Kiều bào mở cơ hội xuất khẩu cho HTX

Nhiều nông sản quen thuộc ở Việt Nam và tưởng chừng ít có giá trị như lá chanh, lá dong... nhưng lại là mặt hàng được nhiều người ưa chuộng tại nước ngoài và bán có giá cao hơn nhiều lần so với ở Việt Nam. Điều này là nhờ bà con kiều bào đang hỗ trợ rất tốt trong việc đưa những nông sản này xuất khẩu.

Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi 5 quả khế chua của Việt Nam được bán ở Nhật Bản với giá thấp nhất là gần 300.000 đồng, hạt mít Việt Nam bán qua Nhật với giá hơn 200.000 đồng/kg. Lá tre Việt Nam cũng được xuất qua Đài Loan và bán với giá khoảng 50.000 đồng/kg khô.

Cầu nối xuất khẩu

Những nông sản này xuất ra nước ngoài không chỉ phục vụ cho người nước ngoài mà còn phục vụ cho chính cộng đồng người Việt tại các nước. Bà Huỳnh Thị Thu Thủy, Giám đốc HTX chế biến nông sản thực phẩm Bà Ba Hội (Quảng Nam) cho biết, các sản phẩm của HTX như bánh chưng, cá nục rim... vốn là sản phẩm đặc trưng Quảng Nam nên ít người biết. Nhưng khi xuất khẩu chính ngạch qua Mỹ, sản phẩm của HTX không chỉ phục vụ người Mỹ mà còn phục vụ phần lớn người Việt Nam và người gốc Á tại Mỹ.

Để những sản phẩm này xuất khẩu thành công, các chuyên gia cho rằng một phần là do mạng lưới kiều bào đang sinh sống và làm việc tại 130 quốc gia với số lượng khoảng 5 triệu người. Những người này không chỉ kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX xuất khẩu mà còn là người mở các cửa hàng, các chợ, các hệ thống siêu thị ở nước ngoài để bán hàng Việt.

Ông Huỳnh Xuân Long, Tổng Giám đốc Longdan đang có chuỗi siêu thị hàng Việt ở Anh cho biết mỗi tuần, doanh nghiệp của ông nhập khẩu khoảng 1 tấn rau củ quả qua đường hàng không, ngoài ra còn có các loại miến, phở khô, bánh đa nem. Trung bình mỗi năm, hệ thống siêu thị này cũng tiêu thụ khoảng 2.000 tấn hàng Việt Nam.

Một điều thuận lợi là doanh nghiệp, HTX trong nước thường gặp những bất cập về ngôn ngữ nên khó khăn trong việc tìm hiểu các thủ tục xuất khẩu, xin giấy chứng nhận, quảng bá... Nhưng khi kết nối được với các kiều bào, việc này sẽ được tháo gỡ.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa, cho biết tại Australia có khoảng 300.000 người Việt đang sinh sống và làm việc, học tập. Ngay các sinh viên Việt Nam học tập ở Australia cũng tham gia rất tích cực vào các đoàn thể, tổ chức, các chương trình, thậm chí có nhiều dự án hỗ trợ theo hình thức miễn phí cho doanh nghiệp, người dân trong nước.

Bên cạnh đó họ cũng am hiểu văn hóa, ngoại ngữ nên nếu các doanh nghiệp, HTX trong nước tiếp cận được với họ sẽ giúp tháo gỡ nhiều khó khăn nhằm giảm bớt chi phí, thời gian... Trong khi các chi phí thuê người, dịch vụ ở nước ngoài luôn đắt gấp nhiều lần so với trong nước nên có khả năng vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, HTX có mong muốn xuất khẩu.

HTX Bà Ba Hội là đơn vị xuất khẩu thành công cá nục rim sang Mỹ.

HTX Bà Ba Hội là đơn vị xuất khẩu thành công cá nục rim sang Mỹ.

Không những vậy, kiều bào ở nước ngoài còn giúp doanh nghiệp, HTX tìm hiểu văn hóa, thị hiếu người dùng ở nước ngoài. Đây được coi là điều vô cùng quan trọng giúp các HTX, doanh nghiệp Việt hiểu rõ bản chất của thị trường xuất khẩu. Một kiều bào ở Trung Quốc cho rằng, nhiều người ở Việt Nam chưa hiểu cặn kẽ về thị trường Trung Quốc thì nói sao chúng ta không đầu tư các nhà máy chế biến, tìm thị trường khác xuất khẩu để không bị phụ thuộc vào thị trường 1,4 tỷ dân này.

