Kinh tế Eurozone suy thoái, vì sao?

Hai quý suy giảm liên tiếp đã đẩy nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Kinh tế Eurozone suy giảm hai quý liên tiếp. (Nguồn: Alamy)

Số liệu từ Eurostat - cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (EU) - cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone đã giảm 0,1% trong quý đầu tiên của năm 2023 và ba tháng cuối cùng của năm 2022. Như vậy, kinh tế Eurozone đã thực sự rơi vào suy thoái kỹ thuật khi GDP suy giảm trong hai quý liên tiếp.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã giáng một đòn mạnh vào châu Âu, với giá lương thực tăng cao và tình trạng khan hiếm năng lượng dẫn đến các nhà máy và nhà máy thép phải đóng cửa.

Hiện tại, lạm phát tại Eurozone đang giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Tỷ lệ lạm phát của châu Âu đều cao hơn Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Saudi Arabia. Giá điện đang giảm ở Pháp và Đức nhưng cao hơn so với thời điểm trước đại dịch Covid-19 từ 3 đến 4 lần. Điều này gây ra lực cản đối với GDP của Eurozone.

Trong một báo cáo được công bố gần đây, Ngân hàng Thế giới (IMF) cho biết, hiện đang có một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở châu Âu.

Tờ Wall Street Journal đưa tin, tại Pháp các hộ gia đình đã phải giảm mua thực phẩm hơn 10% kể từ khi chiến tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine, bên cạnh giảm tiêu thụ năng lượng 4,8%.

Tại Đức, doanh số thực phẩm giảm 1,1% trong tháng 3 so với tháng 2 và giảm 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái - mức giảm mạnh nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được thống kê vào năm 1994.

Trung tâm Thông tin nông nghiệp Liên bang Đức cũng cho hay, tiêu thụ thịt ở nước này trong năm 2022 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1989, dù điều này có thể một phần phản ánh xu hướng dịch chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Còn theo một cuộc khảo sát của cơ quan thống kê Anh, khoảng 3/5 trong số 20% hộ gia đình nghèo nhất Anh đã phải cắt giảm việc mua thực phẩm. Tổ chức nghiên cứu Resolution Foundation của Anh ước tính, đến mùa Hè năm nay, giá thực phẩm tăng sẽ khiến tổng chi tiêu cho thực phẩm ở nước này từ năm 2020 tăng thêm 28 tỷ Bảng, tương đương gần 35 tỷ USD.

Các nước trong khu vực đã đối phó với cuộc khủng hoảng nói trên bằng các khoản trợ cấp xã hội như không tăng giá năng lượng, giảm phí giao thông công cộng, áp trần giá điện và khí đốt tự nhiên cho các hộ gia đình, doanh nghiệp.

Thêm vào đó, một số nước châu Âu gồm Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã cắt giảm thuế tiêu thụ đối với các sản phẩm thực phẩm để giảm bớt gánh nặng đối với người tiêu dùng. Một số nước khác thì dựa vào các nhà bán lẻ thực phẩm để giữ giá cả trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, giá cả tăng cao tại cửa hàng tạp hóa, trả lãi nhiều hơn cho các khoản thế chấp và vật lộn để có được mức lương theo kịp với chi phí sinh hoạt là những gì người dân châu Âu đang phải đối mặt. Lạm phát và lãi suất cao ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình và buộc họ phải cắt giảm chi tiêu.

Một số nhà phân tích dự đoán, nền kinh tế châu Âu sẽ tiếp tục suy thoái trong năm nay.

Trong các dự báo mới đưa ra trong tuần này, các tổ chức quốc tế đều đưa ra những nhận định thận trọng về triển vọng của kinh tế Eurozone trong năm nay.

Cụ thể, theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Eurozone sẽ ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế chỉ 0,9% trong năm nay. Ngân hàng Thế giới (World Bank) thận trọng hơn với dự báo là 0,4%.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ tiếp tục một loạt các đợt tăng lãi suất tại cuộc họp ngày 15/6.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm lạm phát - đã giảm xuống 6,1% trong tháng 5/2023 nhưng vẫn cao gấp ba lần mục tiêu 2% của ngân hàng - bởi vì nó gây căng thẳng cho người dân hàng ngày.

(theo Forbes, AP News)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-eurozone-suy-thoai-vi-sao-230311.html