Kinh tế đang đà phục hồi

3 tháng đầu năm 2022, hầu hết ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi, tăng trưởng trở lại. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020.

Xuất khẩu, dịch vụ khởi sắc

“Tăng trưởng GDP vượt mốc 5% và cao hơn cùng kỳ quý I các năm trước. Điều này cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Những nỗ lực của cả hệ thống chính trị để kinh tế không lỡ nhịp với đà phục hồi đã phát huy hiệu quả” - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định tại buổi họp báo sáng 29/3.

Nguồn: Tổng Cục Thống kê

Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông lâm thủy sản tăng 2,45% (đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung). Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38% đóng góp 51,08%. Dịch vụ tăng 4,58% (đóng góp 43,16%).

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, với mức tăng 7,79% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành khai khoáng tăng trưởng dương 1,23% (khai thác than tăng 3,2% và quặng kim loại tăng 5%). Ngành xây dựng tăng 2,57%, thấp hơn tốc độ tăng 6,53% của quý I/2021.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng khởi sắc khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều hoạt động sôi động trở lại. Một số ngành như tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75%; vận tải, kho bãi tăng 7,06%; bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%.

Quý I cũng ghi nhận sự phục hồi của xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2022 ước tính xuất siêu 809 triệu USD. Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 15/3 đạt 359,9 ngàn tỷ đồng, bằng 25,5% dự toán năm.

Tình hình đăng ký DN quý I có nhiều khởi sắc. Số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các DN đang hoạt động tăng 34,5%.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng lưu ý, kinh tế Việt Nam bước sang quý II sẽ đối diện với nhiều khó khăn. Nguyên nhân là Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, trong khi tình hình địa chính trị phức tạp, xung đột Nga - Ukraine vẫn căng thẳng, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, giá cả hàng hóa tăng cao...

Hai kịch bản tăng trưởng

Dựa vào tăng trưởng quý I, Tổng cục Thống kê đưa ra 2 dự báo về tăng trưởng cả năm 2022.

Ở kịch bản thấp, với giả định chiến tranh Nga - Ukraine vẫn căng thẳng, dịch Covid 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, cơ bản hoàn thành phổ cập tiêm chủng... tăng trưởng quý II là 5,5%, quý III là 7,5%, quý IV là 6,1%. Ở kịch bản thấp này, GDP cả năm là 6%.

Với kịch bản cao, giả định xung đột Nga - Ukraine hạ nhiệt trong thời gian tới, hoàn thành phổ cập tiêm diện rộng vaccine mũi 3, hoạt động kinh tế được mở rộng thì tăng trưởng quý II là 6,1%, quý III và IV và giữ nguyên theo kịch bản Nghị quyết 01 (quý III 8%; quý IV 6,7 %) thì GDP cả năm là 6,5%.

“Tổng cục Thống kê kiến nghị giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% như Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 của Chính phủ. GDP quý I đã khả quan. Vẫn còn nhiều dư địa phục hồi các quý tiếp theo” - bà Nguyễn Thị Hương nói.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Tổng cục Thống kê cho rằng cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 128 quy định về thích ứng an toàn; tập trung giải ngân hết vốn đầu tư công. Việt Nam cũng cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, giá cả thị trường, cần liên tục cập nhật các kịch bản lạm phát và theo dõi diễn biến giá những mặt hàng thiết yếu... Bên cạnh đó, cơ quan này nhận định Việt Nam cần thúc đẩy sản xuất trong nước, tự chủ nguồn cung nhiên liệu, đẩy mạnh thị trường nội địa, tháo gỡ rào cản tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước.

Theo Tổng cục Thống kê, việc triển khai các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022 - 2023 để chủ động trong phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi, phát triển bền vững kinh tế - xã hội là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay.

“Theo chúng tôi những gói kích thích kinh tế này phải được triển khai một cách đồng bộ với các chính sách về tài khóa, tiền tệ và công tác quản lý, giám sát phải chặt chẽ. Chính sách hỗ trợ cần sát với thực tiễn, công khai, minh bạch” - Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Ngoài ra, tín dụng của nền kinh tế cũng phải đảm bảo đáp ứng được vốn cho nền kinh tế tăng trưởng; trong đó tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cần kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro và kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Năm nay, khu vực dịch vụ gần như được mở cửa hoàn toàn, nên chắc chắn sẽ tăng cao hơn. Việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngay trong quý I/2022 đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động. Thu nhập người lao động tăng qua đó thúc đẩy tiêu dùng người dân tác động tới tổng cầu kinh tế.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2022, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kinh-te-dang-da-phuc-hoi.html