Kinh tế 'nở hoa' từ vốn tín dụng chính sách giải quyết việc làm

Nguồn vốn tín dụng chính sách được vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, những năm qua rất nhiều hộ tại các khu vực miền núi, nông thôn được vay vốn, đã thực hiện nhiều mô hình kinh tế như chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh nhỏ lẻ…, tạo được nhiều việc làm, phát triển kinh tế gia đình hướng đến một cuộc sống bền vững, tốt đẹp hơn.

Nguồn vốn vay ưu đãi phát huy hiệu quả

Nguồn vốn vay giải quyết việc hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, tại huyện Cư Mgar tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện giải pháp về vốn cho người dân đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo đã từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

Trong đó, nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đang phát huy được hiệu quả tích cực, tạo đòn bẩy cho người dân tích cực đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống phát triển kinh tế từ nguồn vốn này.

Được biết gia đình ông Trần Văn Sinh (sinh năm 1991 ở thôn 1 xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk) đã có ý tưởng mô hình chăn nuôi dê lấy thịt và chăn nuôi dê sinh sản nhưng không biết xoay sở vốn như thế nào.

Từ thông tin của nhiều người đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH, ông đã đến gặp trưởng thôn, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (tổ TK&VV) của thôn để xin được tham gia làm thành viên tổ TK&VV, được bình xét công khai thuộc đối tượng được vay vốn để phát triển mô hình chăn nuôi dê.

Ông được NHCSXH huyện CưMgar cho vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Chính phủ để mua 20 con dê giống, làm chuồng với diện tích 100m2, với sự cần cù, chịu khó chăm sóc và nuôi dưỡng, đến hiện nay đàn dê của gia đình ông đã tăng lên được 30 con.

Gia đình ông đã bán đi những con dê thịt để trang trải chi phí, cộng thêm thu nhập từ bán phụ phẩm khác, kinh tế gia đình đõ khó khăn hơn do thu nhập dần ổn định. Hàng tháng, nhờ có thu nhận ông Sinh trả lãi đều đặn cho Ngân hàng và dự kiến sẽ trả nợ gốc như đã thỏa thuận.

Ông Trần Văn Sinh cho hay trong thời gian vay vốn, sẽ cố gắng phát triển đàn dê mạnh hơn nữa, có nhiều sản phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ, đồng thời phát triển thêm nhiều cơ sở chăn nuôi của gia đình và bà con xóm giềng, ông cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho hộ chăn nuôi khác như ông để cùng nhau vươn lên phát triển kinh tế gia đình càng ngày được tốt hơn, hướng đến có cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc.

“Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH và sự qua tâm của chính quyền địa phương mà kinh tế gia đình ngày một tốt hơn. Mặc khác không phải đi vay ngoài xã hội nên rất an tâm về tư tưởng, phấn đấu làm ăn, tạo việc làm tăng thu nhập gia đình”.

Mô hình nuôi dê thoát nghèo tại huyện Cư Mgar tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: Lê Nhuận).

Tiếp đó, gia đình anh Lê Thanh Tuân (sinh năm 1989 - Hội viên Chi hội nông dân Thôn Tân lập, xã Eakpam huyện Cư Mgar, Đắk Lắk) là một trong những hộ vay vốn tiêu biểu, điển hình của xã. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi NHCSXH, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Anh sinh ra lớn lên trong một gia đình thuần nông, chủ yếu làm nghề sản xuất nông nghiệp, trước đây, gia đình anh Tuân thuộc diện khó khăn, thông qua tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) Thôn Tân Lập, xã Eakpam thuộc Hội Nông dân xã quản lý, anh được bình xét cho vay số tiền 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm. Với số tiền được vay, anh đầu tư trồng 0,3ha chanh dây.

Nhờ sự cần cù, chịu khó, gia đình anh đã có thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm. Không dừng lại ở đó, bằng nguồn vốn tích góp tự có, gia đình lại tiếp tục mở rộng chăn nuôi. Sau một thời gian ngắn, kinh tế gia đình anh đã dần ổn định hơn.

Vốn vay giải quyết việc làm phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo

Việc hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững một trong những nhiệm vụ trọng tâm, các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp giúp hội viên đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Mgar tỉnh Đắk Lắk Võ Ngọc Hãn cho biết: "Được tạo điều kiện của địa phương, công tác tuyên truyền đến tận hộ gia đình nguồn vốn tín dụng được triển khai, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương.

Có thể khẳng định, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã đang là công cụ hữu hiệu trong công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên vùng đất Tây Nguyên nói chung Huyện CưMgar Đắk Lắk nói riêng, được đội ngũ những người làm tín dụng chính sách vẫn đang nỗ lực bám sát các chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, tập trung huy động nguồn lực, chuyển tải nhanh chóng, đầy đủ, an toàn nguồn vốn về đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững tạo đòn bẩy cho người dân tích cực đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống phát triển kinh tế".

Nhuận Lê

Dân sinh

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/kinh-te-no-hoa-tu-von-tin-dung-chinh-sach-giai-quyet-viec-lam-20240304085316219.htm