Kiên Giang vào mùa 'canh lửa giữ rừng'

Nắng nóng kéo dài, mực nước thấp làm nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Hiện, các cơ quan chức năng, đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng triển khai nhiều phương án phòng, chống cháy rừng, với phương châm '4 tại chỗ'.

NGUY CƠ CHÁY RẤT CAO

Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) có tổng diện tích tự nhiên hơn 8.509ha, trong đó rừng đặc dụng 8.038ha, còn lại là rừng phòng hộ, thuộc địa bàn hai xã An Minh Bắc và Minh Thuận, huyện U Minh Thượng.

Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng Trần Văn Thắng cho biết, đặc điểm của Vườn quốc gia U Minh Thượng là rừng tràm phát triển trên đất than bùn có độ dày từ 0,3-1,2m, nguồn vật liệu cháy khô rất dày, được tích tụ qua nhiều năm có độ dày trung bình 50cm, khối lượng trung bình 19,3 tấn/ha. Vì vậy, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao khi gặp thời tiết bất lợi như nắng nóng, khô hạn trong thời gian dài.

Năm 2022, lượng mưa trên địa bàn thấp hơn trung bình các năm trước, nên nguồn nước duy trì độ ẩm cho rừng trong mùa khô bị thiếu hụt. Trong khi đó, nguồn nước bên ngoài vùng lõi có độ mặn cao, nếu bơm bổ sung vào rừng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng tràm.

Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng huyện U Minh Thượng kiểm tra trang thiết bị phòng cháy tại Vườn quốc gia U Minh Thượng. Ảnh: THANH DƯ

Khó khăn nữa trong công tác phòng, chống cháy rừng ở Vườn quốc gia U Minh Thượng là nhận thức về bảo vệ rừng của một số người dân sống gần rừng chưa cao; vẫn còn tình trạng người dân vào rừng săn bắt động vật, thủy sản, bắt ong trong những tháng mùa khô. Các đối tượng vào rừng dùng lửa bắt ong, hút thuốc lá, nếu bất cẩn là nguyên nhân chính gây ra cháy rừng.

Tỉnh Kiên Giang còn có Vườn quốc gia Phú Quốc, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất của các tổ chức, cá nhân quản lý, với tổng diện tích có rừng 76.909ha. Hiện, diện tích rừng này cũng có cấp dự báo cháy cao.

Đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất nằm gần hoặc đan xen với đất sản xuất lúa của người dân. Thông thường sau khi thu hoạch lúa, người dân đốt rơm, rạ, cỏ để vệ sinh đồng ruộng, rất dễ gây cháy lan vào rừng. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kiên Lương Phạm Thanh Dũng cho biết, Kiên Lương có hơn 1.780ha rừng đang có nguy cơ cháy cao tập trung khu vực rừng đặc dụng Hòn Chông, xã Bình An; xã Bình Trị; xã Hòn Nghệ; xã Sơn Hải và xã Dương Hòa.

NHIỀU PHƯƠNG ÁN "CANH LỬA"

Để thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương Võ Quang Phúc yêu cầu các chủ rừng, các xã, Hạt Kiểm lâm huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vân động các tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong cao điểm mùa khô cần thường xuyên theo dõi, cảnh báo các cấp cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng cường các biện pháp phòng ngừa chung và triển khai chữa cháy kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, truy quét các tụ điểm phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Vườn quốc gia U Minh Thượng đã thành lập 4 đội phòng cháy, chữa cháy rừng. Mỗi đội có 15 người được phân công ứng trực ở những điểm có nguy cơ cháy cao. Mặc khác, đơn vị duy trì 9 trạm quản lý, bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi vi phạm, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Đồng chí Trần Văn Thắng cho biết, hiện đơn vị xác định có 1.215ha rừng thuộc vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao trong mùa khô năm 2023, từ đó chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.

Kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng tại Vườn quốc gia U Minh Thượng. Ảnh: QUỐC TRINH

Vườn quốc gia U Minh Thượng gia cố 6 cống điều tiết nước, khởi động 2 trạm bơm để chủ động bơm nước bổ sung nhằm phòng cháy, chữa cháy rừng khi cần thiết. Đơn vị bảo trì, sửa chữa, vận hành 13 máy chữa cháy chuyên dùng, 10 vỏ máy... Đồng thời, triển khai dọn thực vật trôi nổi 65km các tuyến kênh chính; phát dọn 58km đường tuần tra bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Phòng Hậu cần Công an tỉnh Kiên Giang - đơn vị quản lý rừng Tiểu khu 35, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng đã rà soát các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để bố trí lực lượng trực chốt 24/24 giờ theo phương châm “4 tại chỗ”.

“Đơn vị phối hợp với kiểm lâm, công an, quân đội trên địa bàn thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, bảo đảm vật tư, trang thiết bị và hậu cần cho lực lượng thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý khi có tình huống cấp bách xảy ra”, Trung tá Nguyễn Văn Đượm - phụ trách quản lý rừng sản xuất Phòng Hậu cần Công an tỉnh Kiên Giang cho biết.

Tại Phú Quốc, những ngày này, các đơn vị biên phòng tuyến bắc đảo thuộc Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, gồm: Đồn Biên phòng Xà Lực, Đồn Biên phòng Gành Dầu, Đồn Biên phòng Rạch Tràm đã chủ động phối hợp cùng các lực lượng, chính quyền và nhân dân địa phương bảo vệ an toàn diện tích rừng trên địa bàn đơn vị phụ trách.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xà Lực phối hợp kiểm lâm tuần tra bảo vệ diện tích rừng phụ trách.Ảnh: TIẾN VINH

Mùa khô, mùa "canh lửa, giữ rừng", hàng tuần, các đồn biên phòng tuyến bắc đảo Phú Quốc tổ chức cho bộ đội luyện tập các phương án phòng chống cháy, xử lý nhanh các đám cháy giả định. Cùng với đó, các đơn vị thường xuyên duy trì các buổi tuần tra đơn phương, tuần tra phối hợp với kiểm lâm để giám sát, kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Thượng tá Lê Dũng Sỹ - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xà Lực cho biết: “Những tháng mùa khô này, chúng tôi phải duy trì các kíp trực, chủ động trong mọi tình huống, tăng cường luyện tập các phương án phòng, chống cháy kết hợp tuyên truyền, vận động người dân, du khách nêu cao tinh thần bảo vệ rừng".

Nhận định hơn 400ha diện tích rừng do đơn quản lý nằm gần các khu du lịch nên Đồn Biên phòng Gành Dầu chốt chặt tại các địa bàn trọng yếu, ngăn chặn tình trạng khách du lịch mang vật liệu dễ cháy vào rừng. Đồng thời, có phương án kiên quyết xử lý mọi hành vi đốt rừng làm rẫy, chặt hạ cây rừng lấy gỗ.

Kiên Giang có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 80.000ha (đất có rừng trên 66.490ha, đất chưa có rừng gần 13.400ha). Trong số đó, rừng đặc dụng trên 39.700ha, rừng phòng hộ trên 32.000ha và rừng sản xuất trên 8.114ha. Độ che phủ của rừng là 12%.

THANH DƯ - LÊ VINH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//thoi-su/kien-giang-vao-mua-canh-lua-giu-rung-12946.html