Kính 3.500 USD của Apple khó dùng cho gia đình

Tính năng, đặc điểm của Vision Pro không phù hợp với việc chia sẻ cho người khác. Do vậy, người dùng khó thiết lập chiếc kính cho mục đích dùng chung, kể cả trong một gia đình.

Vision Pro không được thiết kế để chia sẻ giữa nhiều người dùng. Ảnh: PC Mag.

Những trang bị về thiết kế, công năng cùng giá bán cao khiến khách hàng nghĩ rằng kính Vision Pro có thể trở thành món đồ gia dụng để nhiều người dùng chung. Tuy nhiên, giới hạn về vật lý cùng sự cản trở trong phần mềm từ Apple khiến việc chia sẻ chiếc kính không khả thi.

The Verge nhận định đây không chỉ là chiếc máy tính để sử dụng trong cô độc, mà thật sự dành cho một người duy nhất.

“Ảo tưởng” về thiết bị gia đình

Bề ngoài, thiết bị cá nhân của Apple như được thiết kế để chia sẻ cho nhiều người dùng. Ở phiên bản đầu tiên, kích thước cồng kềnh cùng giá bán cao khiến việc đeo chiếc kính trên đầu cả ngày không khả thi. Công dụng rõ ràng nhất của nó là cho tác vụ đặc thù như thiết kế 3D hoặc phục vụ giải trí cá nhân. Chức năng này tương tự một chiếc box TV đa chức năng hay máy console chơi game.

Đây là loại thiết bị thường chỉ cho một người dùng tại thời điểm nhất định, nhưng có xu hướng được mua về hộ gia đình hoặc công ty. Nó cũng thường xuyên được truyền tay để dùng chung.

Dây đeo đơn, dễ tùy chỉnh khiến nhiều người nghĩ Vision Pro là sản phẩm dễ dùng chung. Ảnh: The Verge.

Phần cứng của Vision Pro hỗ trợ mục đích này rất tốt. Không giống như một số dòng kính VR ra mắt trước đây, vòng đeo đơn (Solo Knit Band) của thiết bị có thể được điều chỉnh bằng một nút xoay đơn giản, thay vì phải đổi kích thước qua các lớp băng dán và đai khóa. Quy trình tháo, lắp dây đeo cũng rút ngắn.

Khi dùng Vision Pro, chủ máy cần một miếng đệm nhẹ, vừa khít với mặt. Hãng cung cấp 17 tùy chọn kích cỡ. Người dùng dễ dàng thay đệm khi máy có kết nối nam châm. Tùy chọn đăng nhập sinh trắc học trên kính lại rất đơn giản, khi camera theo dõi được gắn bên trong. Khách hàng chỉ cần đeo lên mặt.

Do vậy, chiếc kính của Apple có tiềm năng trở thành công cụ giải trí cả gia đình có thể sử dụng. Biên tập viên Adi Robertson của The Verge đã tưởng tượng việc có thể chơi game VR/AR trên kính mỗi tối. Sau đó, cô sẽ nhường Vision Pro để chồng mình xem chương trình TV giả lập màn hình lớn.

Nhưng những trải nghiệm như trên khó thành sự thật.

Không được tạo ra để chia sẻ

Vấn đề rõ ràng nhất là máy không hỗ trợ nhiều tài khoản hoặc hồ sơ sử dụng. Táo khuyết cho một người gắn tài khoản cố định với chiếc kính qua AppleID. Đây là điều quen thuộc với sản phẩm của hãng, nhưng lại không giống bất cứ thiết bị phục vụ gia đình khác như Nintendo Switch, PlayStation… Ngay cả Meta Quest cũng hỗ trợ chuyển đổi giữa 4 tài khoản người dùng.

“Chiếc kính này giá 3.500 USD và chỉ có một người trong gia đình có thể sử dụng trọn vẹn nó”, The Verge nhận định.

Hãng chỉ hỗ trợ chế độ khách, không cho tạo nhiều hồ sơ người dùng. Ảnh: PC Mag.

Về mặt kỹ thuật, nếu giao Vision Pro cho một người khác mà không đặt chế độ khách, họ có thể thể tiếp cận mọi dữ liệu riêng tư, gồm cả tin nhắn. Chủ kính có thể đưa kính về không gian làm việc riêng tư, bằng cách giữ nút điều khiển trong 4 giây, nhưng dữ liệu của phiên sẽ bị xóa khi thoát ra. Tính năng Persona khi gọi điện FaceTime hoặc màn hình hiển thị bên ngoài cũng chỉ hỗ trợ một chủ nhân duy nhất.

Do vậy, việc chia sẻ chiếc kính trở nên khó khăn.

Ngoài phần mềm, sản phẩm cũng gặp trở ngại về kết cấu để dùng chung. Nhiều người gặp tình trạng hở sáng khi đeo chiếc kính không được tinh chỉnh phù hợp cho khuôn mặt. Apple cung cấp các miếng đệm mở rộng, với giá 199 USD. Khách hàng có thể mua bằng cách quét FaceID để tạo dữ liệu đặt hàng online. Hoặc họ phải đến tận Apple Store để lấy dữ liệu 3D khuôn mặt và chờ nhận hàng.

Người dùng muốn thử Vision Pro cần chuẩn bị nhiều phụ kiện như đệm mặt, thấu kính chính hãng. Ảnh: CNET.

The Verge cho biết trải nghiệm mua phụ kiện này không thuận tiện khi nhiều cửa hàng thiếu các phiên bản đệm lót phù hợp.

Vấn đề có thể phức tạp hơn với người dùng có tật khúc xạ. Chiếc kính chỉ hỗ trợ phụ kiện theo toa, do Zeiss sản xuất với giá khởi điểm 99 USD. Một cách khác có thể sử dụng trong trường hợp này là kính áp tròng. Trong khi đó, Meta cung cấp một miếng độn để tăng khoảng cách, hỗ trợ đeo kính thường khi dùng máy Quest.

Tuy nhiên, việc kính VR khó dùng chung không chỉ xuất hiện ở Vision Pro. Ở các nước nhiệt đới, trải nghiệm sản phẩm trong thời gian dài gây nóng, đổ nhiều mồ hôi và khó làm sạch. CNET khuyên người dùng nên thay miếng đệm phụ cho người khác khi muốn thử kính để đảm bảo vệ sinh.

Tổng kết, The Verge cho rằng Apple kiên quyết xây dựng mẫu máy “Điện toán Không gian” của mình chỉ cho cá nhân. Do vậy, cả phần cứng, hệ điều hành được phát triển theo triết lý này.

Xuân Sang

Nguồn Znews: https://znews.vn/kinh-3500-usd-cua-apple-kho-dung-cho-gia-dinh-post1460558.html