Kinh tế Mỹ đuối sức trong quý 1, lạm phát vẫn tăng tốc

Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý 1 năm nay yếu hơn nhiều so với dự báo của giới chuyên gia kinh tế, trong khi giá cả tăng với tốc độ nhanh hơn - báo cáo ngày 25/4 của Bộ Thương mại nước này cho thấy...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) chuẩn hóa theo năm (annualized, phương pháp tính hiệu chỉnh theo yếu tố mùa vụ và lạm phát) của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý 1 đạt 1,6% - theo số liệu do Cục Phân tích kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ công bố.

Trước đó, trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, các chuyên gia dự báo mức tăng 2,4%. Không chỉ thấp hơn nhiều so với dự báo, kết quả tăng trưởng GDP quý 1 còn cho thấy xu hướng giảm tốc. Nền kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng 3,4% trong quý 4 và 4,9% trong quý 3/2023.

Cũng theo báo cáo trên, tiêu dùng của người Mỹ tăng 2,5% trong quý 1, giảm tốc từ mức tăng 3,3% trong quý 4 và thấp hơn mức ước tính 3% của giới chuyên gia. Đầu tư cố định và chi tiêu của chính phủ ở cấp tiểu bang và địa phương đã giúp giữ tăng trưởng GDP ở trạng thái dương trong quý, trong khi đầu tư hàng tồn kho tư nhân giảm và nhập khẩu tăng làm giảm tăng trưởng GDP. Nhập khẩu ròng làm mất đi 0,86 điểm phần trăm trong tốc độ tăng trưởng GDP trong khi tiêu dùng đóng góp 1,68 điểm phần trăm.

Không chỉ mang tới tin xấu về tăng trưởng, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ còn mang tới tin xấu về lạm phát.

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát quan trọng đối với Cục Dự trữ Liên bang (Fed), tăng với tốc độ 3,4% hàng năm trong quý 1, mức tăng lớn nhất trong một năm và tăng tốc từ mức tăng 1,8% ghi nhận trong quý 4 năm ngoái. Không bao gồm thực phẩm và năng lượng, chỉ số PCE lõi tăng ở mức 3,7% trong quý, và cả hai chỉ số này đều cao hơn mục tiêu 2% của Fed. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có xu hướng tập trung vào lạm phát lõi, xem đây như một chỉ báo xác thực hơn về xu hướng dài hạn của lạm phát.

Ông David Donabedian - Giám đốc đầu tư của công ty CIBC Private Wealth US, nhận định: “Đây là một báo cáo xấu, với tốc độ tăng trưởng chậm hơn dự kiến và lạm phát cao hơn dự kiến. Sắp đến lúc việc cắt giảm lãi suất bị đẩy hoàn toàn ra khỏi kỳ vọng của nhà đầu tư. Chủ tịch Fed Jerome Powell phải buộc phải thể hiện thái độ cứng rắn trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào tuần tới”.

Bản báo cáo được đưa ra trong bối cảnh thị trường đang lo lắng về triển vọng chính sách tiền tệ và thời điểm Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất cơ bản. Lãi suất quỹ liên bang, tức lãi suất điều hành của Fed đang ở mức 5,25-5,5%, cao nhất trong 23 năm mặc dù Fed đã ngừng nâng lãi suất từ tháng 7/2023.

Gần đây, nhà đầu tư đã phải điều chỉnh kỳ vọng về thời điểm Fed có thể bắt đầu nới lỏng chính sách, vì lạm phát vẫn còn cao. Thị trường lãi suất tương lai những ngày qua phản ánh khả năng Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9 và sẽ chỉ có 1 hoặc 2 đợt giảm trong năm nay. Sau khi báo cáo GDP được công bố, các nhà giao dịch cho rằng Fed chỉ giảm lãi suất 1 lần trong năm 2024 này.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ qua các quý - Nguồn: Bộ Thương mại Mỹ/CNBC.

Ông Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng tại công ty LPL Financial, nhận định: “Nền kinh tế Mỹ có thể tiếp tục giảm tốc trong những quý sắp tới vì người tiêu dùng có thể sắp qua giai đoạn chi tiêu mạnh tay. Tỷ lệ tiết kiệm đang giảm do tiến trình giảm lạm phát chậm lại gây áp lực lớn hơn cho người tiêu dùng. Tôi cho rằng lạm phát sẽ giảm trong năm nay do tổng cầu chậm lại, nhưng con đường đạt được mục tiêu 2% của Fed vẫn còn dài”.

Thị trường việc làm sôi động là một yếu tố giúp củng cố nền kinh tế Mỹ. Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo hàng tuần hôm thứ Năm cho thấy tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu là 207.000 trong tuần kết thúc vào ngày 20/4, giảm 5.000 so với tuần trước đó và thấp hơn con số dự báo 215.000 đơn.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kinh-te-my-duoi-suc-trong-quy-1-lam-phat-van-tang-toc.htm