Kiến tạo môi trường lý tưởng cho doanh nghiệp phát triển

Sức khỏe DN đã dần ổn định, tuy nhiên khó khăn vẫn còn hiện diện. Vì vậy, thời điểm này vẫn cần có trợ lực, kiến tạo môi trường lý tưởng để DN phát triển.

Đó là chia sẻ của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

Sức đề kháng của DN đã tốt hơn

Thưa ông, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều giải pháp, chính sách kịp thời hỗ trợ cho DN vượt qua khó khăn. Vậy, đến thời điểm này, ông đánh giá thế nào về sức khỏe của DN?

- Trong 4 năm qua, nền kinh tế Việt Nam nói chung, tình hình sản xuất - kinh doanh của DN nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những vấn đề chưa có tiền lệ, ảnh hưởng mạnh tới số lượng DN thành lập mới và DN ngừng hoạt động. Kinh tế khó khăn khiến số DN tạm dừng hoạt động tăng mạnh, tác động đến việc làm và thu nhập.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ cho hoạt động của DN. Các hỗ trợ bao gồm cả chính sách về tài chính, tiền tệ, cơ chế.

Sau một thời gian, chính sách đã ngấm vào nền kinh tế, DN và người dân cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ. Điều đáng mừng là số DN thành lập mới tăng lên. Điều đó cho thấy những tín hiệu tốt từ nền kinh tế thị trường và quyết tâm vực dậy của DN.

Nhìn vào kết quả kinh doanh 2023 và quý I/2024, có nhiều DN vẫn duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đạt được kế hoạch kinh doanh đặt ra, thậm chí có những DN ngược dòng tăng trưởng. Điều đó cho thấy sức kháng cự của DN Việt đã tốt hơn.

Sự lạc quan của DN có thể tạo ra một chu trình tích cực, đi kèm với một tinh thần sẵn sàng đối mặt với thách thức và tìm kiếm cơ hội trong mọi tình huống, thể hiện sự tự tin và khả năng thích ứng của DN trong môi trường kinh doanh khó khăn. Hơn nữa, dấu hiệu phục hồi dù chậm và không đồng đều, song cơ bản đã và đang dần xuất hiện ở một số lĩnh vực và ngành nghề.

Năm 2024 được xem là năm bản lề để nền kinh tế Việt Nam tăng tốc. Vậy, đâu là động lực tăng trưởng cho DN, thưa ông?

- Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Việt Nam đang có một số lợi thế như: kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được củng cố.

Cùng với đó, các ngành kinh tế mới như: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tạo cơ hội cho các DN Việt Nam hình thành chuỗi giá trị, liên kết mới.

Mặt khác, 16 hiệp định thương mại tự do đã ký kết tạo lợi thế cho các DN của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh.

Không chỉ quyết liệt thực thi giải pháp tháo gỡ các nút thắt trên thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản và gỡ bỏ các rào cản kinh doanh, khơi thông dòng vốn mang lại sự ổn định cho cộng đồng DN, Chính phủ cũng duy trì một số gói kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên, tình hình trong nước và quốc tế còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức: tăng trưởng kinh tế, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước lớn khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn tạo rủi ro, sức ép lớn đến thị trường đầu ra và chi phí đầu vào của DN.

Các nước gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, xây dựng hàng rào kỹ thuật, yêu cầu của các thị trường về sản xuất xanh, bền vững đang đặt ra các thách thức lớn đối với DN trong nhiều ngành, lĩnh vực.

Doanh nghiệp cần làm chủ cuộc chơi

Trước những khó khăn, thách thức, cộng đồng DN kiến nghị tiếp tục được gia hạn thời gian triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Ông có ý kiến gì với đề xuất này và theo ông, để giúp DN phát triển, cần triển khai những giải pháp nào?

- Việc gia hạn thời gian triển khai các gói hỗ trợ cho DN phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trong đó, tác động trước hết vào thu ngân sách Nhà nước. Do đó, việc quyết định ra hạn thời gian thực hiện các gói hỗ trợ cần phải chờ đến tháng 6. Lúc đó, có thể căn cứ vào tình hình DN để tiếp tục gia hạn hay dừng lại.

