mục tiêu mà HTX Minh Anh đã và đang nỗ lực xây dựng, hướng tới. "Mắt xích” quan trọng giải quyết đầu ra cho sản phẩm để xây dựng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị được xem là bước đi để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm. Thay vì phải qua các khâu trung gian làm tăng giá đầu vào và hạ giá thành sản phẩm, thì HTX đã thực hiện vai trò cung cấp dịch vụ đầu vào cho các thành viên với giá thấp và đảm bảo đầu ra với giá phù hợp. Nhờ đó giúp cho thành viên HTX có năng lực đàm phán trong giao dịch với đối tác thông qua việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, chuyển giao công nghệ.

Để mở rộng, đứng vững trên thị trường, HTX Minh Anh đã tính đến nguồn nguyên liệu lâu dài. Do đó, HTX đã liên kết với 02 HTX ở xã Dương Quang (HTX Văn Quyến và HTX Dương Quang) sản xuất 03 sản phẩm gồm: Nấm linh chi, nấm mộc nhĩ và nấm sò. Bên cạnh đó, thời gian qua, HTX Minh Anh còn chuyển giao khoa học công nghệ, cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ dân ở các xã: Cốc Đán, Thượng Ân, Thuần Mang (Ngân Sơn)...

Có thể nói, kinh tế tập thể là thành phần quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Vì vậy, thúc đẩy liên kết trong sản xuất là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm bền vững. Đồng thời, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, góp phần phát triển kinh tế hợp tác, HTX và xây dựng nông thôn mới./.

Tùng Vân

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202110/kinh-te-tap-the-va-lien-ket-san-xuat-theo-chuoi-gia-tri-2c24139/