Kiên quyết, kiên trì đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân - Bài 3 : Cần thay đổi phương thức tác chiến

Chủ nghĩa cá nhân với các biểu hiện biến hóa khôn lường. Để đấu tranh có hiệu quả với chủ nghĩa cá nhân thời gian tới, cần phải thay đổi phương thức tác chiến.

Chủ nghĩa cá nhân với các biểu hiện đa dạng, biến hóa khôn lường. Do đó, để đấu tranh có hiệu quả với chủ nghĩa cá nhân trong thời gian tới, cần phải thay đổi phương thức tác chiến.

Mới đây, phát biểu chỉ đạo tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, đưa ra quan điểm cụ thể, nhất quán trong lựa chọn nhân sự

Cũng tại phiên họp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn nêu ra những thiếu sót, khuyết điểm của một số cán bộ như: Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa." Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, luật pháp, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự…

Những thiếu sót, khuyết điểm của đội ngũ cán bộ mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là những cán bộ này đã sa vào chủ nghĩa cá nhân, tham vọng quyền lực, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm.

Thực tế công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng 94 năm qua cho thấy, chủ nghĩa cá nhân chính là sự biểu hiện tập trung nhất, rõ nét nhất, cụ thể nhất sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mỗi con người. Chừng nào “vi trùng” chủ nghĩa cá nhân còn tiềm ẩn trong mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị; trong mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu, thì chừng đó còn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, còn gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm xói mòn lòng tin yêu của nhân dân với Đảng và chế độ.

Ngày nay “vi trùng” chủ nghĩa cá nhân liên tục biến thể, vì thế, phải thay đổi phương thức tác chiến, chúng ta mới có thể đấu tranh hiệu quả, nhằm “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Phương thức tác chiến mới được xây dựng trên cơ sở các giải pháp sau đây:

Một là, nâng cao đạo đức cách mạng.

Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nó chờ dịp để phát triển, che lấp đạo đức cách mạng. Vì vậy, muốn đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân một cách có hiệu quả, phải nâng cao đạo đức cách mạng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đạo đức cách mạng hình thành trong quá trình đấu tranh gìn giữ độc lập dân tộc; và kết tinh từ đạo đức truyền thống ngàn đời của dân tộc kết hợp biện chứng với những phẩm chất cao đẹp trong quá trình đấu tranh chống lại các thế lực ngoại bang và là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với những đặc trưng riêng có của cách mạng Việt Nam.

Trong giai đoạn cách mạng mới, rất cần chuẩn mực đạo đức cách mạng mới. Cán bộ, đảng viên khi được trang bị vũ khí là chuẩn mực đạo đức cách mạng sẽ yên tâm, toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự nghiệp vĩ đại của Đảng và đây là bức tường thành vô cùng chắc chắn bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa mà không kẻ thù nào có thể phá nổi.

Vì lẽ đó, Ban chấp hành Trung ương Đảng nên sớm ban hành quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng.

Hai là, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Công tác tuyên truyền, giáo dục chống chủ nghĩa cá nhân đòi hỏi phải kiên trì, thường xuyên, liên tục, đồng bộ, tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi, mọi điều kiện, hoàn cảnh, thực hiện “mưa dầm, thấm lâu” trong mỗi cán bộ, đảng viên. Trong thế giới phẳng như hiện nay, công tác tuyên truyền, giáo dục cần tận dụng và phát huy tối đa lợi thế của hệ thống các phương tiện truyền thông, nhất là trên các trang mạng xã hội, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu sắc trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vì một xã hội lành mạnh, tiến bộ và văn minh.

Ba là, xây dựng môi trường xã hội dân chủ, công bằng, tiến bộ.

Chủ nghĩa cá nhân sẽ không thể tồn tại nếu chúng ta xây dựng được một môi trường xã hội dân chủ, công bằng và tiến bộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật nhằm khai thác tối đa mặt tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất mặt tiêu cực, tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi cá nhân phát triển hài hòa trong mối quan hệ với tập thể, xã hội.

Tạo lập môi trường văn hóa tiến bộ thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, làm chỗ dựa, động lực tích cực cho việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Rà soát, kiện toàn hệ thống pháp luật bảo đảm các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, ngăn chặn, trừng trị thích đáng, kịp thời, nghiêm minh, công khai những cán bộ, đảng viên vi phạm, dù ở bất cứ ở cương vị nào. Quan tâm cải thiện các chính sách phúc lợi xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, khuyến khích mọi cá nhân làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Bốn là, phải thường xuyên tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc.

Cùng với thực hành dân chủ rộng rãi, Đảng phải thường xuyên tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc. Tự phê bình về thực chất là cuộc đấu tranh tư tưởng trong mỗi cán bộ, đảng viên, đòi hỏi phải có tính tự giác cao, bản lĩnh chính trị vững vàng. Người được phê bình hiểu được mặt mạnh, nhận rõ khuyết điểm, thiếu sót để sửa chữa, phấn đấu rèn luyện tốt hơn.

Từ phê bình người khác mà bản thân có dịp nhìn nhận lại chính mình, trên cơ sở đó có những điều chỉnh cho phù hợp. Khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật trong Đảng.

Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc cấp ủy cấp trên kiểm tra, giám sát cấp ủy cấp dưới, kiểm tra chéo, kiểm tra định kỳ và không định kỳ. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng cùng với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp gắn với kiểm tra, giám sát cấp ủy viên, cán bộ chủ trì về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy các cấp, việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhiệm vụ đảng viên và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Quá trình kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý nghiêm mọi cán bộ, đảng viên vi phạm về trách nhiệm, phẩm chất, đạo đức, lối sống. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng.

Sáu là, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu.

Cần phát động một phong trào sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” theo phương châm: “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu phải gương mẫu trong mọi lúc, mọi nơi, ở cơ quan, đơn vị cũng như nơi cư trú, gắn bó mật thiết và luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của quần chúng, nhân dân.

Thực hiện nói đi đôi với làm, tư tưởng gắn với động tác, tác phong, lý luận liên hệ với thực tiễn, chuẩn mực từ lời nói đến việc làm, cử chỉ, thái độ, hành vi ứng xử góp phần xây dựng hình ảnh, uy tín người cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới./.

Đỗ Phú Quý

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kien-quyet-kien-tri-dau-tranh-voi-chu-nghia-ca-nhan-bai-3-can-thay-doi-phuong-thuc-tac-chien-311858.html