Kiên Giang thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia

Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình mục tiêu quốc gia 1719), tại tỉnh Kiên Giang đã đáp ứng nguyện vọng của đồng bào, từng bước thay đổi bộ mặt vùng DTTS và miền núi.

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 hỗ trợ giúp nhiều hộ đồng bào Khmer Kiên Giang thoát nghèo bền vững. Ảnh: Phương Nghi

Ấp nghèo... nay không còn nghèo

Ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng có gần 50% người Khmer, một thời là ấp nghèo nhất xã và huyện, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Nhưng nhờ sự kiên trì giúp đỡ của các cấp mà giờ đây, Thạnh Trung đã không còn hộ nghèo, số hộ khá, giàu đang tăng lên. Đến cuối năm 2022, ấp không còn hộ nghèo, chỉ còn 9 hộ cận nghèo. Điểm nổi bật trong phong trào hỗ trợ người dân thoát nghèo ở Thạnh Trung là ấp luôn vận dụng phương châm chủ động vào nội lực, vận động người dân cải tạo vườn tạp, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển sản xuất. Ngoài 200ha sản xuất lúa 2 - 3 vụ/năm, ấp trắng hộ nghèo này còn có 15ha đất trồng rau màu, cây ăn trái như sầu riêng, ổi, mít...

Gia đình chị Danh Kim Tha, ấp Thạnh Trung là hộ được địa phương xét xây nhà Đại đoàn kết năm 2022. Phấn khởi trước sự hỗ trợ kịp thời này, chị Kim Tha nói: “Mặc dù cố gắng lao động, tích cóp nhiều năm, nhưng gia đình tôi vẫn không xây được căn nhà khang trang để ở. Khi được Nhà nước hỗ trợ tiền xây nhà, gia đình tôi mừng vui khôn xiết. Bây giờ, chúng tôi không còn chịu cảnh nhà dột, cột xiêu như trước nên an tâm lao động sản xuất”.

Chính sách đi vào cuộc sống

Gò Quao là huyện nông thôn có đông đảo đồng bào DTTS sinh sống (chiếm 34,6%). Thời gian qua, Gò Quao luôn quan tâm triển khai, thực hiện các chính sách đối với đồng bào DTTS, đã góp phần giảm dần hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu, đời sống vật chất, tinh thần trong đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện và nâng lên.

Là một trong những hộ được hỗ trợ vốn chuyển đổi ngành nghề và vốn vay phát triển sản xuất, vợ chồng chị Danh Thu Rươi, ở ấp Thới Khương, xã Thới Quản phấn khởi cho biết: “Được chính quyền địa phương hỗ trợ 10 triệu đồng và Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn 30 triệu đồng, gia đình tôi đầu tư thực hiện mô hình trồng màu và xây dựng chuồng trại, mua cặp bò giống về nuôi. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương, gia đình tôi sẽ cố gắng lao động sản xuất, chăn nuôi bò để sau này có cuộc sống ổn định hơn”.

Được thụ hưởng từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, anh Lâm Ry, ở ấp Thạnh Hòa 2, xã Thúy Liễu phấn khởi nói: “Nhờ địa phương hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình góp thêm tiền để xây căn nhà mới. Đây là căn nhà “mơ ước” của gia đình tôi từ bấy lâu nay. Tôi rất cảm động và biết ơn Đảng và Nhà nước, cũng như các cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ. Có căn nhà mới ở, gia đình tôi không còn lo lắng như trước nữa và yên tâm lao động, nuôi các cháu ăn học”.

Ông Lê Kim Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Quao cho biết: "Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, Gò Quao thực hiện 6 dự án, trong đó có 4 tiểu dự án. Trong 2 năm 2022 và 2023, Gò Quao được phân bổ 11,5 tỷ đồng, đến nay, các xã đang triển khai thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư giải quyết nhà ở cho 53 hộ, mỗi hộ 40 triệu đồng (đã hoàn thành và bàn giao 16 căn), giải quyết chuyển đổi nghề cho 80 hộ, hỗ trợ nước phân tán 36 hộ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho 27 hộ có nhu cầu vay vốn, giải quyết chuyển đổi nghề 209 hộ, hỗ trợ nước phân tán 105 hộ. Ngoài ra, huyện còn triển khai các dự án, mô hình trong vùng đồng bào dân tộc như dự án nuôi dê, heo, tôm lúa, 55 hộ được tiếp cận nguồn vốn".

Thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia

Trong 3 năm (2021 - 2023), tổng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 phân bổ cho tỉnh Kiên Giang là trên 446 tỷ đồng, thực hiện 11 tiểu dự án thuộc 9 dự án của chương trình. Có thể nói, chương trình đã huy động được tổng hợp các nguồn lực để thực hiện, bao gồm cả nguồn ngân sách của Trung ương, của tỉnh, các tổ chức, cá nhân, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, nâng cao đời sống người dân; hỗ trợ nhà ở, phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế... Qua đó, đã tạo được niềm tin của người dân, nhất là đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết: Thời gian qua, Kiên Giang tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững, cải thiện rõ rệt đời sống đồng bào DTTS, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc. Bên cạnh đó, Kiên Giang đã huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer.

“Nhờ vậy, đến đầu năm 2023, hộ nghèo trong đồng bào DTTS của Kiên Giang theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm còn 2.552 hộ (chiếm 3,68%), hộ cận nghèo DTTS còn 3.871 hộ (chiếm 5,59%). Diện mạo ở các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đổi thay, nhất là sự chuyển biến trong ý thức và ý chí tự lực vươn lên, xứng đáng với niềm tin của người dân. Đặc biệt, những đóng góp của họ đã góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc” - ông Danh Phúc khẳng định.

Tiếp tục đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Kiên Giang phân đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của bà con DTTS tăng 2 lần so với năm 2020, giảm nghèo hàng năm từ 1 - 1,5% và giảm 60% số xã không còn đặc biệt khó khăn... Để đạt mục tiêu, tỉnh Kiên Giang sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, các chính sách trong vùng DTTS.

"Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang vừa ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU, ngày 10/10/2023 về việc tăng cường lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719. Các cấp, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, không làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của đồng bào, tạo sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân trong việc triển khai chương trình" - ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết.

Phương Nghi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kien-giang-thuc-hien-hieu-qua-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-post469203.html