Nhưng trên thực tế, nếu các HTX, doanh nghiệp trong nước có đầu tư chế biến đi chăng nữa thì cũng rất khó xuất khẩu sang Trung Quốc vì nước này vốn đi trước Việt Nam về chế biến, nên phần lớn nhu cầu của họ là mua nông sản tươi về để nâng cao giá trị. Nếu Việt Nam đầu tư chế biến thì cũng cần thời gian dài và chưa chắc đã giải quyết hết và triệt để được bài toán đầu ra. Trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giúp giải quyết bài toán về chi phí vận tải tốt hơn so với xuất khẩu sang các thị trường ở xa.

Chính vì vậy, để tìm hiểu được bản chất của thị trường đối với HTX, doanh nghiệp trong nước không hề dễ mà cần có thời gian và sự hỗ trợ của những người có kinh nghiệm kinh doanh, sống lâu năm ở các nước. Trong đó, kiều bào là một trong những kênh cần tận dụng triệt để.

Tạo không gian kết nối

Tuy nhiên, theo thống kê, dù đã có sự hỗ trợ của kênh kiều bào nhưng nông sản Việt xuất khẩu ra nước ngoài vẫn khá khiêm tốn. Và nông sản Việt xuất khẩu hiện mới chỉ tập trung ở các chợ, cửa hàng, siêu thị của người Việt để phục vụ chính người Việt ở nước ngoài hoặc nhóm người châu Á ở nước ngoài. Ông Huỳnh Xuân Long, cho rằng dù rất muốn giới thiệu và có nhiều người nước ngoài sử dụng nông sản Việt và doanh nghiệp cũng đã thực hiện nhiều hình thức quảng bá nhưng năng lực tiêu thụ nông sản Việt tại siêu thị này cũng chỉ chiếm khoảng 35-40%. Việc liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị nước ngoài để phân phối hàng Việt cũng không dễ vì họ có nhiều quy định khắt khe về chất lượng và cạnh tranh trực tiếp với hàng Thái Lan, Trung Quốc...

Trong khi đối với các HTX, doanh nghiệp trong nước, việc tiếp cận với kiều bào ở nước ngoài vẫn chưa thuận lợi vì chưa có không gian cụ thể hoặc có những cuộc kết nối giữa doanh nghiệp, HTX trong nước nhưng còn hạn chế. Hiện, nhiều Việt kiều muốn kết nối với doanh nghiệp, HTX trong nước đều phải tự đi tìm hiểu, hoặc qua cơ quan chức năng nhưng hiệu quả chưa cao, tốn nhiều thời gian và ngược lại.

Theo các chuyên gia, dư địa xuất khẩu nông sản Việt ra nước ngoài rất lớn vì ngoài nhu cầu của người nước ngoài còn có cả nhu cầu của 5 triệu Việt Kiều. Nhưng trước tiên các nhà quản lý cần tạo các kênh kết nối giữa HTX, doanh nghiệp Việt một cách chính thống trong đó có các dữ liệu chung để doanh nghiệp HTX, trong nước và kiều bào cùng chia sẻ, trao đổi thông tin, đồng thời tận dụng hệ thống kiều bào ở nước ngoài để xuất khẩu.

Là một HTX xuất khẩu thành công sang Mỹ, bà Huỳnh Thị Thu Thủy cho rằng muốn xuất khẩu sang đây thì doanh nghiệp, HTX trong nước có thể thông qua hệ thống kiều bào tìm hiểu về các quy định, điều kiện xuất khẩu. Cụ thể HTX, doanh nghiệp phải xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc và chứng nhận HACCP, đăng ký mã số FDA của cơ quan quản lý chất lượng thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ.

Ngay như HTX cũng đang nghiên cứu xuất khẩu mì quảng sang Mỹ nhưng khi tìm hiểu mới biết Mỹ không cho nhập khẩu mì quảng với topping từ thịt lợn nên HTX đã phải đổi cách chế biến topping sang nguyên liệu từ cá, ếch.

TS Phan Thị Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc là nước có “một mùa đông băng giá”, không thuận lợi phát triển nhiều loại nông sản nên nhu cầu và tâm lý là thích nông sản nhiệt đới ở Việt Nam. Và người Việt ở Trung Quốc khi làm ăn với thương lái Trung Quốc thì mới hiểu được, họ rất đoàn kết, và giữ chữ tín và chịu khó nhất thế giới khi chịu bỏ công, sức, chi phí ra tìm hiểu rất kỹ thị trường. Chính vì vậy HTX, doanh nghiệp Việt nên thông qua kênh Việt Kiều để học hỏi thương lái Trung Quốc trong cách sản xuất kinh doanh.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/kieu-bao-mo-co-hoi-xuat-khau-cho-htx-1096522.html