Kinh doanh bền vững để đảm bảo tương lai tốt đẹp cho thế hệ mai sau

Giám đốc điều hành InterCollege (Đan Mạch) cho rằng nhu cầu khởi nghiệp bền vững chưa bao giờ cấp bách như hiện nay khi hành tinh phải đối mặt với sự gia tăng nhiệt độ vào cuối thế kỷ.

Ông Asser Mortensen, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Doanh nghiệp xã hội InterCollege, Đan Mạch. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Ông Asser Mortensen, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Doanh nghiệp xã hội InterCollege, Đan Mạch. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Trong khuôn khổ Global Pathways, một dự án về giáo dục khởi nghiệp lồng ghép giáo dục doanh nhân kinh doanh bền vững (do Liên minh châu Âu tài trợ), ông Asser Mortensen, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Doanh nghiệp xã hội InterCollege (Đan Mạch) đã có chương trình làm việc với Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chia sẻ tại tọa đàm về “Khởi nghiệp và kinh doanh bền vững-Những kinh nghiệm và phương pháp giáo dục khởi nghiệp kinh doanh bền vững đến từ Đan Mạch và bài học cho Việt Nam.”

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có buổi trò chuyện với ông Asser Mortensen về vấn đề này.

Kinh doanh bền vững không chỉ là trách nhiệm

- Thưa ông, các mô hình, dự án kinh doanh bền vững có tiềm năng như thế nào ở thời điểm hiện tại cũng như xu hướng phát triển trong tương lai?

Ông Asser Mortensen: Thế giới đang phát triển nhanh chóng, cùng với đó những thách thức của biến đổi khí hậu và phá hủy môi trường càng trở nên rõ ràng hơn. Theo đó, các mô hình kinh doanh bền vững đã nổi lên như một cách tiếp cận quan trọng để giải quyết những vấn đề này đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia nói riêng và toàn cầu nói chung.

Kinh doanh bền vững là một khái niệm kết hợp sự đổi mới, sự nhạy bén trong kinh doanh và quản lý môi trường, từ đó tạo ra tác động tích cực đến xã hội và hành tinh của chúng ta.

Từ góc độ toàn cầu, nhu cầu khởi nghiệp bền vững chưa bao giờ cấp bách như bây giờ. Theo Ngân hàng Thế giới, hành tinh của chúng ta sẽ phải đối mặt với sự gia tăng nhiệt độ (hơn 2 độ C) vào cuối thế kỷ này, nếu chúng ta không có hành động thiết thực. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở chúng ta “các mô hình kinh doanh truyền thống không còn khả thi.” Vì vậy, chúng ta phải chuyển sang các hoạt động bền vững để đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau.

Ban đầu khái niệm kinh doanh bền vững chỉ tập trung vào tính bền vững về tài chính và kinh tế của các doanh nghiệp. Các hoạt động kinh doanh bền vững được coi là một hành động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, thậm chí là một hành động hầu như chỉ để quảng cáo cho các công ty thương mại.

Trong quá trình kinh doanh, nhiều công ty lớn cũng đã thừa nhận việc khách hàng và chính quyền đã yêu cầu họ phải chứng minh hoạt động sản xuất, kinh doanh không tạo ra bất kỳ tác hại nào về mặt xã hội hoặc môi trường.

Ngày nay, chính sách “không gây hại” đã trở thành xu hướng chủ đạo trong kinh doanh theo tiêu chuẩn của châu Âu (EU). Bên cạnh đó, các công ty đang bắt đầu làm tốt hơn, các hoạt động thương mại của họ không chỉ tập trung vào tiêu chí “không gây hại” mà là thực sự đóng góp tích cực vào việc giảm thiểu những thách thức của xã hội.

Cụ thể, các doanh nghiệp kinh doanh bền vững đã dành nguồn lực để phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các thách thức cấp bách về môi trường đồng thời tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội. Thời điểm này, thế giới dường như đã đạt được sự đồng thuận về vai trò của các doanh nghiệp trong sự phát triển bền vững.

