Kinh tế Hà Nội: khởi sắc trong quý I/2024

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, kinh tế Thủ đô tiếp tục duy trì tăng trưởng. TP Hà Nội đã đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển nhanh và bền vững.

Tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực trụ cột

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội tăng 5,5% trong quý I/2024, các ngành duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,77%; khu vực dịch vụ tăng 5,84%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,94%.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra tiến độ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại huyện Thường Tín. Ảnh: Thanh Hải

Về cơ cấu GRDP quý I/2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,09%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,61%; khu vực dịch vụ chiếm 67,99%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 11,31% (cơ cấu GRDP quý I/2023 tương ứng là: 2,07%; 19,57%; 66,26% và 12,10%).

Quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 199,651 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 129.285 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ.

Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (bao gồm du lịch, lữ hành) tăng 19,35%, đóng góp 0,76 điểm phần trăm; bán buôn, bán lẻ tăng 7,33%, đóng góp 0,77 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,2%, đóng góp 0,13 điểm phần trăm; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,52%...

Tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 1,528 triệu lượt, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhờ sự phục hồi kinh tế, nhiều DN đã đầu tư vào địa bàn, trong quý I/2024 có 6.944 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 66.157 tỷ đồng. Tổng số DN đăng ký trên địa bàn TP Hà Nội là 384.299 DN.

Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn. Tỷ lệ đóng góp của Hà Nội vào tổng sản phẩm trong nước (GDP), thu ngân sách của cả nước có chiều hướng tăng lên (đạt 36% dự toán, tăng 3,9% so với cùng kỳ).

Theo Sở KH&ĐT, vốn FDI vào Hà Nội trong 3 tháng đầu năm đạt hơn 950 triệu USD, tăng đột phá gần 500% so với cùng kỳ năm 2023. Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy. Đến ngày 20/3/2024 toàn TP giải ngân đạt 7.019 tỷ đồng (tương đương 8,7% kế hoạch). Hà Nội phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 trên 95%.

Những thành tựu, kết quả của Hà Nội đã góp phần cùng cả nước thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; thúc đẩy hội nhập và đối ngoại; phát triển văn hóa; chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra hoạt động sản xuất tại huyện Thanh Trì tháng 2/2024. Ảnh: Phạm Hùng

Năm 2024 đặt mục tiêu GRDP 6,5-7%

Năm 2024, TP Hà Nội đặt mục tiêu: tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6,5-7%; GRDP bình quân đầu người 160,8-162 triệu đồng. Để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, TP đề nghị các sở, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa, càng khó khăn thì càng phải nỗ lực, chuyển hóa quyết tâm thành hành động. Trong đó, tập trung các biện pháp thúc đẩy 3 trụ cột tăng trưởng: Xuất nhập khẩu, đầu tư công, tiêu dùng.

Tập trung tối đa nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân, thực hiện hiệu quả vốn đầu tư công năm 2024. Hoàn thành nhanh, gọn từng dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình; xử lý hồ sơ, thủ tục thanh, quyết toán theo quy định; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công các dự án mới.

Đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu, dự án nhà ở xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.

Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo định hướng Chương trình phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP.

Đối với kích cầu tiêu dùng, TP đề nghị tập trung quyết liệt cho các hình thức khuyến mại, các biện pháp phát triển du lịch, kích cầu du lịch. TP cũng tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trên mọi lĩnh vực.

Cùng với đó, theo dõi sát diễn biến cung cầu giá cả thị trường; tăng cường công tác quản lý, điểu hành, bình ổn thị trường giá cả, kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và việc bán theo giá niêm yết; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý.

Chủ động dự báo, xây dựng, cập nhật kịch bản điều hành giá và phương án, lộ trình điều chỉnh một số dịch vụ công, dịch vụ y tế, giáo dục theo mức độ và thời điểm phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát…

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại huyện Sóc Sơn tháng 2/2024. Ảnh: Chiến Công

Ưu tiên phát triển kinh tế số

Hà Nội cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, tài sản công cùng các tiềm năng, lợi thế khác để phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam

Hà Nội tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ cao làm trục xuyên suốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phát triển các hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo; không ngừng nâng cao mức đóng góp của TFP và kinh tế số trong GRDP.

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hà Nội đã phát triển một số mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… thu được một số kết quả khả quan.

Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; phát triển dịch vụ logistics và các hệ thống phân phối; hiện đại hóa ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng; phát triển kinh tế đô thị gắn với khai thác các không gian...

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định 5 trụ cột phát triển, trong đó có xã hội số, kinh tế số, đô thị thông minh; mục tiêu đưa kinh tế số chiếm trên 40% GRDP.

Theo Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, chủ đề chung năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số” với trọng tâm là “Quản trị dựa trên dữ liệu số”…

Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển 4 loại hình DN công nghệ số, trong đó tập trung thúc đẩy các DN khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; xây dựng cơ chế đặc thù thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn TP đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương cho biết, năm 2024, HPA và các Sở, ngành đã triển khai thực hiện hàng loạt hoạt động, chương trình xúc tiến cả trong nước và nước ngoài.

Nhiều hoạt động đã được đổi mới, thay đổi phương thức triển khai phù hợp, hiệu quả, hỗ trợ kịp thời cho các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trung tâm cũng xác định các thị trường trọng điểm, gắn kết đồng bộ cả 3 nội dung xúc tiến về đầu tư, thương mại và du lịch trong các sự kiện để sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến (đặc biệt là các hoạt động xúc tiến tại nước ngoài).

Đồng thời, tổ chức xúc tiến đầu tư có chọn lọc theo đúng định hướng ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới; dự án có quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó nhận chuyển giao công nghệ, xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các DN phụ trợ của TP.

Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị, Hà Nội cần phát triển các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Theo đó, cần khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại, lợi thế địa kinh tế của TP thông qua phát triển và vận hành trung tâm lưu chuyển hàng hóa, trung tâm logistics, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thương mại. Khuyến khích kinh doanh dịch vụ hiện đại như: trung tâm thương mại, siêu thị, bán hàng qua mạng, trung tâm tài chính thương mại quốc tế, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao… Đồng thời, tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa; phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị… - TS Bùi Thị Hoàng Lan - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kinh-te-ha-noi-khoi-sac-trong-quy-i-2024.html