Kiều bào trở về xây dựng quê hương

Trong những thành tựu chung của đất nước những năm qua có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng hơn 5 triệu kiều bào ta đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Dù ở đâu, làm gì, bà con cũng luôn một lòng hướng về quê hương, là một bộ phận máu thịt không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày càng có nhiều tri thức Việt kiều tâm huyết trở về nước xây dựng quê hương.

Xây dựng bằng trí tuệ người Việt Nam

Là Việt kiều trở về từ Nhật Bản, TS Nguyễn Trí Dũng được biết đến với nhiều đóng góp quan trọng trong việc tạo cầu nối cho những chuyến tìm hiểu thị trường, xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp hai nước Việt - Nhật. Ông Dũng sinh năm 1948 tại Sài Gòn. Năm 19 tuổi, ông đi du học tại Nhật Bản và tốt nghiệp Đại học Hitotsubashi ngành Quản lý công học Ban Phó tiến sĩ, sau đó tốt nghiệp Đại học Tsukuba ngành kế lượng kế hoạch Ban Tiến sĩ.

Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông được Chính phủ Việt Nam mời về thăm quê hương bàn việc kiến thiết đất nước. TS Dũng chia sẻ, đây là cơ hội tốt để những người xa quê thể hiện tình yêu và trách nhiệm với quê hương của mình. Từ đó đến nay, ông đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng ở các tổ chức trong nước cũng như quốc tế như: Chủ tịch sáng lập Hiệp hội doanh nghiệp Việt kiều, Phó chủ tịch thường trực Câu lạc bộ hợp tác Việt - Nhật (JAVIP), nhiều năm đảm nhiệm vị trí chuyên viên phát triển kinh tế của Liên hợp quốc UNCRD…

Với mong muốn góp phần xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, sánh vai với các nước phát triển của khu vực cũng như thế giới, hàng thập kỷ qua, ông tích cực tham gia xây dựng đề án "Giấc mơ Việt Nam", kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cùng thảo luận đưa ra giải pháp phát triển đất nước cũng như hình thành ban đầu nhóm hành động xây dựng các dự án.

Ông tâm sự, nhiều năm học tập và làm việc tại Nhật Bản, hiểu được tại sao nước Nhật phát triển thần kỳ như thế. “Đó là truyền thống tự lực, tự cường của dân tộc ở mức cao, hầu hết công dân nước bạn họ ý thức được mình xuất phát điểm từ điều kiện khó khăn nên ai cũng ý thức để vươn lên. Từ đó tạo được nền tảng phát triển bền vững” - ông Dũng lý giải.

Năm 1988, ông Dũng cho ra đời Trường Doanh thương Trí Dũng, cơ sở tư thục đào tạo thực vụ về kinh tế, quản trị kinh doanh thương mại tại Việt Nam. Hiện nay, ông Dũng là Chủ tịch Mạng lưới hợp tác quốc tế vì phát triển, với hy vọng có thể giúp đỡ quê hương, trong đó có việc thu hút các nhà khoa học quốc tế tới Việt Nam.

Trong giai đoạn khó khăn sau chiến tranh ông đã vận động nhân dân Nhật Bản gửi tặng Việt Nam hàng nghìn máy may thông qua Hội Phụ nữ Việt Nam ở nhiều tỉnh, thành; vận động hàng trăm xe đẩy cho các bệnh viện và những gia đình liệt sĩ ở cả hai miền Bắc - Nam. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia các hoạt động thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thành phố Việt Nam với các thành phố khác trên thế giới, đặc biệt mối quan hệ giữa TPHCM và các thành phố của Nhật Bản như: Tokyo, Yokohama, Kawasaki, Nagoya, Kobe, Hiroshima, Sendai…

“Không ít người Việt, dù ở trong nước hay đang ở nước ngoài, dù không nói ra nhưng nhiều người cũng nhen nhóm một ước mơ làm điều gì đó để xây dựng quê hương, đất nước. Và chúng ta không thể xây dựng đất nước chỉ bằng tiền bạc, mà phải bằng trí tuệ con người Việt Nam, bằng bản sắc của dân tộc mình” - ông Dũng nhấn mạnh.

Nặng lòng với quê hương

Cách đây hơn nửa thế kỷ, ông Huỳnh Hữu Tuệ đi du học tại Canada rồi ở lại nước sở tại làm việc. Năm 1969, ông trở thành giáo sư giảng dạy tại trường Đại học Laval (bang Quebec, Canada), ông lập gia đình với bà Carole - một phụ nữ bản xứ hiền hậu, họ có với nhau hai người con. Cuộc sống ở Canada khá ổn định nhưng trong lòng ông lúc nào cũng nặng lòng với quê hương, nhất là Cố đô Huế, nơi dòng họ Huỳnh Hữu của ông được nhiều người biết đến như một dòng dõi nho gia yêu nước.

Sau nhiều năm xa xứ, ông Tuệ đã trở về Việt Nam. Với khả năng và tâm huyết, ông nghĩ mình có thể đóng góp phần nào cho quê hương và từ đó, ông khởi đầu một hành trình dạy học rất đặc biệt.