Một nghiên cứu do Global Entrepreneurship Monitor thực hiện năm 2021 cho thấy 62% doanh nhân ở các nước phát triển coi tính bền vững là yếu tố quan trọng trong các quyết định kinh doanh của họ và con số này vẫn đang tăng lên từng ngày.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo đạt mức kỷ lục 303,5 tỷ USD vào năm 2021 và đóng góp hơn một nửa công suất điện toàn cầu. (Ảnh: Vietnam+)

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo đạt mức kỷ lục 303,5 tỷ USD vào năm 2021 và đóng góp hơn một nửa công suất điện toàn cầu. (Ảnh: Vietnam+)

Một ví dụ khác về khởi nghiệp bền vững, khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo đạt mức kỷ lục 303,5 tỷ USD vào năm 2021 và đóng góp hơn một nửa công suất điện toàn cầu. Điều này không chỉ chứng tỏ tiềm năng to lớn của các dự án kinh doanh bền vững mà còn cho thấy nhu cầu thị trường đối với các nguồn năng lượng sạch và tái tạo.

Đi xa hơn nữa, tinh thần kinh doanh bền vững đã vượt ra ngoài những cân nhắc về môi trường. Giờ đây, nó còn bao gồm các khía cạnh xã hội và kinh tế có lợi cho các bên liên quan.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp đang áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững đã ưu tiên thực hành lao động công bằng, sự tham gia của cộng đồng và tính toàn diện về kinh tế. Bằng cách trao quyền cho cộng đồng địa phương và tạo cơ hội việc làm, những doanh nhân này đang thúc đẩy khả năng phục hồi xã hội và giảm bất bình đẳng.

"Bắt tay" tạo môi trường

- Thưa ông, tinh thần đã sẵn sàng song làm thể nào để vượt qua những thách thức, để có thể cụ thể hóa các dự án khởi nghiệp bền vững đi vào thực tiễn và đạt hiệu quả như mong đợi?

Ông Asser Mortensen: Với những doanh nghiệp kinh doanh bền vững, những thách thức sẽ được tư vấn bởi các chuyên gia trong chính công ty hoặc bên ngoài công ty.

Hầu hết các doanh nhân đang tận dụng những tiến bộ trong công nghệ để phát triển các giải pháp đột phá. Chẳng hạn, trí tuệ nhân tạo và máy học (machine learning) đang được sử dụng nhằm tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng, quản lý chất thải và phân bổ tài nguyên. Bằng cách khai thác sức mạnh của công nghệ, các doanh nhân đang cách mạng hóa các ngành công nghiệp và tạo chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực trên quy mô toàn cầu.

Tuy nhiên, hành trình hướng tới khởi nghiệp bền vững có rất nhiều thách thức, từ tiếp cận nguồn vốn đến các rào cản pháp lý và sự phản kháng của thị trường…

Do đó, các Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự phải làm việc cùng nhau để tạo ra một môi trường thuận lợi, nhằm hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động kinh doanh bền vững. Điều này bao gồm thực hiện các chính sách thuận lợi, cung cấp hỗ trợ tài chính và thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan.

Phạm vi dự án Global Pathways là tạo cơ hội cho những người trẻ tuổi, những người muốn bắt đầu công việc kinh doanh đầu tiên của mình. Trên thực tiễn, các công ty càng lớn sẽ càng dễ dàng theo đuổi mô hình kinh doanh bền vững trong khi các start-up sẽ rất khó cạnh tranh trong quá trình kinh doanh này.

Dự án Global Pathways đã đào tạo và cùng các doanh nhân trẻ xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên tư duy bền vững và khát khao trở thành những người chiến thắng trong quá trình chuyển đổi xanh trên thế giới. Trên cơ sở đó, dự án đã tổng hợp và công bố cuốn sách “Sustainable Entreprenuership” và được dịch ra tiếng Việt với nhan đề “Khởi nghiệp kinh doanh bền vững.” Cuốn sách nhằm cung cấp những công cụ, phương pháp tư duy sáng tạo về khởi nghiệp kinh doanh đúc rút từ kinh nghiệm của những doanh nhân và những nhà nghiên cứu trẻ.

Không có công thức chung cho khởi nghiệp

- Bên cạnh những công cụ kỹ thuật, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm về khởi nghiệp kinh doanh bền vững?

Ông Asser Mortensen:Để đưa ra một kinh nghiệm cho một người khởi nghiệp kinh doanh bền vững là yêu cầu hết sức rộng lớn. Trên thực tế, không có một công thức nào có thể áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, với cá nhân tôi thì đó là ý tưởng và cơ hội. Ý tưởng có thể đến trong lúc “đi tắm” hay khi ngồi trong ghế nhà trường. Điều quan trọng là phải biết chớp lấy cơ hội khi bản thân đã đủ nhận biết ý tưởng, cơ hội đó khả thi và nó sẽ có thể trở thành doanh nghiệp.

