Kinh nghiệm chống dịch trong các khu công nghiệp và đề xuất mở cửa kinh tế thời Covid-19: Trường hợp Malaysia (Kỳ I)

Xác định tình hình dịch bệnh kéo dài và rất phức tạp, chính phủ Malaysia đang chuyển mạnh từ chiến lược ngăn chặn sang chiến lược thích ứng và sống chung với Covid-19. Malaysia đã bắt đầu sử dụng cụm từ 'endemic' (bệnh theo mùa) thay vì sử dụng cụm từ 'pandemic' (dịch bệnh truyền nhiễm).

Kỳ I: Chấp nhận Covid-19 tồn tại lâu dài và cần sống chung với dịch bệnh

Malaysia đang thúc đẩy nhanh chiến lược vaccine Covid-19 và hướng tới tiêm chủng cho ít nhất 60% dân số vào cuối năm 2021. (Nguồn: Reuters)

Malaysia hiện đang là một trong những vùng dịch lớn nhất khu vực với tỷ lệ lây nhiễm ở mức rất cao, mỗi ngày Malaysia có thêm khoảng 6.000 ca nhiễm mới. Hệ thống y tế Malaysia từ nhiều tháng nay đã vận hành hết công suất, đặc biệt tỷ lệ sử dụng giường ICU tại nhiều bệnh viện đã đạt mức 100% công suất.

Nguy hiểm hơn, với sự xuất hiện của các biến chủng mới, dịch bệnh đã lây lan rất nhanh, đặc biệt là các trung tâm công nghiệp, kinh tế lớn của Malaysia như Selangor, Kuala Lumpur, Penang và Johor.

Chương trình PIKAS dành riêng cho khối sản xuất

Bên cạnh các biện pháp chống dịch mà chính phủ Malaysia đã áp dụng đồng loạt trên toàn quốc như đóng cửa biên giới, hạn chế nhập cảnh, tạm dừng các chuyến bay đến và từ các nước có ca nhiễm tăng cao (nhất là các nước thuộc khu vực Nam Á), tái áp đặt lệnh hạn chế di chuyển trên toàn quốc, bao gồm cấm tụ tập, cấm đi lại giữa các bang, quận huyện, đóng cửa trường học, làm việc tại nhà, hạn chế các hoạt động xã hội và giải trí, mới đây, chính phủ Malaysia đã triển khai một chương trình đặc biệt, gọi tắt là Chương trình PIKAS để triển khai tiêm chủng dành riêng cho các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp…

Theo đó, trong Quý III/2021, dự kiến chính phủ Malaysia sẽ tiêm cho khoảng 2,25 triệu công nhân trong lĩnh vực chế tạo công nghiệp. Trong tháng 6/2021, giai đoạn thử nghiệm của chương trình PIKAS sẽ tiêm cho 150.000 công nhân tại 4 bang Selangor, Penang, Johor và Sarawak; trung bình mỗi ngày chính phủ sẽ phân bổ khoảng 43.000 liều vaccine để tiêm cho công nhân, dự kiến tăng lên 60.000 liều/ngày trong tháng 7/2021.

Riêng tại bang Selangor sẽ tăng lên 135.000 liều/ngày trong tháng 7/2021 và 165.000 liều/ngày trong tháng 8/2021. Đây là chương trình đối tác công tư và ProtectHealth, một tổ chức phi lợi nhuận thuộc Bộ Y tế Malaysia được giao nhiệm vụ triển khai chương trình PIKAS.

Đến nay đã có khoảng 5.000 công ty đăng ký với hơn 1 triệu công nhân đăng ký tiêm chủng theo 2 hình thức.

Hình thức 1: Tiêm tại các trung tâm tiêm chủng, doanh nghiệp đặt lịch tiêm theo ca, kíp và bố trí xe đưa đón công nhân từ nhà máy hoặc ký túc xá đến thẳng các trung tâm tiêm chủng gần nhất. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (từ 5 – dưới 200 công nhân) được khuyến khích theo hình thức này;

Hình thức 2: Tiêm tại các doanh nghiệp hoặc các địa điểm chỉ định (on-site vaccination). Hình thức này được tiến hành khi chính phủ cho phép tiêm chủng di động và tiêm chủng không dừng (drive-through) tại các khu công nghiệp.

Chương trình tiêm chủng phổ cập toàn quốc của Malaysia là miễn phí, nhưng việc xếp hàng sẽ phải đợi khá lâu. Trong chương trình PIKAS, việc tiêm chủng cho công nhân theo hình thức 1 sẽ có chi phí tiêm là 45 Ringgit/liều x 2 mũi tiêm = 90 Ringgit/người và sẽ do công ty chi trả.

Các hiệp hội và doanh nghiệp được khuyến khích tham gia hỗ trợ cùng chính phủ bằng nhiều hình thức khác nhau như đảm bảo hậu cần, phụ cấp cho nhân viên y tế… Đối với các bệnh viên tư nhân tham gia tiêm chủng, quỹ ProtectHealth của Malaysia sẽ tài trợ 14 Ringgit/mũi tiêm cho công nhân để khuyến khích các bệnh viên tư tham gia đẩy nhanh quá trình tiêm chủng.

