Kinh tế số là động lực tăng trưởng mới, đưa kinh tế tăng trưởng bền vững

Theo các chuyên gia, tuy chịu ảnh hưởng của cuộc suy thoái, nhưng Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng nếu đẩy mạnh, phát triển kinh tế số.

Những phát hiện mới nhất của các nhà nghiên cứu, người thực hành và nhà hoạch định chính sách trên thế giới vừa được chia sẻ tại Hội thảo quốc tế thường niên “Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản lý và kinh doanh CIEMB” vừa được tổ chức tại Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU).

Điểm nhấn được chú ý nhất tại CIEMB là thuyết trình của GS. Roman Matousek về "Sự mong manh về tài chính sau Đại dịch Covid-19: "Bài học từ các nền kinh tế tiên tiến”; Chuyên đề “Mô hình hóa nền kinh tế Việt Nam” của GS. Ippei Fujiwara: và chủ đề "Fintech, Tài chính toàn diện và Kiến thức tài chính: Những gì chúng ta biết" do Giáo sư Peter J. Morgan.

Dự báo tăng trưởng toàn cầu.

Nhiều thị trường mới nổi đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ thầm lặng

Phân tích của GS Roman Matousek chỉ ra rằng khủng hoảng hậu covid hiện nay khác với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) trước đây về nguồn gốc nhưng cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng gây ra sự bế tắc đột ngột của nền kinh tế toàn cầu, lạm phát vượt tầm kiểm soát, thâm hụt của chính phủ đang ở mức cao nhất trong lịch sử.

Cả hai cuộc khủng hoảng GFC và Covid -19 đều cho thấy những người ra quyết định chưa chuẩn bị về cách quản lý và ứng phó với nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ suy thoái nghiêm trọng. Phản ứng đầu tiên trước đại dịch là hỗn loạn và thiếu phối hợp. Tác động được đánh giá khá thấp trong giai đoạn đầu tương tự như GFC. Một điểm tương đồng nữa với GFC là tác động toàn diện của việc siết chặt thanh khoản. Thị trường tài chính cũng bắt đầu biến động mạnh.

Nợ toàn cầu, bao gồm nợ chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình lên mức cao kỷ lục 307.000 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023. Nợ chính phủ trung bình của các thị trường mới nổi và các nước thu nhập trung bình sẽ vượt mức 78% GDP vào năm 2028. Nhiều thị trường mới nổi nhỏ hơn đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ thầm lặng.

Mức độ nợ nần như vậy đặt ra câu hỏi về tính bền vững khi xét đến tốc độ tăng trưởng kinh tế rất chậm chạp.

Trước khủng hoảng và các dấu hiệu rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu đang gia tăng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và hộ gia đình suy giảm, các ngân hàng đối mặt với rủi ro tín dụng gia tăng, tỷ lệ nợ xấu cao. Lãi suất tăng cao cũng tăng gánh nặng nợ cho nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, kinh tế toàn cầu suy giảm và nền kinh tế Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực.

Cũng nhìn về GFC và khủng hoảng Covid 19, GS Peter J. Morgan đến từ Viện Ngân hàng phát triển châu Á (ABDI) chỉ ra tuy khác nhau về nguồn gốc nhưng có điểm chung, đó là các kênh bất ổn thị trường tài chính.

Sự bất ổn tài chính không phải do ngân hàng gây ra như trường hợp của GFC. Thiếu thanh khoản truyền sang các tổ chức tài chính ngân hàng - trong thời kỳ đại dịch

Như chúng ta đã học được từ GFC, việc ngân hàng ưu tiên thanh khoản dẫn đến khủng hoảng tín dụng, điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu thanh khoản nói chung. Điều này dẫn đến mất giá tài sản và khó khăn trong việc tạo ra dòng tiền bền vững.

Fintech thay đổi nền tài chính, kinh tế số là động lực

GS Peter J. Morgan nhấn mạnh: Hệ thống tài chính toàn diện cung cấp cho các cá nhân và doanh nghiệp khả năng tiếp cận tốt hơn với các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu tài chính của họ, chẳng hạn như tiết kiệm cho nghỉ hưu, đầu tư vào giáo dục, tận dụng các cơ hội kinh doanh và đối mặt với những cú sốc. Tài chính toàn diện có thể giảm đáng kể tình trạng nghèo đói và thúc đẩy sự thịnh vượng chung.

Trong bài trình bày GS Peter J. Morgan nói nhiều tới Fintech. Fintech đang phát triển mạnh mẽ, cung cấp dịch vụ tài chính trực tuyến cho người tiêu dùng chủ yếu thông qua nền tảng trực tuyến và di động được hỗ trợ công nghệ.

Fintech đang thay đổi nền tài chính theo những cách cơ bản, từ quản lý đầu tư đến huy động vốn cho đến chính hình thức tiền tệ. Fintech đã hạ thấp các rào cản gia nhập, mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính.

“Một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp phi chính thức đã sử dụng dịch vụ fintech, đặc biệt là thương mại điện tử. Việc sử dụng fintech có liên quan tích cực đến việc tiếp tục kinh doanh và doanh số tăng”, GS Peter J. Morgan lưu ý. Và ông nói: Những kết quả này sẽ củng cố cơ sở cho các chính sách thúc đẩy đổi mới fintech, tài chính toàn diện, tài chính kỹ thuật số.

Từ Fintech và khủng hoảng kinh tế với các động lực tăng trưởng suy giảm và công nghệ đang phát triển rất nhanh, rất mạnh cho thấy kinh tế số đang là xu hướng, là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Kinh tế số sẽ tác động mạnh mẽ đến năng suất lao động của các doanh nghiệp, và tính cạnh tranh của nền kinh tế, các chuyên gia quốc tế nhấn mạnh. Các chuyên gia gợi mở, phát triển kinh tế số là điểm mà các nhà điều hành kinh tế Việt Nam cần lưu ý trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khi tổng cầu nền kinh tế suy giảm. Kinh tế số chính là động lực tăng trưởng mới, đưa kinh tế tăng trưởng bền vững.

Hà Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kinh-te-so-la-dong-luc-tang-truong-moi-dua-kinh-te-tang-truong-ben-vung-post275142.html