Tuy nhiên, có một thực tế là thể trạng DN tuy đã phục hồi nhưng vẫn còn yếu. Bởi các DN chủ yếu quy mô nhỏ, với gần 98% là các DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Thời gian qua, các DN vừa gượng dậy sau dịch Covid-19, lại tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức do tác động của các bất ổn kinh tế, địa, chính trị thế giới.

Do đó, với sức khỏe còn yếu thì các DN khó có thể hấp thụ được nguồn vốn. Để trợ lực cho DN thì cần giải quyết vấn đề căn cơ, nguyên nhân gốc rễ thay vì xử lý vấn đề hiện tượng.

Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch; bãi bỏ các rào cản, quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý; tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh phù hợp với những quy định và cam kết quốc tế.

Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục rà soát chính sách tín dụng nhằm tiết giảm chi phí, hạ lãi suất vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, nhất là DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn; thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng hỗ trợ DN đã được ban hành; nâng cao hiệu quả hoạt động các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa.

Chính phủ cũng nên khẩn trương ban hành Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.

Song song với đó, cần đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; hoàn thiện thể chế khuyến khích DN ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Trước những cơ hội và thách thức đan xen, để tận dụng tốt thời cơ, biến khó khăn thành cơ hội, DN Việt Nam cần làm gì, thưa ông?

- Hệ thống DN Việt Nam hiện nay cũng còn rất nhiều tồn tại, yếu kém cả vế số lượng, chất lượng và quy mô; đồng thời khả năng chống chịu các tác động tiêu cực, các biến động bất thường lớn hay cú sốc từ môi trường kinh doanh bên ngoài của phần lớn DN còn rất hạn chế.

Năng lực nội sinh về trình độ quản trị, quản lý, nguồn lực vốn, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ công nghệ, quy mô tổ chức, thị trường; đồng thời khả năng, lợi thế và vị thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực, thế giới chưa cao, cần phải tiếp tục cải thiện và nâng cao hơn nữa trong thời gian tới.

Trong điều kiện môi trường kinh doanh đầy biến động, khó lường và có rất nhiều yếu tố rủi ro bất lợi tác động tiêu cực, thì các DN không có cách nào khác là phải từng bước nâng cao khả năng dự báo thị trường, gia tăng năng lực nội sinh để củng cố nền tảng vững chắc.

Đồng thời, DN cần tăng khả năng thích nghi và năng lực chống chịu, tự cường, bình tĩnh vượt qua khó khăn, thách thức nhằm tiếp tục duy trì kinh doanh ổn định và tạo ra nhiều xung lực thúc đẩy phát triển bền vững.

Đặc biệt, cần chú trọng việc phân tích, nhận diện và dự báo xu hướng diễn biến quốc tế và kinh tế trong nước, sẽ giúp DN có thể đánh giá nhận diện được vấn đề từ xa và sớm, đối với những nhân tố trọng yếu tác động tích cực và tiêu cực, các thách thức, nguy cơ và cơ hội để có thể chủ động điều chỉnh chiến lược, sách lược và kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Xin cảm ơn ông!

Điểm tựa tăng trưởng cho các DN trong năm 2024 đến từ sự đồng hành của Chính phủ. Kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, mặt bằng lãi suất cho vay giảm cùng các chính sách gỡ khó, hỗ trợ khơi thông các nguồn lực là cơ sở quan trọng cho DN vững tin đầu tư, kinh doanh, kiến thiết lại một quỹ đạo tăng trưởng mới.

Trong bất cứ cuộc chơi nào, người chủ cuộc chơi đều giữ vị trí quan trọng nhất. Theo đó, các DN cần chủ động cập nhật, tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tiên phong đổi mới sáng tạo…

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kien-tao-moi-truong-ly-tuong-cho-doanh-nghiep-phat-trien.html