Kinh tế Nga ngấm đòn trừng phạt: Đồng ruble hụt hơi, lạm phát tăng tốc

Theo cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Mark Sobel, những tuyên bố trước đây rằng các biện pháp trừng phạt sẽ khiến nền kinh tế Nga sụp đổ là sai lầm và cho tới nay vẫn vậy. Tuy nhiên, ông Sobel cho rằng tác động của các 'đòn giáng' của phương Tây đã làm kinh tế Nga tê liệt và sẽ tổn thương trong dài hạn.

Đồng ruble sụt mạnh

Trung tuần tháng 8, đồng ruble của Nga đã phá vỡ mức tâm lý quan trọng là 100 ruble đổi 1 USD, ghi nhận mức thấp nhất của đồng tiền này kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.

Ngay cả sau khi Ngân hàng Trung ương Nga tìm cách ngăn chặn sự sụt giảm của đồng nội tệ bằng cách tạm dừng mua ngoại tệ trên thị trường nội địa thì đồng ruble vẫn tiếp tục trượt giá.

Tính từ đầu năm tới nay, đồng ruble đã suy yếu và mất khoảng 25% giá trị so với đồng USD, và là một trong ba đồng tiền có diễn biến tệ nhất trong nhóm thị trường mới nổi, cùng với đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng peso của Argentina.

Giá trị của đồng ruble gần như giảm một nửa so với mức cao nhất ghi nhận vào tháng 6/2022, giữa bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine tiếp tục không có hồi kết và các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả việc áp trần giá dầu, làm giảm doanh thu của Nga từ xuất khẩu.

Tính từ đầu năm tới nay, đồng ruble đã suy yếu và mất khoảng 25% giá trị so với đồng USD.

Tính từ đầu năm tới nay, đồng ruble đã suy yếu và mất khoảng 25% giá trị so với đồng USD.

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Trung ương Nga cho thấy nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí của nước này giảm 41,4% xuống còn 4,19 nghìn tỷ ruble (43 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay. Việc nới quy định kiểm soát vốn cũng khiến dòng tiền rời Nga mạnh hơn.

Các nhà phân tích cho biết các quan chức Nga đang vật lộn với những hậu quả kinh tế do chiến sự Ukraine gây ra. Chính phủ đã tăng gấp đôi mục tiêu chi tiêu quốc phòng cho năm 2023 lên hơn 100 tỷ USD, bơm hơn 60 tỷ USD ngân sách vào ngành công nghiệp quốc phòng trong nửa đầu năm 2023, theo số liệu của chính phủ được Reuters tiết lộ.

Việc chi tiêu mạnh tay đã gây ra sự mất cân bằng lớn trong nền kinh tế Nga, làm lạm phát leo thang khi các doanh nghiệp quốc phòng đẩy mạnh sản xuất và tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng, một phần do việc huy động lính nghĩa vụ ra mặt trận ở Ukraine.

Một cuộc khảo sát do Viện Gaidar ở Moscow thực hiện cho thấy 42% doanh nghiệp được khảo sát phàn nàn về việc thiếu lao động trong tháng 7.

Ngân hàng Trung ương Nga dự báo lạm phát sẽ lên tới 6,5% vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng sự mất giá nhanh chóng của đồng ruble có thể khiến giá cả tăng cao hơn nữa trong 3 đến 6 tháng tới và tỷ lệ lạm phát có thể đạt hai con số vào cuối năm 2023.

Người dân khốn đốn

Phát biểu trước các quan chức kinh tế hàng đầu của Nga hồi trung tuần tháng 8 sau một tháng căng thẳng khi đồng ruble của Nga giảm mạnh, Tổng thống Nga Putin đã phát ra tín hiệu lạc quan khi nói nền kinh tế Nga đang tăng trưởng trở lại và tiền lương đang tăng lên.

Tuy nhiên, người đứng đầu Điện Kremlin lại tránh đề cập đến điểm yếu đang rình rập nền kinh tế Nga khi các lệnh trừng phạt của phương Tây ngày càng “bám rễ” sâu hơn khiến đồng ruble đang lộ rõ dấu hiệu “hụt hơi”.

Với việc hàng nhập khẩu vẫn chiếm tới 40% giỏ hàng tiêu dùng của người Nga, hai cuộc khảo sát gần đây cho thấy người Nga đã bắt đầu giảm mạnh chi tiêu. Một báo cáo được công bố ngày 16/8 bởi cơ quan nghiên cứu thị trường lớn nhất của Nga, Romir, cho thấy 19% số người được hỏi đã bắt đầu cắt giảm mua hàng hóa cơ bản như kem đánh răng, bột giặt và thực phẩm trong tháng 7, tăng so với mức 16% của tháng trước.

Lạm phát ảnh hưởng lớn nhất đến người có thu nhập thấp ở Nga.

Lạm phát ảnh hưởng lớn nhất đến người có thu nhập thấp ở Nga.

Ông Ksenia Paizanskaya, giám đốc cấp cao của Romir, cho biết: “Trong bối cảnh giá cả leo thang, người Nga đang cố gắng tiết kiệm tiền. Họ đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho các sản phẩm quen thuộc với giá cả phải chăng hơn”.

Giá cả tăng nhanh do giá trị đồng ruble giảm mạnh, cùng với việc chính phủ Nga chi bạo tay cho ngành công nghiệp quốc phòng đang khiến cho chiến sự và tác động của các lệnh trừng phạt lần đầu tiên trở thành tâm điểm chú ý của nhiều người Nga.

Chia sẻ với The Washington Post, một nhà kinh tế tại Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế Đức, ông Janis Kluge, cho hay: “Người dân Nga đã tự cô lập mình khỏi những diễn biến chính trị thời gian gần đây, nhưng việc lạm phát tăng cao là thứ họ không thể thờ ơ bởi điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của họ”.

Giới phân tích cho rằng Nga sẽ gặp nhiều thách thức khi niềm tin vào đồng ruble đang đi xuống. Người Nga vẫn tiếp tục chuyển tiền ra nước ngoài trong năm nay. Dòng tiền chảy ra đã lên tới 1 tỷ USD chỉ vài ngày sau cuộc nổi loạn của Tập đoàn Quân sự Tư nhân Wagner hồi tháng 6, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Nga.

Lạm phát sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến người có thu nhập thấp, do họ chủ yếu mua nhu yếu phẩm, như lương thực. Hoạt động du lịch nước ngoài cũng sẽ đắt đỏ hơn với nhiều người Nga.

Trong một động thái hỗ trợ đồng ruble, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất từ 8,5 % lên 12% “nhằm định hình các điều kiện tiền tệ và động lực tổng thể của nhu cầu trong nước để đưa lạm phát trở lại mức 4% vào năm 2024 và ổn định nó ở mức gần 4% trong tương lai”.

Trong chỉ đạo đưa ra mới đây, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh rằng: “Dữ liệu khách quan cho thấy rủi ro lạm phát đang gia tăng và nhiệm vụ kiềm chế tăng trưởng giá cả hiện là ưu tiên số một. Tôi yêu cầu các quan chức chính phủ và Ngân hàng Trung ương luôn kiểm soát tình hình”.

Mộc An

Theo The Washington Post

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/kinh-te-nga-ngam-don-trung-phat-dong-ruble-hut-hoi-lam-phat-tang-toc-20180504224288350.htm