Kiên Giang xây dựng ngành nuôi biển theo hướng hiện đại

Với diện tích ngư trường lớn và nhiều loài thủy hải sản có giá trị cao, Kiên Giang xác định kinh tế biển là hướng phát triển chủ lực thời gian tới.

Kiên Giang sở hữu trên 140 đảo lớn nhỏ, diện tích ngư trường hơn 63.200km2. Tỉnh có vị trí trọng điểm đối với nghề cá đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, có tiềm năng phát triển ngành kinh tế thủy sản đất liền, trên biển và hải đảo.

Với diện tích ngư trường lớn và nhiều loài thủy hải sản có giá trị cao, Kiên Giang xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực, đặc biệt chú trọng phát triển hiệu quả, bền vững nghề nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Nuôi cá lồng bè ở xã đảo Tiên Hải, TP. Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: THÙY TRANG

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết thời gian qua, để khai thác tiềm năng, thế mạnh về nuôi biển, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo lập quy hoạch, xây dựng các dự án nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi biển, ven biển, quanh các đảo, vùng ven bờ, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

UBND tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển nuôi biển theo định hướng bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, dự án điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang; đề xuất sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thủy sản của tỉnh, làm cơ sở để triển khai các chính sách chuyển đổi nghề, điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác thủy sản thời gian tới.

Song song đó, tỉnh Kiên Giang tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vốn, khoa học, công nghệ vào lĩnh vực nuôi biển. Tỉnh triển khai nhiều đề tài, dự án, mô hình phục vụ phát triển kinh tế biển như xây dựng mô hình nuôi cá mú, cá bớp trong lồng bè trên vùng biển quần đảo Nam Du; xây dựng mô hình nuôi sò huyết bãi bồi và dưới tán rừng phòng hộ ven biển vùng U Minh Thượng; xây dựng mô hình ươm giống, nuôi thương phẩm cá chim vây vàng quy mô công nghiệp trong lồng nhựa HPDE tại Phú Quốc.

Ngư dân xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) cho cá ăn. Ảnh: VĂN SĨ

Đến tháng 10-2023, tổng diện tích nuôi biển tăng lên 23.168ha, sản lượng thu hoạch 87.214 tấn; trong đó, nuôi cá biển 3.837 lồng nuôi, sản lượng 2.993 tấn; nuôi nhuyễn thể ven biển, ven đảo diện tích 23.168ha, sản lượng 84.221 tấn; nuôi trai cấy ngọc nhân tạo diện tích 100ha, sản lượng 76.000 viên/năm.

Theo Quyết định số 3214/QĐ-UBND, ngày 31-12-2020 của UBND tỉnh Kiên Giang, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 7.500 lồng nuôi biển. Trong đó, nuôi cá lồng truyền thống 4.700 lồng, nuôi cá lồng công nghệ cao 1.900 lồng, nuôi thủy sản khác 900 lồng; sản lượng nuôi lồng bè 29.870 tấn; thu hút lao động vào lĩnh vực nuôi biển 18.510 người.

Đến năm 2030; số lượng lồng nuôi biển 14.000 lồng, trong đó nuôi cá lồng truyền thống 5.300 lồng, nuôi cá lồng công nghệ cao 6.600 lồng, nuôi thủy sản khác 2.100 lồng; sản lượng nuôi lồng bè 105.720 tấn; thu hút lao động vào lĩnh vực nuôi biển 47.680 người.

Người dân xã Nam Du, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) nuôi cá bớp trong lồng bè. Ảnh: GIA BẢO

Để đạt được mục tiêu đặt ra, Kiên Giang tập trung thực hiện nhiều giải pháp như tổ chức giao khu vực biển, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho các tổ chức, cá nhân theo Luật Thủy sản và các quy định có liên quan để tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nuôi biển.

Bên cạnh đó, Kiên Giang ban hành những chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, nhất là chính sách hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính vào khu nuôi biển ứng dụng nghệ cao; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn về quản lý và kỹ thuật cho lao động; thực hiện các chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực nuôi biển về làm việc trong các khu nuôi tập trung…

Bài và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chuyen-de/kien-giang-xay-dung-nganh-nuoi-bien-theo-huong-hien-dai-17926.html