Kinh tế Hà Nội sau 15 năm mở rộng và những vấn đề đặt ra

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt kinh tế của Thủ đô đã có sự thay đổi cả về chất và lượng. Tuy nhiên, sau 15 năm, Hà Nội cũng đứng trước nhiều thách thức mới, cần sự vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.

Những con số ấn tượng

So với Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, mặc dù Hà Nội chỉ bằng 21,2% và 1% tương ứng về diện tích nhưng thành phố đóng góp tới 47,46% và 12,59% về GRDP, 52,48% và 17,07% về thu ngân sách nhà nước, 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là một động lực phát triển quan trọng của đất nước. Từ năm 2008 đến nay, kinh tế Thủ đô luôn duy trì tăng trưởng cao hơn và đóng góp tích cực vào tăng trưởng của cả nước.

Tăng trưởng GRDP giai đoạn 2008-2010 đạt 9,68%/năm. Giai đoạn 2011-2022, GRDP bình quân đạt 6,67%/năm, tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước. Quy mô GRDP năm 2022 (theo giá cố định năm 2010) đã đạt 772,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,17 lần so với năm 2010. Thu nhập tính theo GRDP tăng lên, bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng (giá hiện hành) - khoảng 5.950 USD, gấp 1,45 lần cả nước và gấp 3,5 đến 3,8 lần so với năm 2008.

Kinh tế Thủ đô không chỉ tăng về lượng mà còn tăng cả về chất. Cơ cấu các ngành kinh tế, cơ cấu lao động đã có sự chuyển dịch tích cực. Cụ thể, lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng, lĩnh vực nông nghiệp giảm. Nếu như năm 2011, dịch vụ chiếm 63%; công nghiệp - xây dựng chiếm 20%; nông nghiệp chiếm 3,6%; thuế sản phẩm chiếm 13,4% thì đến năm 2022, ngành dịch vụ vẫn chiếm ưu thế với 63,22%; công nghiệp - xây dựng tăng lên 24,04%; nông nghiệp và thuế sản phẩm giảm còn 2,08% và 10,66%.

Tương ứng với cơ cấu này, cơ cấu lao động cũng thay đổi, so với năm 2015, lao động trong ngành dịch vụ và công nghiệp - xây dựng hiện nay đã tăng khoảng 6,5%; tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp giảm từ 19,7% xuống chỉ còn 6,9%. Năng suất lao động cũng được nâng cao. Năm 2022, năng suất của người lao động Thủ đô đã đạt mức 291,3 triệu đồng/người, gấp đến 2,34 lần so với năm 2011.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn sau điều chỉnh địa giới hành chính đã chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt mức tăng trưởng khá. Giai đoạn 2011-2022, công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 8,19%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước (6,67%). Cơ cấu các ngành được điều chỉnh, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao ở một số lĩnh vực như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học...

Hằng năm, thành phố thực hiện lựa chọn, công nhận các sản phẩm công nghiệp chủ lực. Năm 2010, trên địa bàn chỉ có 53 sản phẩm được công nhận, thì đến hết năm 2022, thành phố đã công nhận 196 sản phẩm của 132 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực. Doanh thu các sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt hơn 250.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực thật sự là những doanh nghiệp nòng cốt của ngành công nghiệp Thủ đô.

Khu đô thị Vinhomes Ocean Park Gia Lâm, Hà Nội.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, từ khi mở rộng, thành phố có thêm nhiều nguồn lực để phát triển công nghiệp, nhất là quỹ đất để tạo mặt bằng cho doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp tiếp tục được phát triển với 9 khu công nghiệp, 70 cụm công nghiệp đang hoạt động. Trong 3 năm 2021-2023, đã tổ chức khởi công được 16/43 cụm công nghiệp đã được phê duyệt theo quy hoạch, 27 cụm công nghiệp còn lại đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công và tiếp tục thành lập mới và kêu gọi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp theo quy hoạch. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động, góp phần phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại nội địa (trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ) được chú trọng phát triển. Đến nay, Hà Nội có 3 trung tâm logistics, 2 cảng cạn và đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khác. Quy mô giá trị Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2022 đạt khoảng 698 nghìn tỷ đồng, gấp gần 3,4 lần năm 2010. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt hơn 17 tỷ USD, gấp gần 2,1 lần năm 2010.

Thời điểm hết năm 2008, trên toàn địa bàn chỉ có 10 trung tâm thương mại, 78 siêu thị, 382 chợ... thì nay, thành phố đã phát triển được 29 trung tâm thương mại, 135 siêu thị và 453 chợ; hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi, địa điểm kinh doanh thực phẩm; 415 máy bán hàng tự động... Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hơn 58 tỷ USD, gấp 1,93 lần so với năm 2008 (hơn 30 tỷ USD). Trong đó, nhập siêu từ mức gấp 2,35 lần xuất khẩu năm 2008 giảm còn 1,15 lần 6 tháng đầu năm 2023.