GS Huỳnh Hữu Tuệ tham gia giảng dạy ở Đại học Bách khoa về môn điều khiển ngẫu nhiên, Đại học Huế về chuỗi ngẫu nhiên và các trường Đại học ở TPHCM những năm 1980 về mạng cục bộ. Mỗi năm trung bình ông nhận lời giảng dạy cho khoảng 10 trường đại học tại Việt Nam.

Tháng 6/2005, GS Huỳnh Hữu Tuệ được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm bộ môn Xử lý thông tin, thuộc Trường Đại học công nghệ, Đại học Quốc Gia Hà Nội. Ông tâm sự: “Tôi quyết định về lâu dài với trường này cũng vì các em sinh viên. Nhiều em xuất sắc, rất ham học và có khát vọng lớn nhưng thiếu người hướng dẫn, không có điều kiện đi du học. Tôi cố gắng đem khoa học về cho các bạn trẻ và hướng dẫn họ nghiên cứu hình thành tư duy độc lập, với hy vọng là các em sẽ trở thành những nhà khoa học lớn, ngang hàng với các nước”.

Thương sinh viên Việt Nam thiếu sách vở nghiên cứu nên lần nào ông về nước cũng cố gắng “cõng” theo rất nhiều sách. Thống kê sơ bộ, từ năm 1997, ông đã đưa về trong nước trên 1.000 cuốn sách quý. Mỗi tuần như thế, ông làm việc trung bình 70 giờ. Ngoài việc giảng dạy tại lớp, ông còn đi giảng thêm cho sinh viên hoặc nói chuyện với các bạn trẻ về vấn đề học tập.

Ngày 9/2/2023, GS Huỳnh Hữu Tuệ qua đời tại Montreál, Canada, hưởng thọ 80 tuổi. Mặc dù đã đi xa nhưng vị giáo sư đáng kính đã để lại cho thế hệ mai sau một kho tàng trí tuệ đồ sộ, đặc biệt là tình yêu quê hương, đất nước. Nhiều người vẫn còn nhớ câu nói nổi tiếng của ông và câu nói đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều lớp trẻ, rằng: “Nếu tôi làm được, sẽ có nhiều người làm được và chắc chắn sẽ còn rất nhiều người như tôi”.

Giúp người dân làm giàu

Khác với GS Huỳnh Hữu Tuệ, vợ chồng chị Hồ Thị Dự và anh Cheng Chinh Chi (người dân quen gọi là A Sị, người Đài Loan, Trung Quốc) ở xã An Thạnh 1, huyện Cù lao Dung, tỉnh Sóc Trăng tự làm giàu và giúp nhiều nông dân vươn lên từ cây xoài ghép. Kể về mối lương duyên của mình, A Sị cho biết, anh sinh 1955, đầu năm 1990 khi sang Việt Nam thực hiện một số công trình ở Sóc Trăng, anh gặp cô thôn nữ Hồ Thị Dự. Đến năm 1994, họ làm đám cưới rồi cả hai về quê chồng sinh sống.

Năm 2003, cả xã An Thạnh 1 bất ngờ khi cả hai vợ chồng chị Dự về lại, thuê đất trồng xoài. Hơn một năm sau, họ mang về “một đống củi” (thực ra đó là những mầm cây), làm nhiều người dân không khỏi nghi ngờ về sự thành công của nó. Chừng một tháng sau, người dân ngạc nhiên với kết quả 2 ha xoài ghép của chị Dự đạt tỷ lệ mầm sống gần 100%, các nhánh đều cho ra lá xanh um tùm.

Sau thời gian thử nghiệm thành công với kiểu ghép mầm, vợ chồng chị Dự thuê thêm đất và tăng diện tích trồng xoài lên 7 ha. Giữa năm 2005, vợ chồng chị thu hoạch đợt xoài đầu tiên được gần chục tấn, giá bán 25.000 đồng/kg. Đến nay, với 7ha xoài ghép, mỗi năm vợ chồng chị thu hoạch hơn 100 tấn xoài, trừ chi phí ra, lãi trên 1 tỷ đồng.

A Sị chia sẻ, thực ra mức thu nhập này đối với vợ chồng anh không lớn nhưng điều vui nhất là anh em bên vợ, và nhiều người dân nơi đây ai cũng chuyển qua trồng giống xoài này nên không còn nghèo nữa.

Ông Lê Hoài Thanh, Phó bí thư Đảng ủy xã An Thạnh 1 chia sẻ, vợ chồng chị Dự không chỉ là nông dân giỏi mà còn đóng góp nhiều cho địa phương, từ việc tạo công ăn việc làm tới việc truyền nghề trong trồng trọt. Có lúc địa phương chưa đến vận động, cả hai đã chủ động tới xã hỏi xem có đóng góp làm cầu, làm đường gì không rồi tự nguyện đóng góp.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo, nguồn kiều hối về Việt Nam năm 2023 ước đạt 14 tỷ USD, trong đó riêng TPHCM khoảng 7 tỷ USD. World Bank nhận định, lượng kiều hối vẫn ở mức cao, góp phần hỗ trợ tài khoản có thặng dư cho Việt Nam.

Quốc Định

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kieu-bao-tro-ve-xay-dung-que-huong-10260255.html