Kiên trì giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Phục hồi chức năng cho người khuyết tật là trẻ nhỏ vô cùng khó khăn, đòi hỏi cả thầy thuốc và gia đình phải có sự kiên nhẫn mới có thể sớm đưa trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Trẻ mắc chậm phát triển trí nhớ điều trị khá vất vả

Những năm gần đây, số trẻ mắc các khuyết tật càng có xu thế gia tăng với nhiều loại bệnh như: chậm phát triển về tâm thần, vận động, ngôn ngữ, hội chứng liệt tay, chân, vẹo cổ, bại não… Khoa Nội - Nhi Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đang điều trị cho trên 60 bệnh nhân nhi với nhiều dạng khuyết tật. Với nhiều trẻ em khuyết tật, nơi đây như ngôi nhà thứ hai.

Hơn 2 năm qua bà Dương Thị Nghi ở thôn Thiện Trang, Thanh Xuân (Thanh Hà) đã cùng cháu ruột là bé Mạc Hoàng A. đi điều trị ở một số bệnh viện Trung ương và Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hải Dương. Bà Nghi cho biết khi mới sinh cháu Hoàng A. phát triển bình thường. Đến tháng thứ 7 gia đình phát hiện thấy tay phải của cháu hoạt động kém, cơ cứng, yếu, không cầm được vật gì. Sau khi được điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hải Dương hiện cháu đã có tiến triển tốt, cầm được các vật to. Cháu đang tiếp tục được điều trị.

Cháu Nguyễn Gia B., 4 tuổi ở xã Kim Tân (Kim Thành) được gia đình đưa vào khoa Nội- Nhi Bệnh viện Phục hồi chức năng điều trị trong tình trạng không thể tự ngồi. Sau hơn 6 tháng điều trị hiện cháu đã đi lại tốt.

Trên đây là các bệnh nhân nhi may mắn đã được khám, điều trị kịp thời và sớm có cuộc sống bình thường sau khi phục hồi chức năng. Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Danh Quyền, Trưởng Khoa Nội- Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hải Dương cho biết mỗi năm khoa điều trị giúp trên 20 cháu trở về hòa nhập với cộng đồng. Việc điều trị và phục hồi chức năng cho trẻ rất vất vả.
Thông thường trẻ mắc các bệnh về rối loạn ngôn ngữ, yếu chân, yếu tay, chậm phát triển vận động… được phát hiện sớm thì thời gian phục hồi tối thiểu sẽ khoảng từ 5 tháng trở lên. Trẻ mắc các bệnh bại não, liệt… việc phục hồi chức năng và điều trị chỉ hiệu quả ở mức độ nhất định chứ khó để các trẻ có thể hoàn toàn hòa nhập.
Cũng theo bác sĩ Quyền, một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, giao tiếp, thậm chí dẫn tới tăng động, tự kỷ đó là do các gia đình chưa quan tâm đúng mức đến các cháu. Thông thường khi trẻ từ 1-3 tháng đầu đã biết giao tiếp bằng mắt, cử chỉ, hướng ra phía có tiếng động, 3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 12 tháng có thể biết đi biết nói từ đơn... nên bố mẹ cần dõi theo những mốc này để đánh giá sự phát triển của trẻ. Khi bố mẹ và người thân thấy các bé có phản xạ chậm hơn so với trẻ cùng lứa tuổi thì nên đưa khám chuyên khoa phát hiện và điều trị sớm. Một nguyên nhân khác là trẻ em hiện nay tiếp xúc sớm và nhiều với các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng, ti vi… cũng khiến trẻ ít giao tiếp, chậm ngôn ngữ, thậm chí tăng động, tự kỷ.

Cha mẹ, người thân của trẻ cần đồng hành và dõi theo sự phát triển của bé để tạo điều kiện giúp trẻ em phát triển toàn diện về trí và lực.

ĐỨC THÀNH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/kien-tri-giup-tre-khuyet-tat-hoa-nhap-cong-dong-232078