Kiểu gia đình nào gây tổn thương cho trẻ?

Môi trường gia đình gốc gây tổn thương cho đứa trẻ bên trong ở thời thơ ấu được chia làm ba loại: kiểm soát, không tròn trách nhiệm và ngược đãi.

Làm thế nào để nhận ra những tổn thương thời thơ ấu của đứa trẻ bên trong chúng ta?

Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu kiểu gia đình gốc của mình, phân tích ảnh hưởng của nó đối với quá trình trưởng thành của chúng ta, tìm ra những vết thương của đứa trẻ thời thơ ấu, từ đó nhận thức bản thân mình một cách sâu sắc.

Nicole Lepera đã định nghĩa đứa trẻ bên trong và tổn thương của đứa trẻ bên trong trong cuốn Năng lực tự chữa lành như sau: Đứa trẻ bên trong (inner child) là phần tiềm thức của tâm hồn, là những nhu cầu chưa được đáp ứng, là phương tiện truyền tải cảm xúc, sáng tạo, trực giác và niềm vui thời thơ ấu bị kìm nén.

Tổn thương của đứa trẻ bên trong (inner child wounds) đề cập đến các biểu hiện của những trải nghiệm đau đớn chưa được đáp ứng về nhu cầu thể xác, cảm xúc và tinh thần của thời thơ ấu (được nhìn thấy, được nghe thấy, được thể hiện chân thật) đang mang vào cuộc sống trưởng thành.

Môi trường gia đình gốc gây tổn thương cho đứa trẻ bên trong ở thời thơ ấu được chia làm ba loại: kiểm soát, không tròn trách nhiệm và ngược đãi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Elina Fairytale/Pexels.

1. Kiểu kiểm soát: Cha mẹ kiểu kiểm soát thường biểu hiện theo hai cách: kiểm soát gián tiếp và kiểm soát trực tiếp. Cha mẹ kiểm soát gián tiếp sẽ ngụy trang việc kiểm soát dưới dạng quan tâm. Những câu nói thường gặp là “Tất cả là vì tốt cho con”, “Cha mẹ làm tất cả vì con”, “Bởi vì cha mẹ yêu con rất nhiều”...

Thực ra, tất cả chỉ có một ý nghĩa - “Ba mẹ làm điều này bởi vì sợ mất đi con, nên thà để con sống trong đau khổ còn hơn.” Kiểm soát trực tiếp thường bao gồm những lời đe dọa, uy hiếp, sỉ nhục, những người cha mẹ đó luôn phủ nhận cảm nhận chân thật của con và muốn lợi dụng con để “được sống lại một lần” hoặc uốn nắn con theo ý mình.

Ở góc độ Tâm lý học, những bậc cha mẹ thích kiểm soát con mình thực chất là người chưa trưởng thành về mặt cảm xúc. Phải hiểu rằng, những bậc cha mẹ trưởng thành về mặt cảm xúc và đầy tự tin sẽ không cần phải tìm kiếm cảm giác thành tựu qua việc kiểm soát con mình.

Cha mẹ kiểu kiểm soát sẽ tạo áp lực cho con cái, hủy hoại cảm xúc của con, khiến chúng trở nên rụt rè, áy náy để dễ dàng kiểm soát. Thông thường, con cái chỉ có hai con đường để chọn: đầu hàng hoặc nổi loạn. Tuy nhiên, hai loại lựa chọn này đều không có lợi cho việc giải tỏa tâm lý.

2. Kiểu không tròn trách nhiệm: Người làm cha mẹ không chỉ đơn giản là mang một sự sống đến với thế giới này, mà còn phải gánh vác những trách nhiệm và nghĩa vụ tương ứng, như vậy mới xứng đáng với ba chữ đấng sinh thành.

Môi trường gia đình kiểu này có thể do bố mẹ ly hôn, mất sớm, bỏ rơi con cái. Nói tóm lại là bố mẹ thường vắng mặt trong suốt quá trình trưởng thành của con cái. Trong môi trường gia đình như thế, trẻ thiếu tình yêu thương và sự quan tâm, bố mẹ không chịu lắng nghe hoặc nhìn nhận con mình. Thậm chí đôi khi đứa trẻ tự làm tổn thương bản thân hoặc dùng một số “hành động” cực đoan để thể hiện nhu cầu của mình, kết quả là trẻ càng trở nên quái gở, ẩn giấu khao khát của bản thân.

3. Kiểu ngược đãi. Bao gồm bạo hành thể xác, bạo hành ngôn ngữ và xâm hại tình dục.

Các cuộc điều tra liên quan cho thấy, có 69,8% trẻ em Trung Quốc bị cha mẹ đánh đập. Nếu để leo thang đến mức thành bạo hành thể xác thì sẽ có khá nhiều nạn nhân nghiêm trọng. Nhưng xét về cơ bản, đánh con chẳng qua là vì bố mẹ muốn giải tỏa cảm xúc, bởi vì khi giận dữ, bố mẹ đã trở thành nô lệ cho cảm xúc, đánh chửi vào lúc này thường bỏ qua nguyên nhân thực sự khiến trẻ phạm sai lầm, cho nên không có bất kỳ giá trị giáo dục nào, ngược lại trẻ sẽ càng ngày càng nổi loạn, tâm lý càng ngày càng nhạy cảm.

Ceci Từ Vũ/Nanubooks & NXB Phụ Nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://znews.vn/kieu-gia-dinh-nao-gay-ton-thuong-cho-tre-post1469884.html