Kim Tân hôm nay

Là một xã bãi ngang khó khăn, kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp, nhưng được sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhất là từ khi triển thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Kim Tân (huyện Kim Sơn) đã 'thay da, đổi thịt' toàn diện. Hạ tầng giao thông, điện, trường học và nhiều công trình phúc lợi khác được đầu tư nâng cấp. Đời sống của người dân khấm khá, chất lượng cuộc sống nâng lên.

Với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều tuyến đường ở xã Kim Tân được mở rộng, có cây xanh, điện chiếu sáng.

Với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều tuyến đường ở xã Kim Tân được mở rộng, có cây xanh, điện chiếu sáng.

Trong không khí ấm áp của ngày Xuân, chúng tôi có dịp trở lại Kim Tân, trải trong tầm mắt là những cánh đồng lúa xanh ngắt. Đường giao thông nông thôn được đổ bê tông sạch đẹp, rộng rãi, hai bên có điện cao áp, cây xanh, thấp thoáng là những ngôi biệt thự. Trụ sở UBND xã, Nhà văn hóa xã và các công trình phúc lợi khác cũng được cải tạo, xây mới khang trang, kiên cố. Các hoạt động giao thương buôn bán có phần nhộn nhịp, tấp nập hơn.

Tất cả những điều này khác hẳn với ký ức của tôi về Kim Tân vài năm trước với những con đường gồ ghề sỏi đá, điện lưới chập chờn, hàng quán đìu hiu, trường mẫu giáo lúc đó còn phải đi mượn nhà dân và trụ sở HTX để dạy và học.

Ông Trần Anh Bất (xóm 7, Kim Tân) cho biết: "Tôi sinh sống ở đây lâu rồi, chứng kiến bao sự đổi thay của vùng đất này. Từ những ngày đầu đắp đê lấn biển, rồi đến năm 1992 người dân được nhận ruộng, sản xuất từng bước phát triển... Đặc biệt, từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM, mọi thứ khác hẳn, hạ tầng được đầu tư cải tạo, rác thải được thu gom, thanh niên tham gia lao động trong các nhà máy, kinh tế khấm khá, đời sống tinh thần của nhân dân vui vẻ, tiến bộ. Các trường học đều được xây mới khang trang, đạt chuẩn Quốc gia, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong xã".

Sự đổi thay ở Kim Tân hôm nay không chỉ ở diện mạo, mà còn ở chính cuộc sống của mỗi người dân. Vài năm trở về trước, nói đến chuyện phát triển kinh tế, không ít bà con rụt dè, e ngại thì nay khát vọng làm giàu của người dân được khơi dậy mạnh mẽ. Chúng tôi đến thăm trang trại sản xuất gà giống của anh Nguyễn Văn Trọng (xóm 11).

Với diện tích 3ha, hiện trang trại đang nuôi 20 nghìn con gà giống sinh sản, trung bình mỗi ngày cho 7.000 quả trứng, ấp nở được 6.000 con gà giống. Thu nhập của anh Trọng vào khoảng 700 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho 7 lao động địa phương với mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, anh Trọng chia sẻ: Bản thân là một người trẻ, có kiến thức, kỹ thuật lại được sự động viên, tạo điều kiện của chính quyền, hỗ trợ vay vốn của ngân hàng nên vợ chồng tôi quyết tâm gây dựng mô hình này. Mục đích là làm giàu, mặt khác cũng là để cung cấp giống gà tốt cho bà con phát triển chăn nuôi, đồng thời tạo công ăn việc làm cho anh em trong làng.

Được biết, thời gian tới anh Trọng có ý định mở rộng quy mô sản xuất, tiến tới xây dựng chuỗi khép kín từ sản xuất con giống đến chăn nuôi gà thương phẩm và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục đến thăm mô hình sản xuất khung đan lát bèo, cói của gia đình anh Vũ Văn Chiến cũng ở xóm 11.

Anh Chiến cho biết: Nhận thấy nghề đan cói, bèo bồng ngày càng phát triển kéo theo đó là nhu cầu về khung để đan các sản phẩm này tăng cao. Do vậy, tôi đã mở xưởng cơ khí để anh em trong xã có công ăn việc làm, không phải đi xa. Hiện chúng tôi đang có 40 lao động, mỗi ngày sản xuất ra 5-7 nghìn sản phẩm, doanh thu 1 năm khoảng 1,5 tỷ đồng. Tôi tin rằng với sự cần cù, chịu khó, chăm chỉ, những người trẻ như chúng tôi sẽ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Ông Vũ Đình Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Tân cho biết: Xác định nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là trọng tâm, cấp ủy, chính quyền xã đã thực hiện quy hoạch lại sản xuất, khuyến khích người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Hiện nay, phần lớn diện tích lúa của Kim Tân được gieo cấy bằng các giống lúa chất lượng cao, lúa nếp đem lại giá trị thương phẩm lớn.

Ngoài ra, một số khu vực cấy lúa kém hiệu quả đã được bà con chuyển sang mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hoặc chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả, trồng hoa huệ, hoa cúc… cho giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, bà con trong xã còn tận dụng lúc nông nhàn phát triển sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp; chế biến cói; bèo bồng; hàng thủ công mỹ nghệ. Nhiều tổ hợp may xuất khẩu; dịch vụ cơ khí nhỏ; chế biến lương thực, thực phẩm và các nghề phụ khác cũng đã được hình thành, thu hút hàng trăm lao động. Hiện nay, ở xã đã có 3 tổ hợp may, 48 tổ sản xuất cơ khí sửa chữa nhỏ, mộc nề dân dụng, 25 tàu thuyền vận tải,...

Dù thời gian qua dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sản xuất của người dân, thế nhưng với sự linh hoạt trong phát triển kinh tế, kết thúc năm 2021 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 44,8 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,63%, tỷ lệ lao động có việc làm đạt cao. So sánh, đối chiếu với 19 tiêu chí của xã NTM, đến nay Kim Tân đã cơ bản hoàn thành 17/19 tiêu chí.

Ông Vũ Đình Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Tân cho biết thêm, với 2 tiêu chí chưa đạt là trường học và cơ sở vật chất văn hóa, chúng tôi đã lên phương án thực hiện cụ thể. Theo đó, sẽ huy động nguồn vốn đấu giá quyền sử dụng đất và nguồn ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ để xây dựng Trường Mầm non Khu B, đồng thời xây bổ sung phòng học, nhà đa năng cho Trường Trung học cơ sở Kim Tân để đạt chuẩn về cơ sở vật chất trường học.

Về tiêu chí văn hóa, hiện nay còn vướng xóm 7 chưa có nhà văn hóa, xã đã bố trí quỹ đất, Ban công tác mặt trận xóm 7 đang huy động nguồn vốn trong nhân dân để sớm khởi công xây dựng trong quý I này. Cùng với khí thế thi đua sôi nổi của cả tỉnh chào mừng kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh, Kim Tân phấn đấu đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận xã đạt chuẩn NTM trong tháng 6/2022.

Bài, ảnh: NGUYỄN LỰU

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/kim-tan-hom-nay/d2022031708244169.htm