Hai điều rất quan trọng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp và đặc biệt là phát triển bền vững là mạng lưới hoạt động, mối quan hệ trước quá trình khởi nghiệp và sau đó mở rộng thêm trong quá trình kinh doanh; kiến thức nền tảng và kiến thức chung. Nếu có thể, các bạn trẻ hãy sử dụng thời gian trong ghế nhà trường để tìm hiểu kiến thức chuyên sâu, bởi chắc chắn nó có thể sẽ dùng cho các tính huống sau này.

Hai điều rất quan trọng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp và đặc biệt là phát triển bền vững là mạng lưới hoạt động và kiến thức nền tảng. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Hai điều rất quan trọng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp và đặc biệt là phát triển bền vững là mạng lưới hoạt động và kiến thức nền tảng. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Qua các buổi làm việc với các sinh viên Việt Nam, tôi nhận thấy họ rất nhiệt huyết và thông minh. Khi nhận được các chủ đề cho các dự án khởi nghiệp, các nhóm sinh viên làm việc rất nghiêm túc và có phương pháp tổ chức. Trường đại học có ban giám khảo chia sẻ và đánh giá về ý tưởng kinh doanh cho sinh viên, đây là việc làm hiệu quả và rất thú vị.

Nhưng với kinh nghiệm cá nhân của tôi, quá trình kinh doanh thường rất bất ngờ. Khi vận hành tổ chức của mình, tôi đã nhiều lần bình luận và đánh giá cho các ý tưởng kinh doanh khác nhau. Ở thời điểm đó, nhiều ý tưởng được cho là rất hay và một số ý tưởng vô cùng ngớ ngẩn. Nhưng sau hai năm, một trong số những ý tưởng ngớ ngẩn biến thành một doanh nghiệp lớn mà không ai trong chúng tôi nghĩ đến. Mặt khác, một số những ý tưởng được đánh giá tốt song lại không trở thành hiện thực.

Vì vậy, các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trước tiên phải tự tin vào chính bản thân và có đủ động lực để phát triển ý tưởng của mình. Bởi vì không ai hiểu được những điều gì thực sự sẽ xảy ra trong tương lai. Hơn nữa, nếu bạn không tin vào bản thân mình thì thực sự không có ý tưởng nào thực hiện được cả.

- Hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn loay hoay với việc bước ra thị trường toàn cầu. Ở góc độ của mình, ông có lời khuyên gì?

Ông Asser Mortensen:Nói về việc làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp bước ra thế giới, tôi cho rằng mỗi thị trường có một đặc điểm khác nhau. Do đó, các bạn khởi nghiệp nên tìm hiểu xu hướng, quy chuẩn đạo đức và khả năng có thể đáp ứng và vươn tới những tiêu chí đó.

Tại các quốc gia phát triển, xu hướng tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, một người có thể mua hàng trăm cái áo khác nhau, nhưng hiện nay điều này đang dần thay đổi. Người tiêu dùng có xu hướng mua ít hơn, thay vào đó người ta mua sản phẩm mà thậm chí là có những câu chuyện để tạo lên nó và sẽ trân trọng nó.

Ví dụ, tôi mua một cái gối và biết nó làm bằng chất liệu gì, do những ai làm. Khi sở hữu, tôi thấy trân trọng nó, đến mức, sau khi sử dụng một thời gian và đến lúc phải bỏ đi, nhưng do có mối quan hệ gắn bó, hiểu câu chuyện tạo nên nó, tôi vẫn muốn giữ lại.

Tức là ngày nay, người tiêu dùng mua những sản phẩm có giá trị và hiểu được nguồn gốc tạo nên những giá trị, từ đó sẵn sàng trả tiền ra mua sản phẩm. Như vậy, nhà sản xuất đã tạo những mối quan hệ, những giá trị tình thần lớn cho người tiêu dùng trong quá trình sử dụng sản phẩm, dịch vụ.

- Xin cảm ơn ông./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhu-cau-khoi-nghiep-ben-vung-chua-bao-gio-cap-bach-nhu-hien-nay/873211.vnp