Kinh nghiệm của địa phương không còn hộ nghèo

Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, các cấp ủy Đảng, chính quyền xã Cao Phong, huyện Sông Lô đã quan tâm chỉ đạo sát sao, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Đến nay, trên địa bàn xã không còn hộ nghèo, đời sống người dân từng bước được nâng cao. Cao Phong trở thành địa phương đi đầu trong toàn tỉnh trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Thực hiện tốt công tác giảm nghèo góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Ảnh: Kim Ly

Thực hiện tốt công tác giảm nghèo góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Ảnh: Kim Ly

Gia đình ông Kiều Kim Tới ở thôn Ngọc Bật là hộ nghèo lâu năm. Chi phí sinh hoạt của cả gia đình gồm 2 vợ chồng và 6 người con chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng.

Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Tới được tạo điều kiện vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Từ nguồn vốn này, gia đình ông quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại, mua dê giống về nuôi. Thu nhập từ mô hình nuôi dê đã giúp gia đình ông Tới từng bước ổn định và vươn lên thoát nghèo vào năm 2018.

Để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo, xã Cao Phong đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo; tạo điều kiện để cán bộ làm công tác giảm nghèo được tham quan, học tập các mô hình giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Hằng năm, xã tiến hành điều tra, rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó, xây dựng kế hoạch giảm nghèo và giao chỉ tiêu, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách giảm nghèo tại các thôn, trong đó, tập trung vào các thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Chính quyền xã thường xuyên quản lý diễn biến hộ nghèo, nắm chắc nguyên nhân dẫn đến nghèo, thiếu hụt các chỉ số của từng hộ để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình, chính sách giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới; giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình ông Kiều Kim Tới ở thôn Ngọc Bật, xã Cao Phong đã đầu tư phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Kim Ly

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình ông Kiều Kim Tới ở thôn Ngọc Bật, xã Cao Phong đã đầu tư phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Kim Ly

Qua đó, phát huy truyền thống đoàn kết, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí , sự chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Chủ tịch UBND xã Cao Phong Trịnh Tuấn Anh cho biết: "Trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chính quyền xã đặc biệt chú trọng tới các giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập; khuyến khích người dân phát triển dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp.

Đến nay, trên địa bàn xã có gần 80% hộ dân phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với mức lương trung bình từ 6-8 triệu đồng, tiêu biểu như Công ty TNHH FWKK Việt Nam, Công ty TNHH Bình Nguyên, Công ty TNHH Gia Khánh…

Trong sản xuất nông nghiệp, xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Hằng năm, chính quyền xã phối hợp với các cơ sở dạy nghề mở 2 lớp đào tạo nghề sơ cấp, ngắn hạn cho người dân; liên kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, doanh nghiệp thông tin kịp thời về các chương trình tuyển chọn, cung ứng lao động, xuất khẩu lao động… cho người dân. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, xã giải quyết việc làm cho khoảng 250 lao động.

Bên cạnh đó, xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ nguồn vốn giúp các hộ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, dư nợ nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt hơn 350 triệu đồng cho 5 hộ nghèo vay và hơn 430 triệu đồng cho 7 hộ cận nghèo vay phát triển sản xuất.

Các cơ chế chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở… được triển khai đồng bộ.

Các hội, đoàn thể của xã tích cực vận động hội viên, người dân giúp đỡ hộ nghèo sửa chữa nhà ở, hỗ trợ ngày công lao động, giống, vốn hoặc chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi.

Với sự nỗ lực vào cuộc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Cao Phong giảm dần qua từng năm.

Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 5,12%, đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 0,13%. Năm 2022, xã Cao Phong không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 65,67 triệu đồng/năm, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Năm 2023, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,69%, hộ cận nghèo còn 1,04%.

Để đạt được mục tiêu này, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo, xã Cao Phong cũng như các địa phương khác trong toàn tỉnh cần tập trung thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh về công tác giảm nghèo; huy động các nguồn lực xã hội hóa góp phần giảm nghèo; hỗ trợ xây dựng mô hình, dự án phát triển sản xuất, kinh doanh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo…

Phương Anh

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/94718//kinh-nghiem-cua-dia-phuong-khong-con-ho-ngheo