Kinh ngạc đường hầm ngăn lũ 2.000 năm vẫn nguyên vẹn

Đường hầm ngăn lũ Vespasiasus Titus ở Thổ Nhĩ Kỳ được xây dựng cách đây 2.000 năm dưới thời đế quốc La Mã, là một công trình kiến trúc vô cùng ấn tượng.

Theo Daily Sabah, đường hầm ngăn lũ Vespasianus Titus nay nằm tại Samandağ, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn ảnh: DS, Wikpedia, Travel)

Đường hầm được xây dựng để ngăn chặn nước lũ mang theo cát và sỏi xuống núi tràn vào bến cảng của thành phố.

Đường hầm Vespasianus Titus được khởi công xây dựng vào năm 69 sau Công nguyên dưới thời Hoàng đế La Mã Vespasian.

Việc xây dựng đường hầm này tiếp tục dưới triều đại của người kế vị khác, trong đó có con trai ông là Titus.

Cuối cùng, đường hầm được hoàn thành dưới thời Antoninus Pius vào thế kỷ thứ hai. Hàng nghìn tù nhân và nô lệ của La Mã đã phải khoét những khối đá khổng lồ để hoàn thành việc xây dựng đường hầm.

Đường hầm dài 1.380m với chiều cao 7m và rộng 6m.

Đường hầm là một phần của hệ thống dẫn nước bao gồm đập, kênh tiếp cận ngắn, đoạn hầm thứ nhất, kênh trung gian ngắn, đoạn hầm thứ hai và kênh xả dài.

Hang Beşikli nằm ngay cạnh đường hầm, chỉ cách đó 100 m. Trong hang có những ngôi mộ từ thời La Mã cổ đại, được cho là của một nhà quý tộc và gia đình ông.

Đường hầm này đã được thêm vào danh sách dự kiến Di sản Thế giới của UNESCO vào ngày 15/4/2014.

Hiện nay, công trình này là điểm tham quan nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ, thu hút nhiều du khách.

Mời độc giả xem thêm video: Chiêm ngưỡng những đường hầm thú vị nhất thế giới

An An (Theo DS)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/the-gioi/kinh-ngac-duong-ham-ngan-lu-2000-nam-van-nguyen-ven-1952840.html