Kinh tế Bangladesh với những cú sốc nội sinh và ngoại sinh

Tờ The Diplomats đăng bài phân tích của nhà nghiên cứu cao cấp Soumya Bowmick với tựa đề 'Một quỹ đạo khó khăn của kinh tế Bangladesh' nói về những nguy cơ tiềm ẩn đối với nền kinh tế Nam Á này.

Kinh tế Bangladesh gặp nhiều rủi ro do những tác động của tình hình trong và ngoài nước. (Nguồn: thefinancialexpress)

Kinh tế Bangladesh gặp nhiều rủi ro do những tác động của tình hình trong và ngoài nước. (Nguồn: thefinancialexpress)

Bangladesh là một trong số ít nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng 6,94% vào năm 2021 trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bất chấp điều này, những điểm yếu trong các thông số kinh tế vĩ mô khác nhau có thể làm giảm sự tiến bộ liên tục của quốc gia này.

Những mối lo hiện hữu

Ngày nay, Bangladesh phải đối mặt với tác động tổng hợp của việc nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu quần áo may sẵn (RMG) giảm, kiều hối giảm và dự trữ ngoại hối cũng phải giảm để ổn định sự biến động của đồng Taka Bangladesh.

Bên cạnh đó là những lo ngại về sự chênh lệch cung-cầu trên thị trường năng lượng và xu hướng lạm phát trong nước. Những khó khăn đã khiến Bangladesh phải tìm kiếm khoản vay dự phòng trị giá 4,5 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào tháng 7/2022.

Sự khác biệt ngày càng tăng trong cán cân tài khóa của chính phủ, cùng với việc Cán cân thanh toán (BOP) bấp bênh ở Bangladesh đang cần được quan tâm. Hơn nữa, trong khi đất nước đang ghi nhận các thông số phát triển tích cực khác nhau - như Chỉ số phát triển con người (HDI) và Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG) - thì những cú sốc ngoại sinh phát sinh từ đại dịch và cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra đã phơi bày những khó khăn của một đất nước dễ bị tổn thương về kinh tế xã hội.

Giá trị HDI của Bangladesh chứng kiến sự gia tăng liên tục do xu hướng đi lên của các chỉ số như tuổi thọ, Tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người, năm đi học trung bình và năm đi học dự kiến tạo thành chỉ số.

Trong báo cáo HDI năm 2020, Bangladesh xếp thứ 133/189 quốc gia (với số điểm 0,655/1), trong khi trong báo cáo HDI năm 2022 được công bố gần đây, nước này cải thiện lên thứ hạng 129/191 quốc gia (với số điểm 0,661). Điều đó đặt Bangladesh lên trước một số quốc gia Nam Á như Ấn Độ (132), Nepal (143), Pakistan (161) và Afghanistan (180).

Bất bình đẳng thu nhập - vấn đề nan giải

Trong khi đất nước nằm trong nhóm “Phát triển con người trung bình”, vấn đề bất bình đẳng thu nhập vẫn còn lớn, mặc dù tỷ lệ nghèo đói đã giảm trong những năm qua.

Bất bình đẳng thu nhập từ trước đến nay là một mối đe dọa đối với Bangladesh, ngay cả khi quốc gia này đạt được thành tích đáng khen ngợi trong hầu hết các chỉ số kinh tế xã hội khác.

Hệ số Gini của quốc gia này (thước đo sự bất bình đẳng kinh tế) đã tăng từ 0,456 vào năm 2010 lên 0,482 vào năm 2016. Bangladesh cho thấy tình trạng trì trệ rất bất thường về cả thu nhập và bất bình đẳng giàu nghèo trong vài thập kỷ qua.

Kinh tế Bangladesh ghi nhận xu hướng giảm tổng tiết kiệm trong thập kỷ qua - từ mức tương đương 35,9% GNI trong năm 2010 xuống 33,9% GNI vào năm 2020. Điều này có hai ý nghĩa chính. Thứ nhất, khi tiết kiệm thúc đẩy đầu tư, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển, xu hướng giảm sút ở các quốc gia đang phát triển làm giảm khả năng tạo tài sản, sản xuất trong nước và việc làm - do đó làm xấu đi mô hình tăng trưởng trong nền kinh tế.

Thứ hai, nếu tiền tiết kiệm của các hộ gia đình không được phân bổ đầy đủ vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chủ yếu thông qua các dự án cơ sở hạ tầng của chính phủ, thì điều đó làm tăng thêm gánh nặng tài chính do chi tiêu cơ sở hạ tầng không bền vững mà chính phủ Bangladesh đang gánh chịu.

Xét về tính liên tục của các xu hướng phát triển ở Bangladesh, việc giảm thiểu bất bình đẳng hơn nữa nên được coi là trọng tâm chính để làm cho quá trình tăng trưởng trở nên toàn diện hơn, song song với Chương trình nghị sự 2030 về Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc, để “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Công nhân ở các công ty may mặc Bangladesh. (Nguồn: NPR)

Công nhân ở các công ty may mặc Bangladesh. (Nguồn: NPR)

Bangladesh ghi nhận mức tăng chậm nhưng liên tục về tổng điểm SDG từ 59,37/100 vào năm 2016 lên 64,22/100 vào năm 2022, xếp hạng 104/163 quốc gia. Tuy nhiên, hiệu suất trong khu vực Đông và Nam Á vẫn còn thấp - xếp thứ 14/19 quốc gia trong khu vực, chỉ đứng trên Pakistan, Ấn Độ, Lào, Mông Cổ và Campuchia.

Những thách thức đáng kể khác đối với sự phát triển bền vững ở Bangladesh bao gồm việc lồng ghép các cộng đồng ven biển vào kế hoạch quốc gia của chính phủ, dòng tài chính bất hợp pháp và huy động nguồn lực không đủ, đồng thời xây dựng các thể chế dân chủ hơn để đạt được SDG.

Mô hình độc đáo

Tiến bộ của Bangladesh về các chỉ số kinh tế xã hội khác nhau được hỗ trợ bởi sự hiện diện rộng rãi của các tổ chức phi chính phủ (NGO) quy mô lớn và nhỏ, dẫn đến việc cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như vệ sinh và cấp nước ở cấp làng.

Mô hình này giúp phụ nữ tham gia nhiều hơn vào không gian công cộng và hộ gia đình, dẫn đến những cải thiện đáng chú ý về sức khỏe và giáo dục trẻ em cũng như tuổi thọ trung bình. Điều này chắc chắn dẫn đến những tiến bộ trong các mục tiêu phát triển bền vững SDG 3 (Sức khỏe tốt và hạnh phúc), SDG 4 (Giáo dục chất lượng), SDG 5 (Bình đẳng giới) và SDG 6 (Nước sạch và Vệ sinh), cùng mục tiêu khác.

Có thể thấy, Bangladesh đang theo một mô hình phát triển độc đáo. Cách tiếp cận của Bangladesh được đặc trưng bởi vai trò quan trọng của các tổ chức tài chính vi mô trong nước như Grameen và các tổ chức phát triển quốc tế như Ủy ban Tiến bộ Nông thôn Bangladesh (BRAC).

Những tổ chức này nắm quyền sở hữu thiết kế, tài chính và quy mô song song với các yêu cầu và giải pháp của địa phương, giúp đạt kết quả cụ thể hơn trong thời gian dài hơn. Bangladesh cần tiếp tục khai thác lợi thế độc đáo này trong bối cảnh điều kiện kinh tế khó khăn phía trước.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-bangladesh-voi-nhung-cu-soc-noi-sinh-va-ngoai-sinh-213964.html