Kiến trúc Pavilion nổi bật giữa lòng Thủ đô

Là một trong những điểm nhấn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, 4 không gian Pavilion mang tới những câu chuyện và các cung bậc cảm xúc khác nhau về Thủ đô ngàn năm dưới góc nhìn khác biệt, một Hà Nội sáng tạo và đậm chất nghệ thuật.

Tác phẩm “Chốn thiêng của lục thủy”: Không gian Pavilion Triển lãm “Sắp đặt Nước & Di sản Tháp nước Hàng Đậu” hứa hẹn sẽ là một điểm đến tuyệt vời dành cho những người yêu nghệ thuật Thủ đô. Ảnh: Khánh Huy

Tác phẩm “Chốn thiêng của lục thủy”: Không gian Pavilion Triển lãm “Sắp đặt Nước & Di sản Tháp nước Hàng Đậu” hứa hẹn sẽ là một điểm đến tuyệt vời dành cho những người yêu nghệ thuật Thủ đô. Ảnh: Khánh Huy

Tái thiết di sản Hà Nội xưa

Tiếp tục khẳng định vị thế Thủ đô - Thành phố sáng tạo, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 sẽ tái hiện những công trình tưởng như “ngủ quên” bao năm của Hà Nội được đánh thức, khoác lên một diện mạo mới đầy sáng tạo, ngẫu hứng, nghệ thuật và hấp dẫn.

Triển lãm “Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại” do Hà Nội Ad Hoc thiết kế kiến trúc, với sự phối hợp thực hiện của Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Để thiết kế cho Triển lãm “Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại”, KTS Mai Hưng Trung nghiên cứu nhiều tài liệu về khảo cổ học hành vi.

Đây là lĩnh vực nghiên cứu về mối liên hệ giữa quá khứ - hiện tại - tương lai, giúp ta hiểu bản chất của những vật chất ở giai đoạn hiện tại một cách sâu sắc và nhanh chóng hơn. Dựa trên khái niệm đó, 5 khu vực của Triển lãm “Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại” là dự án hiện thực hóa quá trình từ “dữ liệu hóa”, “kiến trúc hóa” và “khơi gợi” trong sáng tạo.

Tiếp đến là không gian Pavilion di sản Tháp nước Hàng Đậu đã mang tới những kiến trúc thẩm mỹ hoàn toàn đặc biệt. Theo họa sĩ Nguyễn Đức Phương, đội ngũ thiết kế muốn biến Tháp nước Hàng Đậu trở thành một không gian tôn vinh về nước bằng tư duy bằng hình ảnh, tiếng động, âm nhạc.

Chính vì thế, đội ngũ sáng tạo mà anh Vũ Trọng Long là người phụ trách chính việc thiết kế và quản lý kỹ thuật âm thanh đã quyết định ứng dụng các cao độ khác nhau của 6 tiếng nước chảy (trong khe, trong hang động,...) để tạo nên thứ âm thanh nền có khả năng đưa tâm trí của khán giả đến những chiều không gian rộng lớn, mênh mông khi tham quan triển lãm.

Chia sẻ về những thử thách trong quá trình thực hiện dự án, KTS Cao Thế Anh cho biết: “Tháp nước là một công trình cổ, chúng tôi phải cẩn trọng lựa chọn phương án lắp đặt tận dụng vật liệu vốn có, đồng thời có thể dỡ bỏ sau lễ hội mà không để lại vết tích gì cho di sản. Đây vừa là thử thách vừa là điều thú vị đối với nhóm”.

Tác phẩm Triển lãm Thủy Phủ: Không gian Pavilion Không gian Kiến trúc & Nghệ thuật PHÂN XƯỞNG NÓNG là hoạt động thiết kế đương đại cùng nhiều trải nghiệm sáng tạo đa giác quan khác nhau. Ảnh: Khánh Huy

Tác phẩm Triển lãm Thủy Phủ: Không gian Pavilion Không gian Kiến trúc & Nghệ thuật PHÂN XƯỞNG NÓNG là hoạt động thiết kế đương đại cùng nhiều trải nghiệm sáng tạo đa giác quan khác nhau. Ảnh: Khánh Huy

Pha trộn kiến trúc độc đáo về Hà Nội

Bên cạnh 2 Pavillion trên, “Bến chờ” là Pavilion ngoài trời đặc sắc của c. Ngoài việc làm biểu trưng cho sự kiện, “Bến chờ” còn làm sân khấu ngoài trời cho các sự kiện của Lễ hội.

Xuyên suốt quá trình thiết kế không gian Pavilion, đội ngũ sáng tạo đã dày công tư duy và thiết kế “Bến chờ” với những đường nét mảnh mai, tiết giảm nhất. Đồng thời, đội ngũ sáng tạo và thi công tìm tòi và lựa chọn chất liệu chủ yếu là thép, nguyên liệu chính cấu thành nhà xưởng, sử dụng để Pavilion trở nên “tan biến” nhất khi đặt vào không gian của cầu Lăn Chìm.

Là người chịu trách nhiệm định hình các tuyến không gian kiến trúc của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, KTS Nguyễn Hồng Quang cho biết, để biến 22ha của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành không gian sáng tạo nghệ thuật đầy màu sắc, cả đội ngũ đã mất nhiều tháng để chuẩn bị, từ khâu vệ sinh, dọn dẹp cho đến thiết kế, lắp đặt.

Lấy cảm hứng từ tác phẩm “Tính tương đối” của nghệ sĩ thị giác M. C. Escher, “Không gian Kiến trúc & Nghệ thuật Phân xưởng nóng” do TOOB Studio thiết kế, đơn vị thiết kế chiếu sáng là Croled, mong muốn đem lại cảm giác vô tận khi khám phá không gian bằng cách di chuyển trên những cốt sàn có cao độ khác nhau. Qua từng nấc thang, không gian sẽ khơi gợi cảm xúc ở từng góc nhìn.

Những tia sáng tự nhiên len lỏi qua lớp mái làm nổi bật bề mặt thời gian của những cỗ máy đồ sộ và không gian rộng lớn này từng là chốn neo đậu của những cấu trúc vận hành hàng đầu cả nước. Sự hồi tưởng về quá khứ và phản chiếu giữa tính hữu hạn của đời sống con người và sự linh thiêng của thực thể vật chất sẽ mang đến cho người xem những giá trị tinh thần tiềm ẩn trong đời sống kiến trúc và nhận thấy sự cần thiết phải bảo tồn và nuôi dưỡng phần di sản của nhà máy.

Các không gian Pavilion (những công trình kiến trúc đem tới không gian mở, nơi diễn ra các hoạt động...) mang tới những câu chuyện và các cung bậc cảm xúc khác nhau về Thủ đô ngàn năm dưới góc nhìn khác biệt về một Hà Nội sáng tạo và đậm chất nghệ thuật.

Lễ hội Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội mở rộng quy mô lớn với 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc; 20 trưng bày và triển lãm; 20 hội thảo, tọa đàm trong đó có 5 hội thảo quốc tế, 9 hoạt động giới thiệu nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng.

Với sự tham gia của hơn 200 đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sĩ thuộc các đối tượng khác nhau trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ sĩ trẻ đã và đang tích cực tham gia. Thời gian lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra từ 17/11 - 26/11/2023, tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Hà Nội.

Triệu Tâm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/kien-truc-pavilion-noi-bat-giua-long-thu-do-360720.html