Kiên quyết xử lý vi phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 25/8/2022, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) chính thức có hiệu lực. Phóng viên Báo Sơn La đã phỏng vấn bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Sơn La xung quanh vấn đề triển khai Nghị định 45 trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, xử lý nước thải sơ chế cà phê tại HTX Xây dựng và Phát triển nông thôn Mường Chanh, huyện Mai Sơn.

Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, xử lý nước thải sơ chế cà phê tại HTX Xây dựng và Phát triển nông thôn Mường Chanh, huyện Mai Sơn.

PV: Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT có những điểm gì mới so với Nghị định 155/2016/NĐ-CP và Nghị định 55/2021/NĐ-CP, thưa bà?

Bà Lê Thị Thu Hằng: Việc Chính phủ ban hành Nghị định 45 là hết sức kịp thời, đảm bảo đầy đủ chế tài xử phạt vi phạm về BVMT đồng bộ với Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính... Đây là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý vi phạm, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Nghị định 45 đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung đầy đủ chế tài cho các quy định mới tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 về các vi phạm quy định trong cấp Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp phép; vi phạm BVMT trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy… Các chế tài xử phạt đủ tính răn đe, đảm bảo tính thực tiễn và hiệu quả trong thực thi. Bên cạnh đó, Nghị định tăng mức xử phạt với nhóm hành vi cố tình xả trộm, xả lén, xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường, như: Xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, không xây lắp công trình BVMT… đến mức tối đa.

Nghị định đã quy định áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép môi trường đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; bổ sung một số quy định để đảm bảo hiệu quả thực thi việc xử pạt vi phạm về BVMT trong thực tiễn như thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với từng hành vi vi phạm, quy định cụ thể biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho một số lực lượng mới, như: Thanh tra chuyên ngành công thương, văn hóa, thể thao và du lịch. Nghị định cũng có quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc phục hồi và bảo vệ di sản thiên nhiên, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.

PV: Thưa bà, ở góc độ quản lý nhà nước, việc triển khai Nghị định 45 trên địa bàn tỉnh Sơn La bước đầu gặp những khó khăn gì?

Bà Lê Thị Thu Hằng: Hiện nay, một số quy định của Luật Bảo vệ môi trường chưa được các bộ, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành dẫn đến khó khăn trong thực thi Nghị định 45. Đơn cử, theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định 45, sẽ phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt… Trong khi, Khoản 2, Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường - UBND cấp tỉnh quy định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ TN&MT; Khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường - việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Tuy nhiên đến nay, chưa có hướng dẫn về việc phân loại, gây khó khăn trong thực hiện.

Bên cạnh đó, để thực hiện thành công phân loại rác tại nguồn, rất cần sự đồng thuận của người dân; đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật từ trang thiết bị, phương tiện lưu chứa, tần suất, phương tiện thu gom, vận chuyển sau phân loại từ các điểm tập kết về các trạm trung chuyển, nhà máy xử lý.

PV: Việc thực thi các quy định của Nghị định 45 sẽ tác động ra sao đến công tác quản lý nhà nước về môi trường và tỉnh Sơn La triển khai các hoạt động như thế nào trong thời gian tới, thưa bà?

Bà Lê Thị Thu Hằng: Nghị định 45 được xây dựng trên cơ sở kế thừa một số quy định của Nghị định 155, Nghị định 55 còn phù hợp và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Cùng với đó, có nhiều điểm mới, nhất là vi phạm về thủ tục pháp lý môi trường được sửa đổi đồng bộ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 như đã đề cập ở trên. Như vậy, việc Nghị định 45 có hiệu lực từ ngày 25/8/2022 mang lại nhiều ý nghĩa trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật về BVMT. Đồng thời, đảm bảo cho pháp luật về BVMT được thực hiện nghiêm, góp phần nâng cao năng lực, vai trò lãnh đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT và nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân tổ chức trong hoạt động BVMT trên địa bàn tỉnh.

Mỏ khai thác đá xây dựng trên địa bàn xã Hát Lót, huyện Mai Sơn.

Mỏ khai thác đá xây dựng trên địa bàn xã Hát Lót, huyện Mai Sơn.

Thực hiện Nghị định 45, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định tại Nghị định. Yêu cầu các đơn vị có liên quan nghiên cứu, quán triệt áp dụng các quy định tại Nghị định trong quản lý Nhà nước theo thẩm quyền.

Sở TN&MT tập trung tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các quy định theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 45/2022/NĐ-CP; tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật đến các sở, ngành, UBND cấp huyện, thành phố, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và nhân dân với nội dung, hình thức phù hợp. Bên cạnh đó, cần có sự quyết tâm của các cơ quan quản lý, sự vào cuộc một cách chủ động, tích cực của người dân, doanh nghiệp - là lực lượng nòng cốt trong công tác BVMT. Tin tưởng công tác BVMT trên địa bàn tỉnh thời gian tới, tiếp tục có chuyển biến tích cực.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Minh Thu (thực hiện)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/kien-quyet-xu-ly-vi-pham-ve-linh-vuc-bao-ve-moi-truong-53112