Kinh tế Mỹ tiếp đà tăng trưởng, ECB giữ nguyên lãi suất điều hành

Trong tuần từ 23 - 29/10, tâm điểm thị trường sẽ tập trung vào nền kinh tế lớn nhất thế giới khi các dữ liệu GDP quý III của Mỹ được công bố vào ngày 26/10. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu họp công bố quyết định lãi suất trong bối cảnh giá năng lượng tiếp tục tang cao. Ở những nơi khác, các nhà hoạch định chính sách Chile có thể sẽ cắt giảm chi phí đi vay, và các đồng nghiệp ở Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ đưa ra những đợt tăng lãi suất lớn.

Tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ dự kiến tăng với tốc độ 4,3% trong quý III, cho thấy Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế hàng đầu.

Dữ liệu GDP cho thấy Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế

Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới có lẽ đã tăng trưởng quý thứ 3 với tốc độ nhanh nhất trong gần hai năm qua nhờ vào sự kiên định của người tiêu dùng, nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi họ đang tranh luận liệu có cần bổ sung thêm một đợt thắt chặt chính sách hay không.

Tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ dự kiến tăng với tốc độ 4,3% trong quý III, theo dự báo trung bình trong cuộc khảo sát các nhà kinh tế của Bloomberg. Sự tăng trưởng như vậy cho thấy Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế hàng đầu khi châu Âu trì trệ và châu Á phải đối mặt với một Trung Quốc đang gặp khó khăn.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi có thể tăng 3,7%, đây là một trong những dữ liệu chính được FED tham chiếu vì đã loại trừ chi phí năng lượng và thực phẩm thường biến động. Đó sẽ là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 5/2021 và phù hợp với tiến độ khiêm tốn về lạm phát.

Tiêu dùng cá nhân, động lực chính của nền kinh tế Mỹ, được dự đoán sẽ tăng với tốc độ 4%. Nhu cầu phục hồi đang thử thách kỹ năng hoạch định chính sách của các quan chức FED sau gần hai năm tăng lãi suất. Trong khi lạm phát đã ở xa mức đỉnh điểm, áp lực về giá vẫn đang tăng nhanh gần gấp đôi so với mục tiêu 2% của họ.

Báo cáo GDP sẽ được công bố vào thứ Năm (26/10) sẽ không đủ để thúc đẩy FED tăng lãi suất vào tháng 11, nhưng đà chi tiêu được duy trì trong quý 4 có thể sẽ làm tăng triển vọng thắt chặt thêm vào thời điểm đầu năm.

Dữ liệu thu nhập và chi tiêu tháng 9 được công bố một ngày sau đó, vào thứ Sáu (27/10) sẽ mang lại cảm giác về động lực của nhu cầu hộ gia đình và lạm phát trước quý 4.

Các nhà dự báo nhận thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi có thể tăng 3,7%, đây là một trong những dữ liệu chính được FED tham chiếu vì đã loại trừ chi phí năng lượng và thực phẩm thường biến động. Đó sẽ là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 5/2021 và phù hợp với tiến độ khiêm tốn về lạm phát.

Quay về phía bắc, quyết định lãi suất của Ngân hàng trung ương Canada vào thứ Tư (25/10) sẽ đưa ra những dự báo mới về lạm phát, tăng trưởng và bối cảnh rủi ro cho nền kinh tế. Thống đốc Tiff Macklem được nhiều người dự đoán sẽ tiếp tục tạm dừng tăng lãi suất nhưng vẫn để ngỏ khả năng có thể cần phải tăng thêm.

Ở châu Á, Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc sẽ họp đến thứ Ba và có thể sẽ thảo luận về đề xuất phát hành sớm khoản nợ mới của chính quyền địa phương và bổ nhiệm các nhân sự chủ chốt.

Trung Quốc cũng sẽ báo cáo lợi nhuận công nghiệp dựa trên dữ liệu có thể cho thấy sự phục hồi liên tục khi các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ tình hình của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tại Nhật Bản, Thủ tướng Fumio Kishida có thể sẽ xem xét kết quả của cuộc bầu cử đặc biệt được tổ chức vào cuối tuần, với kết quả thăm dò cho thấy khả năng khuyến khích chi tiêu nhiều hơn.

Dữ liệu thương mại sớm của Hàn Quốc vào thứ Hai sẽ cung cấp một cái nhìn tổng thể về tình trạng nhu cầu toàn cầu, cũng như dữ liệu tăng trưởng quý 3 của nước này.

Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc Michele Bullock phát biểu vào thứ Ba, với số liệu lạm phát hàng quý mới nhất của đất nước được công bố vào ngày hôm sau. Chúng có thể đóng vai trò then chốt trong việc xác định liệu RBA có tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp ngày 7/11 hay không.

ECB có thể giữ lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 7/2022

Với lục địa già châu Âu, vào thứ Ba, Vương quốc Anh sẽ công bố loạt dữ liệu thị trường lao động thứ hai, có thể xác nhận bức tranh về đà suy yếu.

