Kiểu người luôn ám ảnh với sự hoàn hảo

Sợ bị chỉ trích, mắc lỗi hoặc đặt ra những mục tiêu phi thực tế cho cuộc sống..., đó là dấu hiệu của những người đang ám ảnh về sự hoàn hảo.

 Nhiều người thường xuyên đối diện với nỗi sợ bản thân không hoàn hảo. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

Nhiều người thường xuyên đối diện với nỗi sợ bản thân không hoàn hảo. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

Chẳng có gì bất thường nếu đôi khi chúng ta mang suy nghĩ: "Thật tệ hại, tôi lại làm sai mất rồi" hoặc "Tôi làm mãi công việc này mà vẫn chưa đủ giỏi như người ta"...

Tuy nhiên, tình hình sẽ trở nên tiêu cực nếu trong đầu ta luôn thường trực tâm lý tự thất vọng, so sánh và sợ hãi thất bại. Aimee Daramus, nhà tâm lý học, tác giả cuốn sách Understanding Bipolar Disorder (tạm dịch: Hiểu biết về rối loạn lưỡng cực), cho biết đây chính là những biểu hiện dễ thấy nhất của atelophobia - hội chứng tâm lý ám ảnh với việc mình không hoàn hảo.

Very Well Mind làm việc cùng Daramus để chỉ ra nguyên nhân, tác động của hội chứng này đối với cuộc sống con người.

 Người mắc hội chứng atelophobia thường đánh giá bản thân gay gắt, không chịu được sự chỉ trích. Ảnh minh họa: Yan Krukau/Pexels.

Người mắc hội chứng atelophobia thường đánh giá bản thân gay gắt, không chịu được sự chỉ trích. Ảnh minh họa: Yan Krukau/Pexels.

Nhận biết

Không khó để nhận ra một người bị ám ảnh với sự hoàn hảo:

- Đặt mục tiêu không thực tế: Những người mắc hội chứng atelophobia thường đặt ra cho mình những tiêu chuẩn quá cao và mục tiêu phi thực tế. Họ khó lòng thỏa mãn nếu chỉ gặt hái thành tựu nhỏ hơn, thậm chí có xu hướng từ chối kết giao với những người được cho không cùng địa vị.

- Đánh giá bản thân một cách gay gắt: Khi không thể đạt được mục tiêu đề ra, những người ám ảnh với sự hoàn hảo sẽ chỉ trích, đánh giá bản thân gay gắt, tự thất vọng trong suốt thời gian dài.

- Không chịu được sự chỉ trích: Họ cũng sẽ không thể chịu được những lời phê bình dù là nhỏ nhất. Ngay cả những phản hồi mang tính chất xây dựng cũng trở thành một cuộc tấn công với họ.

- Không dám đối diện: Những người mắc hội chứng atelophobia thường căng thẳng, hoảng sợ khi nghĩ tới hoặc gặp phải những tình huống bất ngờ mà mình chưa có cách xử lý. Lúc này, họ có thể xuất hiện các triệu chứng lo âu như khó thở, buồn nôn, chóng mặt, run rẩy, đổ mồ hôi...

- Đay nghiến quá khứ: Họ luôn bị ám ảnh về những sai lầm trong quá khứ và trở nên khó chịu khi nghĩ về chúng.

 Có nhiều lý do để khiến một người sợ mắc sai lầm. Ảnh minh họa: Vladimir Gladkov/Pexels.

Có nhiều lý do để khiến một người sợ mắc sai lầm. Ảnh minh họa: Vladimir Gladkov/Pexels.

Nguyên nhân

Theo tiến sĩ Daramus, có một số nguyên nhân tiềm ẩn gây ra hội chứng atelophobia:

- Chấn thương tâm lý: Nếu một người từng đau buồn sâu sắc vì sai lầm của mình trong quá khứ, mang vết thương tâm lý chưa lành, họ sẽ luôn sợ mình có thể làm sai một lần nữa.

