Kiên Giang tạo đà bứt phá để về đích thắng lợi

Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, vì vậy các cấp, các ngành, từng cá nhân phải đoàn kết chặt chẽ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quán triệt tốt các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, với quyết tâm chính trị cao nhất, bứt phá hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 để về đích thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.

=> Các cấp ủy có nhiều giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng

=> Hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh cán bộ diện Trung ương quản lý nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 và nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2030.

Văn hóa - xã hội

Các chính sách an sinh xã hội, chính sách cho người có công, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa thực hiện tốt;

Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,29%;

Tăng cường đầu tư hệ thống y tế, chỉ đạo đảm bảo thuốc, vật tư y tế;

Quan tâm xây dựng và bảo tồn các di tích lịch sử, cách mạng, di sản văn hóa;

Hệ thống trường, lớp, thiết bị giáo dục được đầu tư, nâng cấp...

Quốc phòng, an ninh

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, chủ quyền biên giới, biển đảo giữ vững;

Công tác quốc phòng, quân sự địa phương đảm bảo;

Tội phạm băng nhóm, tội phạm công nghệ cao giảm;

Tai nạn giao thông giảm...

Nhận xét về những kết quả, thành tựu trong năm 2023, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Phú Quốc Tống Phước Trường cho rằng, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ 2020-2025, năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm qua đạt được khá toàn diện trên các mặt. Hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đều đạt và vượt. Sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế ấn tượng với 6.79%.

Riêng Phú Quốc thực hiện có hiệu quả các giải pháp, đẩy nhanh phục hồi kinh tế - xã hội, kết quả các chỉ tiêu kinh tế tiếp tục ổn định, có bước tăng trưởng. Tổng thu ngân sách 7.829 tỷ đồng, đạt 135,46% dự toán, tăng 44,22% so cùng kỳ, chiếm hơn 50% tổng thu toàn tỉnh Kiên Giang. Đặc biệt, thành phố thu hút được 2,84 triệu lượt khách, đạt 113,68% so kế hoạch, tăng 23,03% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế là 287.410 lượt khách, tăng 43,57% so với cùng kỳ.

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Giồng Riềng Nguyễn Văn Hiền đồng nhận xét: Năm 2023, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, có nhiều khó khăn, thách thức tác động tiêu cực đến tình hình, tạo ra những khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các ngành, các lĩnh vực và đời sống nhân dân.

Song với sự tập trung, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp nên kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh đạt được khá toàn diện, hầu hết các nhiệm vụ đều cơ bản đảm bảo theo nghị quyết, có 25/28 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt nghị quyết, trong đó 15 chỉ tiêu vượt, 10 chỉ tiêu đạt…

Trong năm 2023, điểm sáng trong phát triển kinh tế vẫn là ngành nông nghiệp khi vững vàng trong vai trò “trụ đỡ”. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, sản lượng lúa cả năm đạt 4,55 triệu tấn, vượt 3,54% kế hoạch, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 97,1%.

Kiên Giang tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn gắn liên kết tiêu thụ được 1.334 cánh đồng (tăng 641 cánh đồng so năm 2022) với diện tích 167.225,69 ha (tăng 57.893,69 ha so năm 2022)… Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản cả năm đạt 798.319 tấn, riêng tôm nuôi nước lợ ước được 121.000 tấn.

Những kết quả, thành tựu đạt được trong điều kiện khó, cho thấy Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành Đảng bộ. Một mặt, Tỉnh ủy bám sát Nghị quyết Đại hội, các chủ trương, nghị quyết của Trung ương; mặt khác, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, sát sao từng địa bàn, từng công việc.

Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo trên từng lĩnh vực, ở địa bàn trọng điểm, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, phức tạp. Thường trực Tỉnh ủy, thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức nhiều đoàn công tác làm việc với các đảng bộ, kiểm tra, khảo sát nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các ngành, địa phương...

Đồng chí Đỗ Thanh Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang cho biết: Trong năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo thực hiện khá tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng, từ công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng; công tác tổ chức, cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát đến công tác dân vận; công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực... đảm bảo yêu cầu.

Bên cạnh đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đã chuyển biến tích cực. Tỉnh đã triển khai khá tốt nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; lãnh đạo tốt công tác cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, chống khai thác IUU, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai, đất rừng, trật tự xây dựng...

Những ngày cuối năm 2023, tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư. Sự kiện này còn được bình chọn là một trong 10 dấu ấn đậm nét của Kiên Giang trong năm 2023. Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư và chủ trương đầu tư cho 11 dự án, trao giấy ghi nhớ khảo sát đầu tư cho 15 doanh nghiệp tại 18 dự án.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình nhận xét: Sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì đây là lần đầu tiên Kiên Giang có bản quy hoạch tỉnh được tích hợp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang, là tỉnh có địa bàn rộng cả về quy mô diện tích đất liền và không gian biển, nên cấp ủy, chính quyền tỉnh Kiên Giang luôn nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác quy hoạch và quản lý lãnh thổ, ngành, lĩnh vực theo quy hoạch. Để đẩy nhanh công tác lập quy hoạch, Kiên Giang huy động sự tham gia của hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu với nhiều ý kiến góp ý, phản biện sâu sắc cho nội dung quy hoạch.

Tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý trong cán bộ, đảng viên, nhân dân... tất cả vì mục tiêu xây dựng bản quy hoạch tỉnh đạt chất lượng cao nhất, có tính khả thi cao, phù hợp với nguồn lực và khả năng thực hiện. Đồng thời, bản quy hoạch phải thể hiện được ý chí tự lực, tự cường và khát vọng làm giàu chính đáng từ tiềm năng, lợi thế trên quê hương Kiên Giang anh hùng.