Du lịch cũng được thành phố Hà Nội chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2019, Thủ đô Hà Nội đón 21,92 triệu lượt khách nội địa (gấp 1,9 lần năm 2011), 7,02 triệu lượt khách quốc tế (gấp 3,7 lần năm 2011), chiếm hơn 37% lượng khách quốc tế của cả nước, xứng đáng vai trò trung tâm điều phối du lịch lớn nhất khu vực phía Bắc. Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.

Vượt thách thức, gặt hái thành công

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, tuy đã có những bước phát triển đáng ghi nhận nhưng sự phát triển của Thủ đô vẫn chưa hoàn thành mục tiêu đề ra của các nhiệm kỳ 2011-2015 và 2016-2020. GRDP bình quân đầu người của Hà Nội hiện chỉ bằng khoảng 73% của Quảng Ninh, 84% của Hải Phòng, 82% của Bắc Ninh và thấp hơn nhiều so với một số thủ đô trong khu vực Đông Nam Á.

Thành phố chưa đáp ứng yêu cầu tiên phong, đi đầu trong đổi mới kinh tế. Kinh tế tri thức và kinh tế đô thị phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Việc khai thác các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và các tập đoàn kinh tế lớn chưa hiệu quả. Trên địa bàn chưa có nhiều các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học, kỹ thuật và công nghệ cao.

Nhiều dự án quan trọng, có tác động kinh tế xã hội bị chậm triển khai, kéo dài nhiều năm như dự án Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích; Dự án tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội (tuyến 2) đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá…

Công tác quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, các thị trấn sinh thái, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ, còn gặp nhiều vướng mắc. Không gian sinh hoạt cộng đồng, vui chơi, giải trí còn thiếu, nhất là khu vực nội đô. Đáng nói, ùn tắc giao thông vẫn đang là “vấn nạn” của Thủ đô. Tỷ lệ vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng thấp (dưới 20%). Tính đồng bộ của hệ thống hạ tầng đô thị còn chưa cao; xây dựng hạ tầng giao thông chưa theo kịp tiến độ đô thị hóa và chưa đồng đều ở các khu vực…

Việc sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất, nhất là các cơ sở nhà, đất của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do Trung ương và địa phương khác quản lý trên địa bàn Thủ đô vẫn còn chậm. Ngay sau khi mở rộng địa giới, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng danh mục cụ thể công trình cần di dời, thứ tự di dời theo các giai đoạn trên địa bàn 12 quận nội thành với tổng số gần 120 cơ sở. Nhưng đến nay, chỉ có một đơn vị bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan trung ương quản lý. Công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không phù hợp quy hoạch cũng còn gặp nhiều khó khăn.

Chất lượng môi trường trên địa bàn Thủ đô còn chưa bảo đảm, nhất là ở nhiều khu vực đông dân cư, tập trung sản xuất lớn như các khu công nghiệp, làng nghề.... Nhiều đoạn sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ, Đáy, Cầu Bây... bị ô nhiễm nghiêm trọng. Úng ngập cục bộ tại khu vực nội thành và một số khu vực đô thị hóa nhanh vẫn diễn ra, nhất là khi mưa to kéo dài…

Sản xuất tại Công ty CP Tập đoàn Sunhouse (huyện Quốc Oai). Ảnh: THU TRANG

Như vậy, Thủ đô Hà Nội còn rất nhiều việc cần phải làm để giữ vững và phát huy được vai trò là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước. Hiện nay, Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và các đồ án quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn cũng như các quy hoạch đặc thù khác

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thành phố sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, tài sản công cùng các tiềm năng, lợi thế khác để phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Thành phố sẽ nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư trong và ngoài nước, tập trung vào các chương trình mục tiêu, các dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ cao làm trục xuyên suốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng một số ngành – chuỗi sản phẩm công nghiệp, dịch vụ đặc trung làm trụ cột phát triển. Đồng thời, có cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy giải quyết triệt để các dự án chậm triển khai, nhất là các dự án được phê duyệt từ trước thời điểm Hà Nội điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính.

Trong công tác quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị, Hà Nội sẽ nỗ lực triển khai hiệu quả các quy hoạch như quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; Hoàn thành và triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch Thủ đô Hà Nội, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội sau khi được phê duyệt... Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy nhận định, các đồ án quy hoạch tới đây sẽ đề xuất xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành các đô thị hiện đại, thông minh mang tính dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; hình thành một số cực tăng trưởng mới, khu vực đô thị hình thành theo các tuyến đường mới, góp phần giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm, đưa người dân ra các đô thị xung quanh.

Đánh giá đúng tầm quan trọng của hệ thống giao thông đối với phát triển kinh tế, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối nhanh lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường tỉnh lộ, đường vành đai (đầu tư khép kín 7 tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô). Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng. Phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, thành phố cần tập trung tối đa mọi nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung, xác định đây là khâu đột phá. Trong đó, cần rà soát, lựa chọn danh mục công trình hạ tầng giao thông cấp bách, trọng điểm để tập trung đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác theo từng giai đoạn; đồng thời xây dựng phương án, cơ chế chính sách để đa dạng nguồn vốn thực hiện…

SƠN TRANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/kinh-te-ha-noi-sau-15-nam-mo-rong-va-nhung-van-de-dat-ra-745125