Kinh tế Nga lần đầu tăng trưởng trong hơn một năm

Tốc độ tăng trưởng GDP của Nga mạnh hơn dự báo trong quí 2, giúp nước này chấm dứt 4 quí sản lượng kinh tế suy giảm liên tục. Quy mô nền kinh tế Nga dự kiến quay trở lại mức trước chiến tranh trong năm nay khi Moscow thích nghi với các đòn trừng phạt của phương Tây sau chiến sự Ukraine.

Trụ sở của Ngân hàng trung ương Nga ở Moscow. Ngân hàng này gần đây nâng dự báo tăng trưởng GDP của Nga lên mức 1,5-2,5% cho năm 2023. Ảnh: EPA

Tính đến quí 2-2023, kinh tế Nga trải qua 4 quí GDP suy giảm liên tục và đây là giai đoạn suy giảm GDP dài nhất của nước này trong hơn 5 năm.

Nhưng bằng biện pháp nới lỏng chính sách tài khóa, GDP của Nga trong quí 2 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo tăng 3,9%, theo dữ liệu của Cục Thống kê liên bang Nga (Rosstat) công bố hôm 11-8. Nga ghi nhận GDP suy giảm đến 4,5% trong quí 2 năm ngoái.

“Nếu chúng ta xem xét con số của cả năm, thì đến năm 2024, GDP của Nga sẽ vượt xa mức của năm 2021”, nhà kinh tế học Evgeny Koshelev của ngân hàng Rosbank tại Moscow nói.

Bước chuyển biến tích cực này thức những dự đoán về sự sụt giảm kinh tế kéo dài của Nga do tác động của một loạt biện pháp trừng phạt mà phương Tây giánh vào Moscow.

Các khoản chi tiêu quốc phòng đã thúc đẩy sản xuất công nghiệp của Nga. Trong khi đó, nhu cầu của người tiêu dùng đang tăng lên trong bối cảnh Moscow phân bổ ngân sách lớn hơn cho các chương trình phúc lợi xã hội và tăng tiền lương hưu.

Natalia Lavrova, nhà kinh tế trưởng của BCS Financial Group, người dự báo kinh tế Nga tăng trưởng 2% trong năm 2023, cho biết GDP của Nga có thể phục hồi về quy mô trước chiến tranh vào giữa năm sau.

Tuy nhiên, nỗ lực mở rộng tuyển dụng quân của Điện Kremlin có thể gặp trở ngại khi tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng. Khi Nga cố gắng tuyển thêm quân phục vụ các hoạt động quân sự tại Ukraine, điều này có nguy cơ làm cạn kiệt lực lượng lao động. Vì vậy, Nga có thể xem xét tuyển quân theo hướng có chọn lọc hơn để bảo đảm sự vắng mặt của họ sẽ không tác động lớn đến thị trường lao động . Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật tăng tuổi nhập ngũ từ 27 lên 30 và cấm nam giới rời khỏi đất nước sau khi họ nhận được thông báo nhập ngũ.

Theo các nhà kinh tế của Bloomberg Economics, các biện pháp như vậy có thể cho phép Moscow tuyển quân “có mục tiêu” nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngắn hạn bằng cách giảm tác động của tình trạng thiếu lao động.

Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng về Nga Alexander Isakov của Bloomberg Economics nhận định, chiến lược tuyển dụng lính nghĩa vụ có chọn lọc “không có khả năng đảo ngược sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế của Nga dài hạn”.

Các thách thức kinh tế mà Nga đang đối mặt không chỉ giới hạn ở thị trường lao động.

Đồng rúp đang suy yếu và tiến gần đến mức 100 ăn một đô la Mỹ sau khi giảm khoảng 25% kể từ đầu năm. Thống đốc ngân hàng trung ương Nga (CBR) Elvira Nabiullina cho rằng, đồng rúp giảm giá phần lớn là do tình trạng ngoại thương xấu đi.

Trong khi hoạt động nhập khẩu của Nga vẫn ổn định, những hạn chế đối với hoạt động xuất năng lượng của Nga, bao gồm cả mức trần giá dầu do nhóm cường quốc G7 và các đồng minh áp đặt, khiến doanh thu xuất khẩu suy giảm liên tục. Tình trạng này khiến thặng dư tài khoản vãng lai của Nga giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm.

Hôm 10-8, CBR tuyên bố tạm dừng mua ngoại tệ trong thời gian còn lại của năm “để giảm bớt sự biến động” của đồng rúp.Động thái của CBR sẽ giúp củng cố đồng rúp, bởi vì khi ngân hàng này chi đồng rúp để mua ngoại tệ, nguồn cung đồng rúp lưu thông trên thị trường sẽ tăng lên, làm giảm giá trị.

Đồng rúp rẻ hơn trong ngắn hạn sẽ giúp Moscow tài trợ cho các khoản chi lớn liên quan đến quân sự, vốn gây ra mức thâm hụt ngân sách thứ hai kể từ khi Liên Xô tan rã. Dầu của Nga được bán bằng ngoại tệ giờ đây sẽ mua được nhiều đồng rúp hơn ở trong nước.

Một số nhà phân tích, bao gồm Chris Weafer, CEO của Công ty tư vấn Eurasia Macro-Advisory, nhận định, các cơ quan tài chính Nga đang cố tình để đồng rúp suy yếu để cải thiện nguồn thu ngân sách.

CBR gần đây nâng dự báo tăng trưởng GDP của Nga lên mức 1,5-2,5% cho năm 2023. CBR lưu ý rằng, sản lượng ở hầu hết các lĩnh vực tập trung vào nhu cầu trong nước đã đạt bằng hoặc thậm chí vượt mức trước chiến tranh. Ngân hàng này dự báo mức tăng trưởng của Nga trong năm tới là 0,5-2,5% và 1-2% vào năm 2025.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cảnh báo rằng “năng lực mở rộng sản xuất trong nền kinh tế Nga ngày càng bị hạn chế bởi các điều kiện thắt chặt của thị trường lao động”. Cùng với các biện pháp trừng phạt và mức chi tiêu của chính phủ, điều này đang góp phần gây ra rủi ro lạm phát.

CBR dự báo báo lạm phát của Nga sẽ tăng 5-6,5 % trong năm nay. Dữ liệu chính thức được công bố hôm 9-8 cho thấy trong tháng 7, tốc độ tăng lạm phát hàng năm của Nga là 4,3%.

Theo Bloomberg, AFP

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/kinh-te-nga-lan-dau-tang-truong-trong-hon-mot-nam/