“Quy hoạch tỉnh Kiên Giang được phê duyệt là kết thúc của giai đoạn lập quy hoạch, nhưng là sự khởi đầu cho giai đoạn mới - giai đoạn tổ chức thực hiện quy hoạch, với yêu cầu chặt chẽ, khoa học nhưng cũng cần “linh hoạt”, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác”, đồng chí Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.

Chỉ đạo về vấn đề quy hoạch, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, tỉnh Kiên Giang phải tuân thủ theo quy hoạch, phải linh hoạt trong thực hiện và phải đồng bộ tất cả các quy hoạch với nhau.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, Kiên Giang đang có trở ngại rất lớn về hạ tầng giao thông kết nối và tỷ trọng công nghiệp chưa cao. Vì vậy, Kiên Giang cần giải quyết được vấn đề hạ tầng giao thông; chủ động thực hiện những dự án giao thông trên địa bàn và phát triển mạnh giao thông thủy.

Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản, lưu tâm công nghiệp năng lượng tái tạo, thúc đẩy dự án nuôi trồng thủy sản thay thế cho đánh bắt; tính đến các dự án lấn biển…

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang chọn chủ đề năm 2024 là: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhất là các khâu đột phá; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; sắp xếp, bố trí cán bộ, chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Chủ đề học tập và làm theo Bác là “Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; khắc phục tình trạng cán bộ, đảng viên sợ trách nhiệm, không dám làm”.

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang tập trung lãnh đạo lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp qua sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Cụ thể hóa, triển khai, quán triệt, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Tỉnh ủy. Thành lập Ban Chỉ đạo và các tiểu ban phục vụ Đại hội XII Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2025-2030, gắn với tổ chức sơ kết, tổng kết một số chuyên đề phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội XII Đảng bộ tỉnh.

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế, Kiên Giang cụ thể hóa, triển khai thực hiện tốt Kết luận Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Lãnh đạo tổ chức thực hiện hiệu quả kịch bản phát triển kinh tế trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ, phấn đấu năm 2024 và năm 2025 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt từ 10,24% trở lên để cả giai đoạn 2021-2025 đạt 7,24%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra…

Nói về nhiệm vụ trong năm 2024, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục phấn đấu thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng lợi thế từng vùng, từng tiểu vùng. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị. Khuyến khích kinh tế hộ, kinh tế hợp tác nòng cốt là hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới kiểu mẫu và bảo vệ môi trường sinh thái.

Bí thư Huyện ủy Châu Thành Lâm Minh Công cho biết: Châu Thành tiếp tục thực hiện tốt 33 chương trình, kế hoạch, dự án của huyện đã và đang thực hiện từ việc cụ thể hóa các chủ trương, kế hoạch của tỉnh, của Đảng bộ huyện. Song song đó, huyện chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, khóa XIII; kịp thời biểu dương khen thưởng, nhân rộng những điển hình tiên tiến, đồng thời, xử lý nghiêm những tổ chức cá nhân né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Đảng bộ huyện tập trung triển khai đồng bộ xây dựng chi bộ “4 tốt”, đảng bộ “4 tốt”; đẩy mạnh công tác tạo nguồn phát triển đảng viên, nhất là phát triển đảng viên trong học sinh, kịp thời sàng lọc đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách. Đồng thời, chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra các cấp tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kịp thời uốn nắn, xử lý nghiêm các cán bộ, đảng viên bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Năm 2024, huyện Châu Thành đặt ra 3 nhiệm vụ lớn đó là phấn đấu đạt huyện nông thôn mới, đô thị mới Tắc Cậu đạt đô thị loại V và xã Giục Tượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

"Để thực hiện đạt mục tiêu nhiệm vụ này, chúng tôi đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Huyện tập trung chỉ đạo 4 xã còn lại phải có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp Thạnh Lộc, khu Cảng cá Tắc Cậu và cụm công nghiệp Bình An, cụm nhà máy chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu trên địa bàn", Bí thư Huyện ủy Châu Thành Lâm Minh Công nói.

TheoBí thư Huyện ủy Tân Hiệp Đinh Xuân Phương: Bước qua năm 2024, Tân Hiệp sẽ tạo sự đột phá mạnh mẽ trong công tác tổ chức, cán bộ; tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để khai thác tốt tiềm năng lợi thế của huyện, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế.

Bí thư Huyện ủy Giồng Riềng Nguyễn Văn Hiền kỳ vọng:

Bên cạnh đó, chủ trương tái cơ cấu ngành thủy sản, thúc đẩy phát triển các dự án nuôi trồng thủy sản thay thế đánh bắt; tăng cường bảo vệ, tái sinh phục hồi nguồn hải sản gần bờ, bảo đảm phù hợp gắn khai thác, nuôi trồng và chế biến; tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chống khai thác IUU góp phần cùng cả nước tháo gở thẻ vàng EC, góp phần thúc đẩy tăng trưởng khu vực nông nghiệp.

Từ thành phố đảo, Bí thư Thành ủy Phú Quốc Tống Phước Trườngkỳ vọng: Nhìn về năm 2024, Kiên Giang sẽ thực hiện đạt mức cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra. Điểm nhấn sẽ là việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và chuẩn bị cho Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Kinh tế được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với việc hoàn thành và triển khai các dự án trọng điểm, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp và công nghiệp.

Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, vì vậy các cấp, các ngành, từng cá nhân phải đoàn kết chặt chẽ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quán triệt tốt các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, với quyết tâm chính trị cao nhất, bứt phá hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 để về đích thắng lợi Nghị Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/thoi-su/kien-giang-tao-da-but-pha-de-ve-dich-thang-loi-18377.html