Kinh tế Liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm

TTH - Với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng nông nghiệp xanh, sạch và nâng cao giá trị sản phẩm, TP. Huế đang kêu gọi các doanh nghiệp (DN) liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp, người nông dân hình thành các vùng nguyên liệu, mô hình sản xuất - tiêu thụ để nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương.

Trồng hoa gắn với phát triển du lịch là mô hình mà xã Phú Mậu đang triển khai

Trồng hoa gắn với phát triển du lịch là mô hình mà xã Phú Mậu đang triển khai

Cuộc gặp giữa 3 nhà

Sáp nhập vào địa bàn TP. Huế từ tháng 7/2021, hiện xã Phú Dương đang đổi thay từng ngày, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình hay nỗ lực để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề đã và đang được người dân tích cực triển khai. Trong đó, làng nghề bánh chưng Dương Nỗ là một điển hình.

Theo Chủ tịch UBND xã Phú Dương, bà Lê Thị Thu Hằng, làng Dương Nỗ có hơn 100 hộ dân tham gia làm bánh chưng, bánh tét được truyền từ đời này qua đời khác nên hương vị thơm ngon. Vào dịp tết cổ truyền, các gia đình đều tham gia chế biến để cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, do đầu ra không ổn định nên chỉ chế biến vào dịp tết nên người dân chưa mặn mà để cải tiến mẫu mã và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề.

“Từ đầu năm 2022 đến nay, sau khi địa phương làm việc và liên kết với Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt (viết tắt là Công ty Huế Việt) để phối hợp chế biến các loại bánh chưng theo mẫu mã mới, nhỏ gọn và sử dụng công nghệ đóng chưng không để bảo quản lâu, hiện vào các ngày 14,15 và 30, mồng 1 âm lịch hàng tháng DN đặt bà con làm cả 2 loại bánh chưng chay và mặn với số lượng vài trăm cặp. Đồng thời, hướng đến xây dựng thương hiệu bánh chưng chợ Nọ để cung ứng thường xuyên vào các siêu thị và thị trường trong, ngoài tỉnh”, bà Hằng chia sẻ.

Giám đốc Công ty Huế Việt, bà Nguyễn Thị Huệ cho rằng, cùng với bánh chưng Phú Dương, hiện DN đang liên kết với các hộ dân ở phường Thủy Xuân và Xuân Phú để trồng và thu mua hơn 10.000m2 rau, củ, quả theo mô hình rau hữu cơ. Đồng thời đang khảo sát, nghiên cứu diện tích trồng hành lá ở phường Hương An để hướng tới liên kết thu mua hành lá, chế biến thành sản phẩm hành sấy khô; nghiên cứu để sản xuất gạo mầm đối với gạo đỏ Hương Phong. Hiện, DN đang nỗ lực cùng với bà con xây dựng thương hiệu bánh chưng chợ Nọ và đưa sản phẩm này trở thành sản phẩm OCOP cung ứng vào chuỗi các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trên toàn quốc nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, thu hút bà con tham gia chế biến; nghiên cứu để sản phẩm gạo mầm từ gạo đỏ Hương Phong; mở rộng diện tích trồng rau hữu cơ và xây dựng chuỗi cung ứng từ các sản phẩm truyền thống tại địa phương như gạo, nếp, đậu xanh, rau, củ, quả, thịt heo để tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường.

Ngoài sự liên kết với Công ty Huế Việt, hiện trên địa bàn thành phố có 3 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC), trong đó có 2 mô hình liên kết với Công ty TNHH TMV Nông nghiệp Quế Lâm để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đó là chăn nuôi heo hữu cơ tại xã Thủy Bằng với quy mô 200 con và trồng lúa gạo đỏ ở xã Hương Phong với diện tích hơn 20ha cho hiệu quả cao.

Hướng đến nền nông nghiệp xanh

Sau gần 1 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính, nhiều địa phương mới sáp nhập có diện tích đất nông nghiệp nhiều nên TP. Huế triển khai nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, phát triển bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cây trồng, vật nuôi. Trong đó, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế từng địa phương để định hướng phát triển nhằm tạo ra các mô hình nông nghiệp xanh, NNHC; mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp tham quan du lịch và liên kết để tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường.

Trưởng phòng Kinh tế TP. Huế, ông Đồng Sĩ Toàn cho rằng: Với định hướng phát triển nông nghiệp theo 3 hướng tiếp cận, đó là nông nghiệp xanh, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thành phố đang liên kết với các DN phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp tham quan du lịch, tạo ra các tour du lịch trải nghiệm. Đồng thời, xây dựng các thương hiệu nổi tiếng giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề.

Theo đó, tại các địa phương như Hương An, Hương Hồ, Phú Thanh, Phú Mậu…, với lợi thế về cây ăn trái và hoa màu, thành phố vận động bà con chuyển đổi diện tích đất kém phát triển sang các mô hình trồng cây trong nhà kính, nhà lưới, các loại hoa màu phù hợp. Đối với diện tích rừng tập trung nhiều ở các xã Hương Thọ, Thủy Bằng, Hương Hồ, ngoài việc phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn, TP. Huế chú trọng đến việc chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị cho bà con. Với lợi thế có biển, đầm phá và vùng nước lợ tập trung tại các xã Hương Phong, Hải Dương, Phú Dương, Thuận An, ngoài việc vận động bà con đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc vào sản xuất các sản phẩm thủy, hải sản, nông nghiệp, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, cơ sở phát triển thương hiệu nhằm quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm vào tiêu thụ ở hệ thống siêu thị; nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ và đầu tư nâng cấp cảng cá Thuận An.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/lien-ket-de-nang-cao-gia-tri-san-pham-a113692.html