Về phía doanh nghiệp, trong giai đoạn đầu, chính phủ Malaysia và các doanh nghiệp khá lúng túng, hầu hết các doanh nghiệp ở Malaysia đều phải tự cứu lấy mình. Biện pháp xử lý chính của các doanh nghiệp là tập trung công nhân ngay tại nhà máy hoặc tại các ký túc xá (hạn chế cho công nhân ra ngoài); doanh nghiệp tự tổ chức đưa đón, thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch SOP (Standard Operating Procedures). Các doanh nghiệp đã tổ chức bếp ăn chung, chia nhỏ các ca làm việc, lập các tổ, đội hậu cần để giúp công nhân cung ứng vật tư, nhu yếu phẩm cần thiết tại các ký túc xá, khu tập thể công nhân và cố gắng đảm bảo các dây chuyền sản xuất hoạt động bình thường; tăng cường giám sát y tế chặt chẽ hơn…

Viện Nghiên cứu Y học lâm sàng Malaysia đang được giao nghiên cứu 1 loại vaccine bản địa và thử nghiệm tiêm trộn hai loại để tăng hiệu quả phòng dịch, trong đó mũi 1 là vaccine Astra Zeneca, mũi là vaccine Pfizer. Malaysia cũng đang nghiên cứu ứng dụng Trung y (y học cổ truyền Trung Quốc) trong hỗ trợ điều trị Covid-19…

Chuyển từ chiến lược Ngăn chặn sang Thích ứng

Do tình hình dịch bệnh kéo dài và rất phức tạp, chính phủ Malaysia đang chuyển mạnh từ chiến lược ngăn chặn sang chiến lược thích ứng và sống chung với Covid-19. Malaysia hiện đã bắt đầu sử dụng cụm từ “endemic” (bệnh theo mùa) thay vì sử dụng cụm từ “pandemic” (dịch bệnh truyền nhiễm).

Về bản chất, việc thúc đẩy chiến lược vaccine và hướng tới tiêm chủng cho ít nhất 60% dân số Malaysia vào cuối năm 2021 thực chất là Malaysia đã chấp nhận Covid-19 sẽ còn tồn tại lâu dài và cần phải sống chung với dịch bệnh này. So sánh với Việt Nam, có thể thấy rõ một số điểm giống và khác nhau như sau:

Một là, mặc dù Việt Nam cũng đang phải hứng chịu làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, mỗi ngày có thêm 300-500 ca nhiễm mới với nguy cơ của các biến chủng mới rất nguy hiểm, nhưng so với Malaysia, tỷ lệ lây nhiễm vẫn tương đối nhỏ trên quy mô dân số. Điểm chung giữa hai nước là mầm bệnh đã vào sâu trong cộng đồng và rất khó có thể xóa triệt để mầm bệnh trong cộng đồng. Thực tiễn tình hình Malaysia cho ta bài học là cần sớm thích ứng và có chiến lược sống chung với dịch bệnh càng sớm càng tốt.

Hai là, Malaysia vẫn tiếp tục phong tỏa đất nước, ngăn chặn từ xa các nguy cơ lây nhiễm, nhất là từ các nước Đông Nam Á (theo kiểu be bờ, đắp đập) nhưng biện pháp này chỉ có tính hỗ trợ, không thể ngăn chặn triệt để các ca bệnh từ bên ngoài.

Malaysia đang đẩy rất mạnh rất quyết liệt chiến lược vaccine, coi đây là cứu cánh duy nhất. Chính phủ Malaysia đã lập một Nhóm đặc trách về tiêm chủng (CITF) và một Ủy ban cấp Nhà nước về đảm bảo nguồn cung (JKJAV). Do việc cung ứng vaccine luôn bị chậm trễ và thiếu về số lượng, trong khi ở trong nước chưa nghiên cứu được vaccine nên CITF và JKJAV có vai trò đặc biệt quan trọng, họ áp sát các nhà sản xuất, chủ động trong khâu chuyên chở và phân phối vaccine nhanh nhất tới các trung tâm tiêm chủng.

Các Đại sứ quán của Malaysia tại nước ngoài có nhiệm vụ tham gia cùng JKJAV để đảm bảo nguồn cung vaccine từ nhà sản xuất và phối hợp để bảo đảm việc chuyên chở được an toàn và về nước đúng hạn.

Tình hình trên đây tại Malaysia cũng cho chúng ta bài học bổ ích về vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và sự cần thiết của việc sớm chuyển sang và đẩy mạnh triển khai chiến lược vaccine.

Ba là, cũng tương tự như ở Việt Nam, Malaysia đẩy mạnh công tác khoanh vùng, việc truy vết được làm rất mạnh, nhưng do mầm bệnh đã lan rộng trong cộng đồng nên hiệu quả công tác khoanh vùng, truy vết không được tốt như ở Việt Nam.

Mặc dù không có tổ dân phố hay công an phường như ở Việt Nam, nhưng bù lại Malaysia đã phát huy vai trò của lực lượng tình nguyện viên (RELA) với khoảng hơn 3 triệu người trên cả nước. Chính phủ Malaysia cũng vừa bắt đầu triển khai hệ thống cảnh báo sớm các cơ sở có nguy cơ trở thành ổ dịch (HIDE) giúp chính phủ thực hiện trước các biện pháp phòng ngừa cũng như giúp người dân có thể tránh di chuyển tới các tụ điểm tiềm tàng. Việc CNTT được ứng dụng tối đa trong việc truy vết, khoanh vùng, gần đây là đặt lịch, nhắc lịch tiêm chủng…

Kỳ cuối: Chuyển sang tình trạng bình thường mới...

(* Tác giả Trần Việt Thái là Đại sứ Việt Nam tại Malaysia)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-nghiem-chong-dich-trong-cac-khu-cong-nghiep-va-de-xuat-mo-cua-kinh-te-thoi-covid-19-truong-hop-malaysia-ky-i-150090.html