Kiên trì, kiên định các mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Tiếp nối đà phục hồi cuối năm 2023, trong quý I/2024, cả 3 lĩnh vực chính của ngành Công Thương gồm sản xuất công nghiệp, xuất, nhập khẩu và thị trường trong nước đều cho thấy kết quả rất khả quan, đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế. Phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc phỏng vấn đồng chí Dương Đức Đằng, Giám đốc Sở Công Thương về vấn đề này. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Lắp ráp ô tô tại Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công (KCN Gián Khẩu). Ảnh: Anh Tuấn

Phóng viên(P.V): Xin đồng chí cho biết kết quả 3 chỉ tiêu chính của ngành Công Thương trong quý I/2024?

Đồng chí (Đ/c) Dương Đức Đằng: Nhờ những quyết sách kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh, kinh tế quý I/2024 đạt kết quả tích cực. Tình hình sản xuất công nghiệp trong quý I của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định và đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số IIP toàn tỉnh quý I tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành khai khoáng tăng 20,87%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,32%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 95,94%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,61%.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong quý I tiếp tục diễn ra sôi động, duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là các ngành lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong quý I/2024, toàn tỉnh đạt trên 20.596,7 tỷ đồng, tăng 33,0% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất khẩu quý I ước đạt 761,2 triệu USD tăng 5,9% so với cùng kỳ và đạt 23,4% kế hoạch năm. Tổng giá trị nhập khẩu quý I ước đạt 712,9 triệu USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ và đạt 22,3% kế hoạch năm.

Như vậy, sự tăng trưởng đạt ở cả 3 lĩnh vực chính của ngành Công Thương gồm sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường nội địa. Kết quả này thể hiện sự tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của cả nền kinh tế trong Quý đầu năm 2024 của tỉnh và tạo đà để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế mà kịch bản tăng trưởng đã đề ra.

P.V: Thưa đồng chí, từ kết quả tăng trưởng của ngành Công Thương có ý nghĩa như nào đối với sự phục hồi của nền kinh tế?

Đ/c Dương Đức Đằng: Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã được HĐND tỉnh thông qua, ngay từ đầu năm, Sở Công Thương đã chủ động làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo, nhận diện những khó khăn, thách thức, xác định động lực tăng trưởng mới để xây dựng kịch bản tăng trưởng theo từng quý, làm cơ sở theo dõi, đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội kịp thời thích ứng với tình hình, xu thế mới. Đồng thời, tập trung khơi thông các điểm nghẽn, các nguồn lực đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp và Nhân dân để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhờ những quyết sách kịp thời, cả 3 lĩnh vực chính của ngành Công Thương đã đạt kết quả đáng ghi nhận, góp phần đưa tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn tỉnh quý I năm 2024 ước đạt 12.926,91 tỷ đồng, tăng 8,02% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản tăng trưởng (kịch bản đề ra là 7,8%). Trong đó 2 lĩnh vực có đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh là công nghiệp và dịch vụ. Đặc biệt khu vực dịch vụ tiếp tục đạt tăng trưởng 2 con số, ước đạt 5.276,77 tỷ đồng, tăng 10,16% so với cùng kỳ năm trước, khẳng định vai trò động lực mới của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp cũng đạt 3.311,87 tỷ đồng, tăng 8,95% so với cùng kỳ. Điều này đã khẳng định các chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành; các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh từng bước phát huy hiệu quả, đảm bảo bám sát với kịch bản tăng trưởng của tỉnh đã đề ra.

Bên cạnh hiệu quả từ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, nguyên nhân đạt được các kết quả tăng trưởng ở cả 3 lĩnh vực là công nghiệp, xuất khẩu và thương mại của ngành Công Thương có thể kể đến là: Kết quả của việc thu hút, giải ngân nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước gia tăng trong thời gian gần đây giúp năng lực sản xuất của doanh nghiệp được nâng cao; sự phục hồi của thị trường thế giới dần chuyển sang trạng thái mới, thích ứng với những biến động lớn các năm 2022 và năm 2023; số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng; những nỗ lực trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là việc nâng cấp quan hệ với các đối tác thương mại lớn của nước ta như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Ngoài ra, chúng ta ghi nhận sự nỗ lực cao của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy gạch Hoàng Long (Nho Quan). Ảnh: Bảo Yến

P.V: Thưa đồng chí, năm 2024, theo dự báo nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Vậy để đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra ở cả 3 lĩnh vực chính, ngành Công Thương sẽ có những giải pháp nào?

Đ/c Dương Đức Đằng: Từ kết quả của quý I, có thể thấy, những tín hiệu "thuận buồm xuôi gió" cho cả năm. Điều này sẽ tạo đà cho năm 2024, năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, trong điều kiện dự báo còn nhiều khó khăn thách thức, thị trường xuất khẩu vẫn chưa thực sự khơi thông. Để phấn đấu đạt mục tiêu đề ra trong năm 2024 là một nhiệm vụ khá khó khăn cần có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự chung tay của các ngành, các cấp trong tỉnh và sự nỗ lực bền bỉ của các doanh nghiệp.

Riêng đối với ngành Công Thương sẽ đẩy mạnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề án "Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường dựa trên năng lực kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, đồng bộ hóa giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị".

Tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình tiến độ, các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án thứ cấp trong các cụm công nghiệp. Chủ động làm việc với các nhà đầu tư thứ cấp và nhà đầu tư hạ tầng để làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, đề xuất cụ thể phương án giải quyết và báo cáo UBND tỉnh biện pháp xử lý.

Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tập trung vào các ngành, lĩnh vực công nghiệp then chốt theo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, như dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử và sản phẩm phụ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, chế biến nông sản thực phẩm…

Tham mưu làm tốt công tác cung ứng điện, tiết kiệm điện, an toàn điện... đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, đời sống sinh hoạt của Nhân dân, các sự kiện chính trị của tỉnh.

Triển khai có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; chương trình khuyến mại tập trung năm 2024 trên địa bàn tỉnh; tổ chức nhiều chương trình kết nối giao thương, tạo chuỗi liên kết, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Xây dựng, đăng ký Đề án phát triển thương mại điện tử Quốc gia năm 2025 gửi Cục Thương mại và Kinh tế số, Bộ Công Thương. Hướng dẫn các đơn vị làm đề án xây dựng website TMĐT bán hàng và tham gia sàn giao dịch TMĐT toàn cầu. Tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về Logistics cho cán bộ quản lý nhà nước các sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Với những biến động khó đoán định của tình hình thế giới và trong nước, 3/4 chặng đường của năm Sở Công Thương sẽ tiếp tục quyết tâm, kiêm trì, kiên định với các giải pháp đã đề ra nhằm hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra trong năm 2024.

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Thơm (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/kien-tri-kien-dinh-cac-muc-tieu-tang-truong-kinh-te/d2024041908398267.htm