Cùng ngày, các chỉ số quản lý mua hàng ở Anh và khu vực đồng Euro có thể cho thấy sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất vẫn tiếp diễn trong tháng 10, mặc dù tốc độ suy thoái giảm bớt.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt, Đức. Ảnh: Alex Kraus/Bloomberg

Các báo cáo khác tại khu vực đồng Euro trong tuần tới bao gồm niềm tin của người tiêu dùng vào thứ Hai và hai ngày sau, chỉ số Ifo của Đức, được dự đoán sẽ chỉ cho thấy sự cải thiện nhẹ về tâm lý kinh doanh ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Vào thứ Năm, các nhà hoạch định chính sách của ECB do Chủ tịch Christine Lagarde dẫn đầu được dự đoán sẽ giữ nguyên chi phí đi vay lần đầu tiên kể từ tháng 6/2022, mặc dù họ có thể báo hiệu về việc tiếp tục thắt chặt nếu cần. Các quan chức cũng có thể thảo luận về triển vọng giảm lượng nắm giữ trái phiếu trong tương lai.

Ales Koutny - người đứng đầu tỷ giá quốc tế tại Vanguard nhất trí với nhận định về việc định giá thị trường cho thấy ECB sẽ giữ nguyên lãi suất vào thứ Năm, nhưng cũng cảnh báo các nhà giao dịch không nên quá tự mãn trước khả năng thắt chặt hơn trong những tháng tới.

Koutny cho biết: “Thị trường đang đánh giá thấp khả năng ECB thực hiện một đợt tăng lãi suất khác. Điều đó cũng tương tự với FED”.

Bởi lẽ, sau khi đưa lãi suất tiền gửi lên mức kỷ lục 4%, ECB sẽ cần phải cân nhắc cẩn thận tác động kinh tế của việc tăng lãi suất, ngay cả khi giá năng lượng tiếp tục tăng. Gánh nặng nợ nần của Ý khiến nền kinh tế lớn thứ ba EU trở nên đặc biệt mong manh trước chính sách thắt chặt hơn.

Một trong những lập luận ủng hộ việc tạm dừng tăng lãi suất là tình hình tài chính của Ý, vốn đã xấu đi khi tăng trưởng chững lại. Việc thắt chặt hơn nữa sẽ ảnh hưởng đến hoạt động và có thể đẩy phần bù rủi ro của quốc gia lên cao hơn nữa, gây ra nguy cơ khủng hoảng nợ.

Thành viên Hội đồng điều hành ECB Gabriel Makhlouf cho rằng, chênh lệch lãi suất trái phiếu của Ý so với các nước khác là “điều hiển nhiên” mà các quan chức “sẽ rất chú trọng”. Khoảng cách giữa lãi suất trái phiếu 10 năm của Ý và Đức gần đây đã vượt quá 200 điểm cơ bản, một mức được theo dõi rộng rãi.

Các chiến lược gia đánh giá của Commerzbank AG cũng cho rằng: “Với nền kinh tế khu vực đồng Euro đang gặp khó khăn, ECB có lẽ đang tiến gần đến ngưỡng chịu thiệt hại hơn nhiều so với FED”. Họ dự đoán lãi suất của ECB đang ở mức cao nhất.

Nhưng những người tin rằng việc tăng giá vẫn chưa kết thúc nêu bật các yếu tố khác. Colin Graham - người đứng đầu chiến lược đa tài sản tại Robeco cho biết, các biện pháp kích thích bổ sung từ Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy những đợt áp lực giá mới trong khu vực. “Chúng tôi cho rằng ECB nên tăng lãi suất nhiều hơn. Lạm phát vẫn chưa được kiểm soát” - Colin Graham, người đứng đầu chiến lược đa tài sản tại Robeco nói.

Trong tuần, tại Thổ Nhĩ Kỳ, một đợt tăng giá lớn khác được dự đoán sẽ diễn ra vào thứ Năm sau khi lạm phát lên tới đỉnh điểm 60% vào tháng trước, mức nhanh nhất trong năm nay. Trong khi ngân hàng trung ương đã tăng hơn gấp ba lần lãi suất cơ bản lên 30% trong bốn bước, áp lực giá vẫn rất lớn.

Vào thứ Sáu ở Nga, các nhà hoạch định chính sách có thể tăng chi phí đi vay lần thứ 3 liên tiếp. Với việc các quan chức dự báo lạm phát ở mức 6% đến 7% trong năm nay, áp lực giá cả có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định này, nhất là khi sự sụt giảm của đồng Rúp đã khiến chính phủ phải tái áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn.

Chile, với tình trạng giảm phát ổn định và những gì các nhà hoạch định chính sách coi là mức tăng trưởng dưới tiềm năng, ngân hàng trung ương gần như chắc chắn sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất khổng lồ lần thứ ba liên tiếp từ mức 9,5% hiện tại.

Hoàng Lê (theo Bloomberg)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kinh-te-my-tiep-da-tang-truong-ecb-giu-nguyen-lai-suat-dieu-hanh-138044.html