Kinh tế Mỹ trên 'con đường vàng', lạm phát cao ngất ngưởng chỉ còn là ký ức, vẫn chưa thể 'khui champagne'

Người dân không còn lo lắng nhiều về tình trạng giá cả tăng cao và nền kinh tế Mỹ đang trên 'con đường vàng' hiếm hoi để đạt được tỷ lệ lạm phát thấp hơn mà không bị suy thoái.

Lạm phát đang giảm trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh. (Nguồn: Bloomberg)

Lạm phát đang giảm trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh. (Nguồn: Bloomberg)

Ngày 12/7, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy, trong tháng 6/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã giảm xuống mức 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một sự hồi phục mạnh mẽ so với thời điểm cách đây một năm - khi chi phí năng lượng tăng "phi mã" đẩy lạm phát vọt lên mức 9,1% vào tháng 6/2022 - tốc độ hàng năm nhanh nhất kể từ tháng 11/1981.

CPI tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm trong 12 tháng liên tiếp và đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

Loạt tin vui

GS. William Ferguson tại Đại học Grinnell ở Iowa (Mỹ) nhận định: “Chúng tôi không còn phải lo lắng nhiều như trước đây về giá cả tăng cao".

Theo thông tin của Bộ Lao động Mỹ, CPI lõi (không tính đến giá thực phẩm và năng lượng dễ dao động) đã tăng 0,2% trong tháng 6, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 8/2021 và là lần đầu trong 6 tháng mức tăng CPI lõi thấp hơn 0,4%.

So với cùng kỳ năm ngoái, CPI lõi của Mỹ đã tăng 4,8% trong tháng 6/2023, mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 10/2021, sau khi tăng 5,3% trong tháng 5.

Chỉ số CPI lõi được cải thiện nhờ chi phí nhà ở chỉ tăng 0,4%, sau khi tăng 0,6% trong tháng trước đó. Giá phòng khách sạn và nhà nghỉ giảm 2,3%.

Chi phí bảo hiểm xe cơ giới tăng 1,7%, trong khi giá hàng may mặc tăng 0,3%.

Tổng thống Joe Biden vui mừng nói: “Bidenomics (những chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden) đang hoạt động. Báo cáo mang đến bằng chứng mới và đáng khích lệ rằng, lạm phát đang giảm trong khi nền kinh tế của chúng ta vẫn vững mạnh".

Về cơ bản, dữ liệu tháng 6 có thể giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) “thở phào”.

Ông George Mateyo, Giám đốc đầu tư của Key Private Bank cho biết: “Đã có nhiều chuyển biến tích cực. Lạm phát có vẻ đã hạ nhiệt, trong bối cảnh nền kinh tế không bị đình trệ”.

Theo ông Sung Won Sohn, Giáo sư tài chính và kinh tế tại Đại học Loyola Marymount (Mỹ), "cuộc chiến" chống lạm phát của Fed đang có hiệu quả. Tuy nhiên lãi suất cơ bản ở mức 4,8% là vẫn quá cao và Fed còn nhiều việc phải làm".

Bắt đầu từ tháng 3/2022, ngân hàng trên đã thực hiện 10 đợt tăng lãi suất liên tiếp để kiềm chế lạm phát và đã tạm dừng vào tháng trước. Fed được cho là sẽ tăng lãi suất thêm 1/4 điểm nữa khi họp vào cuối tháng này.

"Cả người tiêu dùng và Fed đều chưa 'khui champagne' để ăn mừng. Người dân tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạm quên tình trạng lạm phát tồi tệ nhất, nhưng 'cuộc chiến' vẫn chưa kết thúc".

Bà Lael Brainard, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ nhận thấy, chỉ số CPI tháng 6 chỉ cao hơn một chút so với mức lạm phát trung bình 2,9% của hai thập niên trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tại thị trường lao động, vào tháng 6, nền kinh tế Mỹ tạo thêm 209.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp là 3,6%. Số lượng việc làm tăng hàng tháng thể hiện sự chậm lại đáng kể so với tốc độ tăng trưởng việc làm chóng mặt trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, thị trường lao động hiện tại đang phát triển nhanh hơn những gì đã được chứng kiến trong và trước tháng 2/2020 - khi đại dịch "làm khó" nước Mỹ.

Giải thích về lý do thị trường lao động Mỹ ở mức tương đối tốt, ông Riccardo Trezzi, giảng viên tại Đại học Geneva (Thụy Sỹ) cho hay, đó là nhờ chính phủ và Fed đều đã thực hiện các biện pháp mạnh tay để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch Covid-19.

Ông Trezzi khẳng định, một cuộc "hạ cánh mềm" - hạ thấp lạm phát mà không làm mất việc làm đáng kể - đã đạt được một cách hiệu quả. Bởi tỷ lệ lạm phát 9% mà nước Mỹ từng chứng kiến giờ chỉ còn là ký ức xa vời.

Ông Austan Goolsbee, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago cho rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đang trên "con đường vàng" hiếm hoi để đạt được tỷ lệ lạm phát thấp hơn mà không bị suy thoái.

Ông nói: “Mục tiêu quan trọng nhất của Fed hiện nay là giảm lạm phát. Chúng tôi sẽ thành công và làm được điều đó mà không có suy thoái kinh tế. Đó là 'con đường vàng' và tôi cảm thấy chúng ta đang đi trên con đường đó".

Quá sớm để ăn mừng

Tuy nhiên, theo ông Trezzi, sóng dữ có thể vẫn còn ở phía trước, vì tỷ lệ lạm phát cơ bản (chỉ số đo mức lạm phát loại trừ một số mặt hàng dễ thay đổi giá như lương thực và năng lượng) trong 12 tháng đã chững lại trên 5%, sau nhiều thập niên chỉ ở mức trung bình 3,6%.

Ông Omair Sharif, Chủ tịch Công ty nghiên cứu và phân tích Inflation Insights thì cho rằng, có hai "thủ phạm" chính thúc đẩy dữ liệu lạm phát cao hơn, đó là: giá ô tô đã qua sử dụng và giá vé máy bay.

Ông giải thích, do các vấn đề về chuỗi cung ứng, chi phí lao động, giá trên thị trường ô tô đã tăng vọt. Nhưng hiện đang có dấu hiệu ổn định. Điều này cũng đúng với giá vé máy bay, khi chi phí nhiên liệu đã giảm đáng kể. Trong tháng 6, giá vé máy bay giảm 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đánh giá "cuộc chiến" lạm phát còn là một hành trình "đau đớn", ông Sharif nói rằng, việc đạt được mục tiêu lạm phát 2% có thể không xảy ra cho đến nửa cuối năm 2024.

Nhà phân tích kinh tế cấp cao Mark Hamrick tại Bankrate cũng nhận thấy: “Cả người tiêu dùng và Fed đều chưa 'khui champagne' để ăn mừng. Người dân tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạm quên tình trạng lạm phát tồi tệ nhất, nhưng 'cuộc chiến' vẫn chưa kết thúc".

(theo CNN, NBC News)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-my-tren-con-duong-vang-lam-phat-cao-ngat-nguong-chi-con-la-ky-uc-van-chua-the-khui-champagne-234397.html