- Giáo dục: Những người được nuôi dạy trong gia đình có bố mẹ quá cầu toàn, nghiêm khắc sẽ có xu hướng sợ mình không hoàn hảo.

- Yếu tố di truyền: Theo các bác sĩ, di truyền cũng là một yếu tố khiến nhiều người mắc hội chứng atelophobia. Nếu người thân như bố, mẹ, anh chị của họ bị ám ảnh về việc không hoàn hảo, xu hướng này có thể kéo dài đến những thế hệ tiếp theo trong gia đình.

- Tình huống độc hại: Nếu từng bị đưa vào những tình huống khó xử, chỉ trích độc hại khi mắc sai lầm, một người có thể mang tâm lý ám ảnh và dần hình thành nên nỗi sợ làm sai.

 Những người cầu toàn có xu hướng phấn đấu cho sự hoàn hảo, những mục tiêu cá nhân. Ảnh minh họa: Liza Summer/Pexels.

Những người cầu toàn có xu hướng phấn đấu cho sự hoàn hảo, những mục tiêu cá nhân. Ảnh minh họa: Liza Summer/Pexels.

Atelophobia có giống với cầu toàn?

Những người mắc hội chứng atelophobia thường được đánh đồng với kiểu người mang tính cách cầu toàn, song giữa họ vẫn có một số khác biệt như sau:

- Người mắc hội chứng atelophobia là người sợ phạm sai lầm hoặc sự không hoàn hảo, hành động của họ chủ yếu được thúc đẩy vì nỗi sợ thất bại. Các dấu hiệu về thể chất và cảm xúc của họ thể hiện rõ như lo lắng, bất an gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động hàng ngày.

- Trong khi đó, những người cầu toàn có xu hướng phấn đấu cho sự hoàn hảo, mục tiêu cá nhân. Những hành động của họ được thúc đẩy nhờ tâm lý thích chinh phục. Khi thể trạng tinh thần thoải mái, có những mục tiêu thực tế, họ không gặp phải các vấn đề suy nhược như người mắc hội chứng atelophobia.

 Chia sẻ về nỗi sợ là cách để ta vượt qua chúng. Ảnh minh họa: Yan Krukau/Pexels.

Chia sẻ về nỗi sợ là cách để ta vượt qua chúng. Ảnh minh họa: Yan Krukau/Pexels.

Đối phó với nỗi sợ

Nỗi sợ không hoàn hảo sẽ khiến chúng ta gặp những cản trở trong công việc, cuộc sống. Tiến sĩ Daramus cho rằng có một số chiến lược sẽ giúp đối phó với hội chứng này.

- Làm quen với việc phạm sai lầm: Theo chuyên gia, việc từ từ, nhẹ nhàng làm quen với việc phạm sai lầm là cực kỳ quan trọng. Hãy bắt đầu bằng cách để bản thân mắc những sai lầm nhỏ không để lại hậu quả, tập cho bộ não thói quen chấp nhận việc ai cũng sẽ có những sai sót.

- Tìm cách giúp bản thân bình tĩnh: Thiền định, luyện tập thể thao, yoga, nghe nhạc thư giãn, xem bộ phim yêu thích... là cách giúp ta xoa dịu những thôi thúc trong đầu về sự hoàn hảo.

- Xây dựng hệ thống hỗ trợ: Ta có thể tự tạo ra một hệ thống hỗ trợ cho chính mình bao gồm gia đình, bạn bè hay thậm chí là bác sĩ tâm lý. Từ đó, chúng ta có thể chia sẻ nỗi sợ hãi của mình với những người xung quanh. Họ sẽ giúp ta nhận ra những giá trị về mặt cảm xúc, tình yêu, sự quan tâm không phụ thuộc vào sự hoàn hảo.

Mỹ Mỹ

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/kieu-nguoi-luon-am-anh-voi-su-hoan-hao-post1439485.html